Quy trách nhiệm của người nổi tiếng trong hoạt động quảng cáo

Trên mạng xã hội hiện nay nhiều sản phẩm quảng cáo được chuyển tải theo hướng ý kiến, cảm nhận của người trực tiếp sử dụng để thu hút sự quan tâm của người tiếp nhận. Hình thức quảng cáo thông qua cảm nhận cá nhân của những người có ảnh hưởng (Influencer) đã trở nên phổ biến, gây tác động lớn đến xã hội.

Nhiều nghệ sĩ tham gia quảng cáo sản phẩm mà chất lượng đã bị thổi phồng.

Nhiều nghệ sĩ tham gia quảng cáo sản phẩm mà chất lượng đã bị thổi phồng.

Người nổi tiếng đang quảng cáo thổi phồng, sai sự thật

Nhan nhản những quảng cáo sai sự thật, nhưng trong đó lại sử dụng hình ảnh người nổi tiếng. Kiểu diễn viên A đã dùng thuốc trĩ, nghệ sĩ B sử dụng thuốc chữa đại tràng… Người nổi tiếng cứ nhận được đặt hàng là nhận lời đóng quảng cáo, Mà lại là quảng cáo theo kiểu trải nghiệm sản phẩm, người dân cứ thế tin vào lời người nổi tiếng để mua sản phẩm. Trong khi người nổi tiếng thì đang không chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.

Trước thực tế này, tại Kỳ họp lần này của Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó có những quy định mới nhằm siết chặt hoạt động quảng cáo của những người nổi tiếng. Khi thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận sôi nổi về vấn đề này.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan: Người dân hiện vẫn tin vào quảng cáo, vì vậy chủ sản phẩm vẫn lợi dụng người nổi tiếng để quảng cáo. Đề nghị có những cách, giải pháp xử lý, trong đó phải có cơ sở pháp lý đủ mạnh để chế tài được các chủ sản xuất hàng hóa kém chất lượng, sai sự thật... Nếu không sẽ như bắt ma trơi.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng thực tế người dùng mạng xã hội, đặc biệt các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội giới thiệu, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chưa đảm bảo chất lượng, gây băn khoăn, bức xúc cho cộng đồng. Do vậy, quy định này phải đảm bảo, yêu cầu tính trung thực của quảng cáo, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng: một số trường hợp tin vào quảng cáo, người tiêu dùng mua sử dụng nhưng lại lợi bất cập hại: “Mua tốn tiền mà không tác dụng gì, rất bực mình. Nghe quảng cáo rất hay nhưng mua về không đâu vào đâu".

Vì thế, ông Tùng đề nghị không chỉ quy định về trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, mà quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tránh tình trạng các cơ quan "đổ" trách nhiệm cho nhau. Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nhấn mạnh tình trạng quảng cáo hiện nay "thổi phồng" mọi thứ, “trong đó có những thứ tác dụng ít nhưng quảng cáo coi như bách bệnh đều chữa được”. Từ đó ông Thanh đề nghị cần phải làm rõ về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm. Bởi các quảng cáo chủ yếu dựa trên cơ sở thông tin do doanh nghiệp cung cấp.

Quy trách nhiệm của người chuyển tải nội dung quảng cáo

Trong tờ trình, dự án Luật đã quy định quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và yêu cầu trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Người chuyển tải có các trách nhiệm cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu...

Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho hay cơ quan thẩm tra tán thành việc bổ sung quy định đối với người có ảnh hưởng khi quảng cáo sản phẩm.Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị cần tiếp tục rà soát, có hướng dẫn cụ thể về cách thức và hình thức thông báo trước cho người tiêu dùng về việc người có ảnh hưởng đang thực hiện hoạt động quảng cáo.

Cơ quan thẩm tra cho rằng dự luật chưa quy định cụ thể cơ chế xác nhận đối với người chuyển tải là người có ảnh hưởng "đã trực tiếp sử dụng sản phẩm" khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội cũng như chế tài xử lý.

Quảng cáo thổi phồng giá trị, sai sự thật, gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng như công chúng, làm xấu môi trường kinh doanh là vấn đề được các ĐBQH quan tâm khi đóng góp ý kiến thảo luận vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; trong đó có trách nhiệm của người nổi tiếng tham gia quảng cáo. Vấn đề đã được mổ xẻ dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

Quy định cần rõ ràng để đảm bảo tính khả thi

Theo ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM), trước thực tế diễn biến tình tình, có việc lợi dụng người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm nhưng theo bà Lan quy định bắt người nổi tiếng phải dùng rồi mới được quảng cáo thì “hơi khó”. Nói tóm lại, ý kiến của bà Lan cũng trùng với một số ĐBQH khác là về tính khả thi của dự Luật.

"Chúng ta phải chấp nhận quảng cáo có thổi phồng nhưng trong giới hạn, không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng cũng như gây các thiệt hại khác cho cộng đồng, người sử dụng" - bà Lan nói và cho rằng trong các giải pháp để nhận biết quảng cáo không đúng sự thật, không đúng chất lượng, yếu tố trình độ phân biệt của xã hội rất quan trọng. Tuy nhiên đại biểu thừa nhận "người dân hiện vẫn tin vào quảng cáo, vì vậy chủ sản phẩm vẫn lợi dụng người nổi tiếng để quảng cáo".

ĐBQH Phan Thị Thanh Phương: Với việc quảng cáo sai sự thật, thổi phồng, sử dụng hình ảnh của người có ảnh hưởng trong hoạt động quảng cáo, nhiều trường hợp quảng cáo sai sự thật khi bị phát giác cũng chỉ lên tiếng xin lỗi là xong, nên không đủ tính răn đe.

Mặc dù vậy, theo bà Lan, quy định bắt người nổi tiếng phải dùng rồi mới được quảng cáo sản phẩm rất khó để làm. Chưa kể cần thời gian bao lâu để có thể xác nhận sản phẩm có tác dụng. "Không lẽ người nổi tiếng thừa nhận bị các loại bệnh, đặc biệt khi quảng cáo các loại sản phẩm tăng cường sinh lý nam giới sẽ rất phiền, làm sao người nổi tiếng trả lời sản phẩm có kết quả" - bà Lan nói và đề nghị xem lại quy định này.

"Tôi đề nghị có những cách, giải pháp xử lý, trong đó phải có cơ sở pháp lý đủ mạnh để chế tài được các chủ sản xuất hàng hóa kém chất lượng, sai sự thật... Nếu không sẽ như bắt ma trơi, quy định không rõ ràng khi lên làm việc họ cãi dữ lắm" - bà Lan đề nghị.

Tương tự, ĐBQH Phan Thị Thanh Phương (đoàn TPHCM) đề xuất cần điều chỉnh và bổ sung các nghị định dưới luật, tăng cường biện pháp xử lý làm gương nhằm nâng cao tính răn đe và hiệu quả thực thi. Về trách nhiệm của người nổi tiếng khi quảng cáo sản phẩm, bà Phương cho rằng quy định này là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên luật chưa làm rõ trách nhiệm, chủ thể trong hoạt động quảng cáo. Người nổi tiếng khó có khả năng kiểm chứng những thông tin được cung cấp đúng hay không. Do đó nếu quy trách nhiệm liên đới của họ, đối chiếu với Luật Dân sự năm 2015 sẽ thấy hậu quả pháp lý khá nặng. Bà đề nghị phải quy định cụ thể trách nhiệm của nhãn hàng, doanh nghiệp.

"Một sản phẩm không vi diệu tới mức dùng xong có kết quả ngay. Ví dụ làm sao dùng mỹ phẩm trong 1 tuần, 1 tháng có kết quả ngay được. Để người đứng ra quảng cáo phải sử dụng sản phẩm đó là mong muốn của chúng ta, nhưng làm được cực khó” - ĐBQH Trần Kim Yến (đoàn TPHCM) cũng nêu quan điểm.

Trong khi đó, ĐBQH Bùi Hoài Sơn (đoàn Hà Nội) cho rằng, quảng cáo không chỉ liên quan đến kinh tế, mà còn là văn hóa, hay rộng hơn là một ngành công nghiệp văn hóa. Nêu thực trạng nội dung quảng cáo trên không gian mạng hiện nay rất khó kiểm soát, ông Sơn nhất trí với quan điểm của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khi tán thành với chủ trương cần có quy định cụ thể, rõ ràng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Trong đó, có người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng, người nổi tiếng có ảnh hưởng lớn đến xã hội.

“Nếu không kiểm soát được quyền và trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo này thì khó có thể kiểm soát được chất lượng quảng cáo như hiện nay” - ông Sơn nhấn mạnh.

Còn theo ĐBQH Trần Thị Hồng An (đoàn Quảng Ngãi), Dự thảo Luật đã sửa đổi khái niệm về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo để phù hợp với thực tiễn hiện nay; đồng thời bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung và người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng (trong đó có đối tượng là văn nghệ sĩ, người nổi tiếng…) theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, bà An đề nghị tiếp tục sửa đổi các quy định theo hướng đẩy mạnh việc phân định thẩm quyền, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo cho chính quyền các cấp...

BẮC PHONG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quy-trach-nhiem-cua-nguoi-noi-tieng-trong-hoat-dong-quang-cao-10294182.html