Quy hoạch trường chuyên biệt cho người khuyết tật: Nhận diện đúng - đầu tư trúng
Mạng lưới các cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật tại Việt Nam còn mỏng và phân bố không đồng đều...

Các trường chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Ảnh: Khôi Nguyên
Để đạt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 3.300 giáo viên và 7.400 viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật, TS Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thổ thông, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (Bộ GD&ĐT) cho biết, cần phải tập trung vào hai vấn đề quan trọng.
34 địa phương chưa có cơ sở giáo dục chuyên biệt
- Xin ông cho biết thực trạng mạng lưới các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập hiện nay ở nước ta?
- Tính đến tháng 12/2023, cả nước có 51 cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật do ngành Giáo dục quản lý (trong đó có 24 cơ sở cấp tỉnh và 27 cơ sở cấp huyện); có 16 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Mạng lưới các cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật tại Việt Nam còn mỏng và phân bố không đồng đều. Chỉ có khoảng 1/3 số tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có cơ sở giáo dục chuyên biệt (23 địa phương có cơ sở giáo dục chuyên biệt). Vùng Đông Nam Bộ có nhiều cơ sở giáo dục chuyên biệt nhất, trong khi vùng Tây Nguyên (bao gồm 5 tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum) chỉ có 2 cơ sở giáo dục chuyên biệt cấp tỉnh.
Mạng lưới trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập còn ít, chỉ có 13/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (TPHCM có 3 trung tâm), trong đó 1 trung tâm mới thành lập và đi vào hoạt động (Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Sơn La), 1 trung tâm đã có Quyết định thành lập nhưng chưa hoạt động (Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Vĩnh Phúc).
Một số địa phương có cả cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (Đà Nẵng, TPHCM). Cả nước có 29 địa phương có cơ sở giáo dục dành cho người khuyết tật, như vậy là còn 34 địa phương chưa có cơ sở giáo dục dành cho người khuyết tật.
- Những khó khăn và thuận lợi các địa phương đang gặp phải trong việc phát triển mạng lưới trường chuyên biệt dành cho người khuyết tật thời gian qua là gì?
- Về mặt thuận lợi: Có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về công tác giáo dục đối với người khuyết tật, các cấp có thẩm quyền đã ban hành nhiều quy định liên quan đến giáo dục đối với người khuyết tật. Công tác giáo dục người khuyết tật nhận được nhiều quan tâm của các tổ chức vì người khuyết tật, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ.
Nguồn nhân lực làm công tác giáo dục người khuyết tật ngày càng được nâng cao trình độ. Hiện, Việt Nam đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ về giáo dục đặc biệt. Cha mẹ trẻ có nguy cơ khuyết tật, trẻ khuyết tật ngày càng nhận thức tốt hơn về người khuyết tật và giáo dục đối với người khuyết tật, tỷ lệ cha mẹ đưa con đi can thiệp sớm và giáo dục sớm ngày càng tăng.
Dù vậy, mạng lưới cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập còn mỏng và phân bố chưa đồng đều giữa các vùng miền trong cả nước.
Một số trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập không hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, chưa thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho các cơ sở giáo dục hòa nhập tại địa phương.
Các cơ sở giáo dục chuyên biệt chưa thống nhất tên gọi, vị trí, chức năng và nhiệm vụ, mỗi địa phương tổ chức và hoạt động khác nhau; thiếu sự kết nối giữa cơ sở giáo dục chuyên biệt và cơ sở giáo dục khác trong địa bàn.

TS Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông. Ảnh: Khôi Nguyên
Cần giải pháp toàn diện
- Để bảo đảm mục tiêu đến năm 2030, nước ta có khoảng 3.300 giáo viên và 7.400 viên chức hỗ trợ giáo dục người khuyết tật làm việc trong các cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật, chúng ta cần có những giải pháp ra sao từ bộ, ngành cũng như các địa phương?
- Cần nhấn mạnh hai vấn đề: Thứ nhất, đây là các cơ sở giáo dục nên giáo viên làm việc trong các cơ sở giáo dục của hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập bao gồm: Giáo viên “văn hóa” (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) được bồi dưỡng theo quy định các vấn đề khi làm việc với học sinh khuyết tật, đây là lực lượng chủ yếu; và giáo viên có chuyên môn về giáo dục đặc biệt để đảm nhiệm tổ chức dạy học phần nội dung kỹ năng đặc thù.
Do đó, lực lượng giáo viên cho hệ thống sẽ bao gồm các giáo viên được bồi dưỡng để có kỹ năng làm việc với học sinh khuyết tật (là chủ yếu) và giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục đặc biệt.
Thứ hai, các cơ sở giáo dục công lập trong hệ thống chủ yếu được củng cố, phát triển từ cơ sở giáo dục học sinh khuyết tật đã có, số cơ sở thành lập mới không quá nhiều, đủ để đáp ứng nhu cầu “tối thiểu”.
Mỗi địa phương cấp tỉnh thường chỉ thành lập thêm 1 - 2 đơn vị mới (như 1 - 2 trường học mới với quy mô khoảng 20 - 25 lớp) trong giai đoạn từ nay đến năm 2050, phù hợp với sự phát triển của giáo dục và đào tạo các địa phương
Trong Quyết định phê duyệt “Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã chỉ rõ nhiệm vụ của các đơn vị có liên quan.
Trong đó yêu cầu, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Nội vụ xác định các vị trí việc làm trong cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật của hệ thống. Việc làm này giúp cho các địa phương có kế hoạch để bổ sung, chuẩn bị nhân lực theo lộ trình mà quy hoạch đã đặt ra.

Học sinh Trường Tiểu học Bình Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hoạt động thể chất tại trường. Ảnh: Khôi Nguyên
Tăng cường kiểm tra, giám sát
- Cơ sở giáo dục dành cho người khuyết tật cần yêu cầu riêng, phù hợp từ chương trình giảng dạy đến cơ sở vật chất và nhân sự. Làm thế nào để kiểm soát việc thành lập cũng như chất lượng hoạt động?
- Chính phủ đã ban hành Nghị định 125/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, trong đó có quy định về điều kiện, thủ tục thành lập các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật (trường dành cho người khuyết tật) và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Trước đó, Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tổ chức hoạt động của trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (Thông tư 20/2022/TT-BGDĐT) và quy chế tổ chức và hoạt động của trường/lớp dành cho người khuyết tật (Thông tư 27/2024/TT-BGDĐT). Đây là các văn bản quan trọng trong việc xác định và bảo đảm điều kiện để các cơ sở giáo dục này trong hệ thống hoạt động bảo đảm chất lượng.
Đặc biệt, việc quy định thành lập và tổ chức hoạt động giáo dục của các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tư thục đã được điều chỉnh, thuận lợi hơn cho việc triển khai, giải quyết được vấn đề thủ tục phức tạp trong quá trình xử lý hồ sơ. Điều này dẫn đến một số đơn vị đã xin cấp phép thành lập và hoạt động nhưng không có chức năng giáo dục đối với học sinh khuyết tật, tuy nhiên vẫn tổ chức các hoạt động giáo dục với các em.
Thời gian tới đây, để bảo đảm chất lượng giáo dục đối với cơ sở trong hệ thống, cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo cần tăng cường công tác thanh/kiểm tra việc tuân thủ quy định các văn bản trên, để bảo đảm cơ sở giáo dục trong hệ thống, trong đó có trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập hoạt động hiệu quả, chất lượng.
Bên cạnh đó, các sở GD&ĐT cũng cần theo dõi, kịp thời báo cáo UBND tỉnh tổ chức thanh/kiểm tra trung tâm mượn danh hoặc mang tên trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập không do ngành Giáo dục quản lý và không có chức năng, nhiệm vụ giáo dục đối với học sinh khuyết tật để kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn những đơn vị làm sai quy định.
- Phát triển mạng lưới trường chuyên biệt cho người khuyết tật cần nguồn lực đầu tư lớn. Kinh phí phục vụ nhiệm vụ trên đã sẵn sàng?
- Theo phân cấp quản lý về giáo dục, nguồn kinh phí để triển khai quy hoạch này chủ yếu từ nguồn ngân sách các địa phương. Thực ra, việc có thêm cơ sở giáo dục đối với người chuyên biệt hoặc trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ở địa phương cũng tương tự việc thành lập một trường phổ thông (tiểu học, trung học) và các địa phương vẫn triển khai hằng năm.
Bên cạnh đó, dự kiến có một số chương trình, đề án từ ngân sách Trung ương và các nguồn hợp pháp khác giúp các địa phương còn khó khăn và phát triển đơn vị dẫn dắt hệ thống. Mong rằng từ đó, chúng ta sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đồng bộ, tiến tới đạt trình độ của khu vực.
Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho giáo dục người khuyết tật bằng cách tăng kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước; tranh thủ sự hỗ trợ, tài trợ kinh phí, kỹ thuật và kinh nghiệm từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để triển khai, thực hiện quy hoạch.
Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục và hỗ trợ người khuyết tật; huy động tối đa nguồn lực cho công tác giáo dục người khuyết tật. Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài nhằm thu hút nguồn lực đầu tư cho công tác giáo dục người khuyết tật.
Ngoài ra, chúng ta có thể chủ động hội nhập quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ, viện trợ trong công tác giáo dục người khuyết tật. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục đối với người khuyết tật.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách có tri thức, kỹ năng hội nhập, nắm vững nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của công tác hội nhập quốc tế về giáo dục người khuyết tật trong giai đoạn mới.
- Xin cảm ơn ông!
Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng (viện, trường đại học, học viện…) xây dựng lộ trình, chỉ tiêu về đào tạo và bồi dưỡng trên cơ sở nhu cầu địa phương khi triển khai quy hoạch; phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng tiên tiến, phù hợp với nhu cầu thực tế; đa dạng hóa các hình thức đào tạo trực tiếp và trực tuyến. Tất cả giải pháp có tính đồng bộ như trên nếu thực hiện tốt sẽ giúp được chúng ta có một đội ngũ giáo viên, nhân viên phục vụ cho sự phát triển của hệ thống theo quy hoạch đã được phê duyệt.