Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Đề xuất và khuyến nghị cải cách chính sách
Với khung giải pháp 2 trụ cột bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đặc biệt là Trụ cột 2 về Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu, các chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam cho các tập đoàn đa quốc gia có đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, sẽ đối mặt với một số thách thức nhất định.
Tác động của thuế tối thiểu toàn cầu
Đối tượng áp dụng của Trụ cột 2 về Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là các tập đoàn, công ty đa quốc gia (MNE) đáp ứng ngưỡng doanh thu hợp nhất đạt tối thiểu 750 triệu EUR căn cứ theo báo cáo tài chính của tập đoàn theo từng quốc gia trong ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm xem xét, trừ một số trường hợp cụ thể.
Các nước nhận vốn đầu tư từ nước ngoài (gồm Việt Nam) đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó, trong đó có việc áp dụng Thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) để tránh mất quyền đánh thuế vào tay các quốc gia có công ty mẹ đóng trụ sở chính (theo cơ chế IIR) hoặc quốc gia có công ty trung gian thuộc tập đoàn (theo cơ chế UTPR), đồng thời nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về tài chính để giữ chân các công ty thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút công ty mới.
Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ mang lại thách thức, nhưng cũng là động lực nhằm thúc đẩy phát triển cho Việt Nam. Theo đó, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể tác động đến sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong ngắn hạn, bởi chính sách ưu đãi thuế hiện hành trở nên kém hấp dẫn. Các công ty đang được hưởng ưu đãi thuế của Việt Nam sẽ phải đóng bổ sung thuế ở Việt Nam (nếu Việt Nam áp dụng QDMTT), hoặc ở quốc gia nơi công ty mẹ/công ty trung gian đóng trụ sở khi Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực, để đảm bảo mức thuế tối thiểu 15%.
Nếu không có phản ứng kịp thời, Việt Nam sẽ mất quyền đánh thuế, cụ thể là mất khoản thu ngân sách nhà nước. Đây cũng là động lực để Việt Nam tăng cường hội nhập quốc tế, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
Tình hình đầu tư nước ngoài và các ưu đãi thuế trong lĩnh vực công nghệ
Những năm gần đây, một số tập đoàn công nghệ toàn cầu đã lên kế hoạch rời khỏi Trung Quốc dưới tác động của thương chiến Mỹ - Trung và ảnh hưởng của Covid-19. Các công ty đa quốc gia như Samsung, LG, Google, Microsoft đã và đang dần dịch chuyển việc đầu tư dây chuyền sản xuất mới tại Việt Nam thay vì Trung Quốc. Hãng trò chơi điện tử Nintendo cũng đã chuyển một phần hoạt động sản xuất máy chơi game Switch Lite sang Việt Nam.
Theo Tổng cục Thuế, hiện có khoảng 335 dự án tại Việt Nam có số vốn đầu tư đăng ký trên 100 triệu USD hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, chế tạo tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn 15%. Trong đó, chiếm đa số là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất sản phẩm phần mềm như Samsung, Intel, Bosch, Foxconn, KMS Technology, Techbase Việt Nam...
Cũng theo Tổng cục Thuế, khoảng 1.017 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, hơn 100 doanh nghiệp lớn có khả năng chịu ảnh hưởng của quy tắc này nếu áp dụng từ năm 2024.
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông hiện hành tại Việt Nam là 20%. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm kể từ khi phát sinh doanh thu. Đối với dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ cao, hoặc dự án mới cần đặc biệt thu hút đầu tư, thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% có thể kéo dài thêm, nhưng tổng thời gian không quá 30 năm.
Ngoài ra, các doanh nghiệp được miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo được tính liên tục từ năm đầu tiên phát sinh doanh thu chịu thuế.
Về tổng quan, mức thuế thu nhập doanh nghiệp bình quân áp dụng cho các doanh nghiệp đa quốc gia được ưu đãi trung bình hiện ở quanh mức 12,3%, thậm chí là 2,75 - 5,95%, thấp hơn nhiều so với thuế suất phổ thông và đang được sử dụng như một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư tại Việt Nam.
Đề xuất cải cách chính sách
Thứ nhất, Việt Nam cần đẩy nhanh việc nghiên cứu lấy ý kiến từ cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, hiệp hội các doanh nghiệp từ các quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Trụ cột 2, các chuyên gia tư vấn, kiểm toán… về thực trạng của Trụ cột 2, các đề xuất về chính sách ứng phó với tác động của Trụ cột 2 trong ngắn và dài hạn, nhằm ban hành nội luật hướng dẫn áp dụng một cách thống nhất và toàn diện.
Thứ hai, để phù hợp với mục tiêu tại Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện các thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần sớm rà soát và cải cách các quy định, cân nhắc chính sách hỗ trợ nhà đầu tư dựa trên cơ sở chi phí, thay vì dựa trên thuế suất như hiện tại, áp dụng đồng thời với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khác.
Đến nay, hầu hết các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu như Thụy Sỹ, Anh và ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Hồng Kông (Trung Quốc), Australia đều xác nhận sẽ áp dụng Quy tắc thuế suất tối thiểu 15% bắt đầu từ năm 2024.
Đó là cho phép ghi nhận tăng chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), chi phí đầu tư xây dựng nhà xưởng, chi phí sản xuất cho những sản phẩm công nghệ cao, chi phí nhân lực công nghệ cao. Các chính sách hỗ trợ này cần được nghiên cứu áp dụng trên diện rộng (không giới hạn các đối tượng chịu ảnh hưởng của Trụ cột 2) và cần được nghiên cứu áp dụng theo lộ trình nhằm đảm bảo kết quả như mong muốn.
Ngoài ra, cải thiện thủ tục hành chính về đầu tư và các quy định đi kèm như hỗ trợ xuất nhập cảnh, lao động cho chuyên gia nước ngoài có trình độ cao, hỗ trợ người lao động làm việc trong khu công nghệ cao... Cải thiện chất lượng môi trường đầu tư và kinh doanh, chú trọng các vấn đề về thể chế như cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ công nghệ cho nguồn nhân lực dưới hình thức cung cấp gói hỗ trợ công nhân lành nghề..
Cùng với đó là ưu đãi về đất đai, ưu đãi lãi suất cho vay với giai đoạn đầu tư của các dự án tiềm năng, hỗ trợ bằng tiền.
Thứ ba, Nhà nước cần tăng cường thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các công nghệ tiên tiến và công nghệ mới, đơn giản hóa quy trình phát triển và đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.
Nhìn chung, Việt Nam cần khẩn trương nghiên cứu và đưa ra các quy định nhằm nội luật hóa các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu trong thời gian sớm nhất, nhằm thích nghi với hoàn cảnh mới và để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn và đầy sức hút đối với các nhà đầu tư trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu.