Quỹ mở lên ngôi giữa chu kỳ phục hồi thị trường

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chứng kiến chu kỳ hồi phục mạnh mẽ hiếm có trong vòng ba năm trở lại đây, khi VN-Index vượt lên mốc 1.457 điểm, áp sát vùng đỉnh thời kỳ Covid-19. Sức bật của thị trường đã giúp các quỹ mở ghi nhận hiệu suất vượt trội chỉ trong vòng 3 tháng qua.

VN-Index tăng mạnh lên 1.457 điểm, loạt quỹ mở linh hoạt vượt 20%, có quỹ gần 30% chỉ trong 3 tháng

VN-Index tăng mạnh lên 1.457 điểm, loạt quỹ mở linh hoạt vượt 20%, có quỹ gần 30% chỉ trong 3 tháng

Từ vùng đáy 1.073 điểm hồi tháng 4, chỉ số VN-Index đã tăng gần 400 điểm, bất chấp những bất ổn từ chính sách thuế toàn cầu và rủi ro bên ngoài. Theo các chuyên gia, yếu tố giúp thị trường phục hồi mạnh mẽ đến từ chính sách điều hành linh hoạt, nội lực phục hồi của kinh tế Việt Nam và kết quả khả quan từ các cuộc đàm phán thương mại Việt - Mỹ.

Nổi bật trong làn sóng tăng trưởng này là các quỹ mở, kênh đầu tư trung - dài hạn chủ lực, tập trung dòng tiền lớn từ nhà đầu tư tổ chức và cá nhân có khẩu vị rủi ro đa dạng. Theo dữ liệu từ nền tảng Fmarket, nhiều quỹ linh hoạt đã ghi nhận hiệu suất vượt trội chỉ trong vòng 3 tháng qua.

Dẫn đầu là Quỹ đầu tư cổ phiếu DCDS của Dragon Capital, đạt mức sinh lời gần 30%, trở thành “hiện tượng” đầu tư nửa đầu năm 2025. Hai quỹ cổ phiếu do MB Capital quản lý cũng ghi nhận hiệu suất tích cực, lần lượt đạt 11% và 10%. Các quỹ khác như BVFED của Bảo Việt Fund và DCDS đều nằm trong nhóm đầu với lợi suất lần lượt đạt 8,5% và hơn 8%.

Theo ông Hàn Hữu Hậu, Giám đốc - Hy Maxpro, chuyên gia tư vấn tài chính toàn diện đánh giá: “Các quỹ linh hoạt đang chứng tỏ khả năng xoay chuyển dòng vốn hiệu quả, không chỉ tận dụng được thời điểm thị trường bật lên mà còn tối ưu hóa lợi suất trong điều kiện biến động. Đây là điểm mạnh mà các nhà đầu tư cá nhân khó đạt được khi tự giao dịch”.

Trong khi đó, nhóm quỹ trái phiếu tiếp tục là điểm tựa an toàn cho dòng tiền thận trọng, nhờ khả năng sinh lời ổn định và cao hơn đáng kể so với lãi suất tiết kiệm. Một số quỹ trái phiếu nổi bật gồm: VNDBF, VinaCapital VFF, BVBF và DCBF đều ghi nhận lợi suất 12 tháng vượt mốc 6,4%.

Một số quỹ linh hoạt như LHBF còn kết hợp phân bổ cổ phiếu, trái phiếu linh hoạt, đạt lợi nhuận lên tới 12%, gấp đôi so với gửi tiết kiệm truyền thống. Nhóm quỹ cân bằng như VinaCapital VIBF dù chịu ảnh hưởng từ biến động cổ phiếu, vẫn duy trì lợi suất hơn 3% trong nửa đầu năm nhờ cơ cấu đầu tư linh hoạt.

Cùng lúc, dòng tiền ngắn hạn đang có xu hướng tìm về các quỹ trái phiếu thanh khoản (MMF), như MBAM (3,2%), ABBF (3%), DCIP (2,7%), SSIBF và VNDBF (cùng 2,6%). Với đặc điểm rút - nộp linh hoạt và tính lãi theo thời gian nắm giữ, nhóm quỹ MMF đang dần thay thế vai trò của gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn trong danh mục nhà đầu tư.

Theo thống kê từ Fmarket, trong 5 năm qua, hiệu suất đầu tư của nhiều quỹ mở vượt xa VN-Index. Cụ thể: VinaCapital VESAF gần 23%/năm, SSI-SCA khoảng 20%, DCDS hơn 19%, VEOF và VCBF-BCF lần lượt gần 19% và 18%/năm, trong khi VN-Index chỉ đạt 10,8% cùng kỳ.

Đây là minh chứng rõ ràng cho năng lực của đội ngũ quản lý quỹ và hiệu quả của chiến lược đầu tư chuyên nghiệp. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - thành viên Ủy ban chiến lược đầu tư của một quỹ lớn: “Quỹ mở đang là nền tảng cốt lõi cho chiến lược phân bổ tài sản dài hạn. Trong bối cảnh thị trường Việt Nam tăng trưởng và kỳ vọng nâng hạng, nhà đầu tư càng có lý do để ưu tiên nhóm quỹ này”.

Nửa cuối năm 2025, thị trường được kỳ vọng tiếp tục duy trì đà tăng nhờ các lực đỡ vĩ mô: chính sách tiền tệ nới lỏng, chương trình “Đổi mới 2.0” thúc đẩy khu vực tư nhân, cùng kỳ vọng nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi. Đây là những yếu tố có thể giúp quỹ mở mở rộng quy mô và tiếp tục trở thành “người dẫn đường” cho dòng tiền thông minh.

Bình Minh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/quy-mo-len-ngoi-giua-chu-ky-phuc-hoi-thi-truong-167222.html