Quy hoạch tổng thể quốc gia: Cần xem xét tính thực tế, khả thi của các kịch bản tăng trưởng

Sáng 6-1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Qua thảo luận, các đại biểu thống nhất cho rằng, đây là nội dung quan trọng cần thiết sớm thông qua; tuy nhiên quy hoạch tổng thể quốc gia cần được nhìn nhận như là một công cụ mang tính “động” và “mở” phù hợp với xu thế kinh tế-xã hội luôn biến động, không nên sử dụng như một công cụ điều hành thường nhật. Trong đó, tập trung nhấn mạnh những định hướng lớn, tổng thể về xác định các không gian phát triển gắn với phân vùng lãnh thổ, các khu đô thị và nông thôn và quy hoạch sử dụng đất đai...

 Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: VPQH

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: VPQH

Quy hoạch tổng thể quốc gia giống như “sách trắng” của Chính phủ

Góp ý vào những nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia lần này giống như “sách trắng” của Chính phủ, trong đó đưa ra những khuyến cáo nhiều hơn là một bản quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia lần này giống như “sách trắng” của Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn TP Hà Nội) cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia lần này giống như “sách trắng” của Chính phủ.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Trúc Anh bày tỏ băn khoăn về các con số cụ thể. "Tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2031-2050 đặt ra là khoảng 6,5%, như vậy các cực tăng trưởng như TP Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh phải tăng trưởng gấp đôi so với bình quân cả nước thì mới kéo được tăng trưởng chung của cả nước", đại biểu nói.

Đặc biệt là tỷ lệ đô thị hóa 70-75%, đại biểu Nguyễn Trúc Anh băn khoăn liệu con số 75% dân số sống trong lĩnh vực phi nông nghiệp, liệu chúng ta có khả năng đạt được không?

“Điều này cũng gây ra sự mâu thuẫn với phát triển nông nghiệp. Nếu tính như vậy chúng ta sẽ mất hết đất sản xuất nông nghiệp để dành cho đất phát triển đô thị. Đây là con số phải cảnh giác. Vì quan điểm của chúng ta là gìn giữ thiên nhiên, các loại đất cho tương lai sau này. Trình độ, mức sống của người dân được nâng cao, thu hẹp dần khoảng cách sống giữa nông thôn và thành thị không? - Đó mới là mục tiêu để chúng ta nhìn vào”, đại biểu Nguyễn Trúc Anh lý giải.

Cũng quan tâm đến các chỉ tiêu cụ thể, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, các mục tiêu đưa ra phấn đấu đến năm 2030 trong Quy hoạch tổng thể quốc gia là khá cao. Do đó cần phải xem xét tính thực tế và khả thi của các mục tiêu cũng như các kịch bản tăng trưởng đặt ra trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều yếu tố bất định, khó lường như chiến tranh, dịch bệnh, lạm phát, biến đổi khí hậu, công nghệ và các mô hình kinh doanh mới sẽ là những yếu tố đầu vào then chốt, tác động đến doanh số của các kịch bản nêu ra...

Tập trung quản lý chặt chẽ 3 loại đất ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau) nêu rõ, Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị đã quy định rõ những chỉ tiêu lớn, quan trọng về việc phát triển đô thị. Do đó cần cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị vào Quy hoạch tổng thể quốc gia để các địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch tỉnh nhằm bảo đảm môi trường sống cho người dân.

Về định hướng sử dụng đất, đại biểu Đinh Ngọc Minh cho rằng cần tập trung quản lý chặt chẽ 3 loại đất ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh như đất ở, đất lúa, đất rừng và quản lý linh hoạt các loại đất khác.

 Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau): Cần tập trung quản lý chặt chẽ 3 loại đất ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau): Cần tập trung quản lý chặt chẽ 3 loại đất ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh.

Qua nghiên cứu, đại biểu chỉ ra rằng, trong báo cáo chưa nhắc đến đất là tư liệu sản xuất. Trong tất cả các nền kinh tế, đất đai phải là tư liệu sản xuất, vừa là nơi tạo ra việc làm, xây dựng các công xưởng, nhà máy và là nơi nuôi dưỡng nguồn thu. Do đại biểu nhấn mạnh cần nêu rõ định hướng, quan điểm sử dụng đất trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Làm rõ nguồn lực và giải pháp thực hiện

Còn đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) thì nhấn mạnh, quy hoạch tổng thể quốc gia là việc làm chưa có tiền lệ nên chưa có kinh nghiệm xây dựng. Theo đại biểu, việc xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia không phải việc làm phổ biến, đa số các quốc gia trên thế giới chỉ có định hướng về mục tiêu dài hạn. Do đó cần thảo luận kỹ lưỡng, quyết định thận trọng để tránh việc đặt ra mục tiêu, giới hạn thời gian nhưng không đạt được.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình): Cần làm rõ các nội dung liên quan đến nguồn lực và giải pháp thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia để tránh lúng túng khi triển khai.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình): Cần làm rõ các nội dung liên quan đến nguồn lực và giải pháp thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia để tránh lúng túng khi triển khai.

Nhấn mạnh quy hoạch tổng thể quốc gia là một nội dung khó, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, khác với quy hoạch tỉnh với các cơ sở tương đối rõ ràng, quy hoạch tổng thể quốc gia là một bức tranh hoàn toàn khác. Tuy nhiên, đây là nền tảng cơ sở cho các quy hoạch ngành và địa phương và dù khó nhưng cũng cần sớm hoàn thiện để thông qua.

Đại biểu Phan Đức Hiếu cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ các nội dung liên quan đến nguồn lực và giải pháp thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia để tránh lúng túng khi triển khai. Bên cạnh đó, do đây là quy hoạch tổng thể quốc gia, mang tính khái quát, do đó, cũng cần làm rõ tính chi tiết của các nội dung trong quy hoạch này đến đâu.

THẢO NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/quy-hoach-tong-the-quoc-gia-can-xem-xet-tinh-thuc-te-kha-thi-cua-cac-kich-ban-tang-truong-715865