Quỹ Tiền tệ Quốc tế giải ngân khoản vay 690 triệu USD cho Bangladesh
Phó Tổng Giám đốc IMF Antoinette Sayeh nhận định trong ngắn hạn, Bangladesh cần tiếp tục tập trung vào kiểm soát lạm phát và xây dựng lại khả năng chống chọi với các biến động từ bên ngoài.
Ngày 13/12, Ban Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phê duyệt giải ngân đợt thứ hai trị giá hơn 689 triệu USD trong gói tín dụng 4,7 tỷ USD cho Bangladesh.
Cụ thể, Bangladesh được nhận khoảng 468,3 triệu USD được rút từ Quỹ tín dụng Mở rộng (ECF)/Quỹ Hỗ trợ Dài hạn (EFF) và khoảng 221,5 triệu USD từ Quỹ Tín thác Khả năng Phục hồi và Bền vững (RSF).
Đợt thứ hai này nâng tổng số tiền giải ngân cho Bangladesh từ ECF/EFF cho đến nay lên 936,6 triệu USD và từ RSF lên 221,5 triệu USD.
Các khoản vay dành cho Bangladesh được rút từ ECF/EFF và RSF đã được Ban điều hành IMF phê duyệt vào ngày 30/1/2023.
Theo IMF, cơ chế ECF/EFF đã giúp duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và ngăn chặn những điều chỉnh nhằm bảo vệ những người dễ bị tổn thương, đồng thời đặt nền móng cho tăng trưởng mạnh mẽ, toàn diện và bền vững về môi trường.
Trong khi đó, RSF đã bổ sung các nguồn lực sẵn có theo ECF/EFF để mở rộng dư địa tài chính nhằm tài trợ cho các ưu tiên đầu tư về khí hậu được xác định trong kế hoạch, giúp thúc đẩy nguồn tài chính bổ sung và xây dựng khả năng phục hồi trước các nguy cơ do Biến đổi Khí hậu trong dài hạn.
Trong những năm qua, Bangladesh là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt do ảnh hưởng của Xung đột Nga-Ukraine khiến giá trị nhập khẩu hàng hóa và thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này gia tăng.
Phó Tổng Giám đốc IMF Antoinette Sayeh nhận định trong ngắn hạn, Bangladesh cần tiếp tục tập trung vào kiểm soát lạm phát và xây dựng lại khả năng chống chọi với các biến động từ bên ngoài. Điều này đòi hỏi Bangladesh cần siết chặt chính sách tiền tệ và đảm bảo tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn để kiềm chế lạm phát./.