Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, cần ưu tiên tạo đột phá về hạ tầng

TP Hà Nội đang khẩn trương thực hiện các bước để hoàn chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch này được thông qua sẽ là căn cứ quan trọng để TP Hà Nội triển khai xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển gắn với việc khai thác, huy động và sử dụng các nguồn lực trong thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu xây dựng Thủ đô thực sự trở thành thành phố 'Văn hiến-văn minh-hiện đại'.

Dựa trên nguyên tắc “thuận tự nhiên”

Hiện nay, Hà Nội đang triển khai song hành, lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo các quy định trong Luật Quy hoạch; cùng với đó nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2013. Đây là thời cơ nhưng cũng là thách thức đối với công tác quy hoạch cho phát triển đô thị Thủ đô Hà Nội.

Theo đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Mặc dù tiến độ yêu cầu gấp (thời gian thực tế triển khai khoảng 12 tháng so với quy định là 24 tháng), song quy hoạch Thủ đô Hà Nội vẫn được thực hiện công phu, bài bản, nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch. Quá trình triển khai lập quy hoạch, TP Hà Nội đã tổ chức xin ý kiến bộ, cơ quan Trung ương; tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng dân cư. Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển.

Theo GS, TS Hoàng Văn Cường, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, đại diện đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch, quy hoạch Thủ đô dựa trên nguyên tắc “thuận tự nhiên”; lấy tiêu chí phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát chất lượng môi trường với 5 trụ cột gồm: Văn hóa và di sản; chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn; hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; xã hội số, kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Ảnh: TUẤN HUY

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Ảnh: TUẤN HUY

Quy hoạch Thủ đô đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, bao gồm 6 mục tiêu về kinh tế; 5 mục tiêu về xã hội; 6 mục tiêu về môi trường; 2 mục tiêu về đô thị và nông thôn và 1 mục tiêu về quốc phòng, an ninh. Trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn 2021-2030, TP Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: Tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500-14.000USD; diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10-12m2/người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 65-70%...

Đột phá về hạ tầng phải là ưu tiên số 1

Góp ý vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, Hà Nội là địa phương sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế, việc Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước là hoàn toàn có cơ sở nhưng cần có những ý tưởng đột phá mới đạt tăng trưởng như kỳ vọng. Thực tế cho thấy, Hà Nội là địa phương sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế và đạt được nhiều thành tựu trong phát triển. Song những năm gần đây, kinh tế của Hà Nội có xu hướng giảm dần so với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Tốc độ tăng trưởng GRDP, tỷ trọng GRDP của Hà Nội cao hơn cả nước nhưng có xu hướng thấp dần so với vùng Đồng bằng sông Hồng. Năm 2023, tăng trưởng GRDP của Thủ đô đạt 6,27%, xếp sau Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình.

Góp ý vào dự thảo Quy hoạch, TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Hà Nội có vai trò rất quan trọng với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước, đóng góp tới 13% GDP cả nước và 43% GDP của vùng. Bởi thế, quy hoạch cần xác định rõ Hà Nội đang ở đâu trong tiến trình mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra, là đến năm 2030 đưa nước ta trở thành nước có thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 sẽ trở thành nước có thu nhập cao? Làm rõ được vai trò này không chỉ cho riêng Hà Nội mà còn có ý nghĩa cho cả nước. Theo đó, Hà Nội cần đặt ra những mục tiêu phù hợp với chiến lược phát triển của cả nước chứ không chỉ “vượt lên so với chính Hà Nội”.

Băn khoăn về cơ cấu kinh tế, TS Cao Viết Sinh đặt câu hỏi: Tăng trưởng của Hà Nội đang giảm dần, cho thấy cơ cấu kinh tế chưa hợp lý. Lý do từ tỷ trọng công nghiệp trong GRDP quá thấp. Vì thế, Hà Nội cần làm rõ còn dư địa cho công nghiệp.

Nêu ý kiến góp ý, GS, TS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ rõ, nếu hạ tầng của Hà Nội không có sự thay đổi thì khó mà tính đến chuyện khác, nên bắt buộc phải làm trước tiên. Vì vậy, dứt khoát phải có định hướng rõ rệt và cụ thể cho giao thông đô thị Hà Nội trong quy hoạch.

Có cùng cách nhìn nhận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hạ tầng là điểm nghẽn rất lớn của Hà Nội, cụ thể là tắc nghẽn giao thông. Nếu không có giải pháp đột phá, Hà Nội sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng này và sẽ không thể trở thành đô thị thông minh, hiện đại. Do đó, quy hoạch thủ đô cần tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giải quyết ách tắc giao thông, khai thác mạnh không gian ngầm, đường sắt đô thị, các hình thức giao thông công cộng khác... Trong các đột phá cho Hà Nội, đột phá về hạ tầng phải là ưu tiên số 1, các đột phá tiếp theo sẽ bổ sung cho đột phá này. Làm sao có một chương trình về hạ tầng giao thông đồng bộ cho Hà Nội.

KHÁNH AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/quy-hoach-thu-do-ha-noi-can-uu-tien-tao-dot-pha-ve-ha-tang-761329