Quy hoạch vùng trồng: Cần lấy 'cầu' làm gốc

Việc quy hoạch vùng trồng sẽ chỉ chính xác nếu cơ quan chức năng, người làm quy hoạch phải có cái nhìn dài hạn và tập trung vào khâu tiêu thụ.

Sầu riêng đã có mặt trong danh mục "ngành hàng tỷ đô" của Việt Nam. Sau hơn một năm được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, loại trái cây này tiếp tục mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Tuy nhiên, “sức nóng” của loại trái cây này đã khiến thị trường “tranh mua, tranh bán”, loạn giá...

Tại một số địa phương, diện tích trồng sầu riêng đang tăng nhanh. Tuy nhiên, việc xuất khẩu trái cây này còn phụ thuộc vào một vài thị trường nên tiềm ẩn nguy cơ “được mùa - mất giá”... Tại Đắk Nông, theo quy hoạch phát triển đến năm 2025, diện tích sầu riêng của tỉnh là 5.000ha, song đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đã có 6.139ha sầu riêng, vượt xa quy hoạch. Nếu nông dân sản xuất sầu riêng tự phát, không theo quy chuẩn xuất khẩu sẽ dẫn đến cung vượt cầu, lúc đó giá bán có thể thấp và không hiệu quả.

Tương tự, giai đoạn 2016-2019 là “thời hoàng kim” của cây mít Thái, có thời điểm giá lên đến 60.000 đồng/kg. Nông dân các tỉnh ồ ạt trồng loại cây này. Hệ lụy là năm 2022, do ảnh hưởng dịch Covid-19, thị trường Trung Quốc hạn chế thu mua, giá mít Thái sụt giảm xuống chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg khiến nhiều hộ chặt bỏ, chuyển sang cây trồng khác…

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, diện tích cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương đang vượt quy hoạch. Điển hình như: Dưa hấu (Quảng Ngãi), hành tím (Sóc Trăng), thanh long (Bình Thuận), mía tím (Hòa Bình) và gần đây là sầu riêng ở một số tỉnh Đắk Lắk, Đồng bằng sông Cửu Long.

Sầu riêng trước nguy cơ vỡ quy hoạch

Sầu riêng trước nguy cơ vỡ quy hoạch

Thực tế, quy hoạch sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ là định hướng chiến lược của cơ quan quản lý, tuy nhiên thực tế nhiều năm nay các phong trào tự phát chạy theo xu hướng lợi nhuận khiến nền nông nghiệp của Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi vấn nạn "trồng - chặt, chặt - trồng". Bởi đa số nông dân phát triển cây ăn quả theo “phong trào”, khi thấy cây gì dễ trồng, được giá thì ồ ạt trồng mà không nắm chắc tình hình thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc. Vì vậy nông dân thường bị động, phụ thuộc, cuối cùng lại mắc vào vòng luẩn quẩn “trồng nhiều - sản lượng lớn - giá thấp”. Tình trạng trên không chỉ đối với cây chuối mô, cây dứa, mà có thể sẽ xảy ra với nhiều loại cây trồng khác trong tương lai như cam, bưởi, ớt…

Để khắc phục tình trạng trên, trong những năm 2017, 2018, cụm từ “quy hoạch vùng sản xuất” hoặc “quy hoạch vùng nguyên liệu” bắt đầu được đề cập đến trong các văn bản của nhà nước. Nhưng phải tới cuối năm 2018, khi Luật Trồng trọt được thông qua, cụm từ ấy mới được nhắc đến nhiều như một giải pháp toàn diện. Song, từ đó đến nay đã 5 năm, quy hoạch vùng sản xuất diễn ra vẫn còn chậm. Lý do, việc triển khai còn thiếu quyết liệt, thiếu năng động; nông dân có sức ì lớn, tính bảo thủ cao. Những chính sách khuyến khích thực hiện quy hoạch vùng chưa đi được vào thực tiễn.

Nhìn sang các quốc gia khác, có thể thấy nhiều nước đều có cơ quan trinh sát thị trường, cập nhật thông tin thường xuyên. Nhiều nước thậm chí còn xây dựng bản đồ, số hóa thông tin để đưa đến cho nông dân, doanh nghiệp. Từ đó, nông dân có thể biết rõ cung cầu, xu hướng… Dựa trên những thông tin này, nông dân sẽ tự điều chỉnh sản xuất. Tuy nhiên, những vấn đề này ở Việt Nam còn thiếu và thẳng thắn thừa nhận là chưa có đơn vị nào làm tốt công việc này.

Bám sát thông tin thị trường là điều vượt ra ngoài năng lực và khả năng của nhiều nông dân. Hệ thống quản lý của Nhà nước cần có động lực mới, chuyển từ cách thức điều hành sản xuất theo kiểu kinh tế kế hoạch trước đây (nặng về làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ…) sang điều hành thích ứng với kinh tế thị trường. Điều này cho thấy, rất cần có vai trò "nhạc trưởng" trong điều phối, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các địa phương, đặc biệt trong điều tiết sản xuất rải vụ, nghịch vụ giúp kéo giảm áp lực sản lượng trái cây tập trung chính vụ; kết nối tiêu thụ, cung ứng sản phẩm giữa địa phương và các đô thị trung tâm; bảo đảm sự ổn định, cạnh tranh lành mạnh, giữ vững uy tín chất lượng trái cây khi xuất khẩu. Có như vậy, người nông dân mới có thể sớm tránh được tình trạng “được mùa, mất giá - được giá, mất mùa”.

Hà Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quy-hoach-vung-trong-can-lay-cau-lam-goc-288644.html