Quỹ trái phiếu nỗ lực hồi phục

Các quỹ trái phiếu tới nay chưa thể phục hồi về quy mô tài sản quản lý (AUM) như trước khi diễn ra khủng hoảng rút quỹ ồ ạt, nhưng đã có tín hiệu tích cực hơn.

Ổn định lại sau giai đoạn bond fund run

Quỹ trái phiếu có giai đoạn chứng kiến sự sụt giảm lớn trong năm 2022 bởi hiệu ứng “bond fund run” (đợt rút vốn khỏi các quỹ trái phiếu) trước khủng hoảng niềm tin trên thị trường trái phiếu. Tới nay, nhiều nhân sự quản lý quỹ đầu tư trái phiếu cho biết, vẫn chưa thể hồi phục mạnh như giai đoạn trước năm 2022 và có phần ngại chia sẻ về giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ.

Tại ngày 28/5/2024, NAV của Quỹ trái phiếu TCBF đạt hơn 4.237,5 tỷ đồng, tăng trưởng khá mạnh so với con số 2.544 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023. Tuy nhiên, so với đầu năm 2023 thì NAV của Quỹ đang giảm gần 54%.

Lùi về thời điểm ngay trước khi diễn ra khủng hoảng niềm tin trên thị trường trái phiếu là tháng 9/2022, tài sản ròng của TCBF lên đến 19.982 tỷ đồng và ghi nhận sụt giảm nhanh các tháng sau đó. Cụ thể, tháng 10 về mức 15.983 tỷ đồng; tháng 11 là 9.441 tỷ đồng; tháng 12 là 9.224 tỷ đồng. Đi kèm với xu hướng giảm NAV là số lượng chứng chỉ quỹ cũng giảm mạnh, dấu hiệu rõ ràng cho thấy việc các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi Quỹ.

Với Quỹ trái phiếu MBbond, NAV tại ngày 24/4/2024 là 230 tỷ đồng, nhích nhẹ so với thời điểm cuối năm 2023 (ghi nhận 216,4 tỷ đồng) nhưng giảm mạnh so với thời điểm 30/9/2022 (2.490 tỷ đồng, với số lượng chứng chỉ quỹ là hơn 190 triệu đơn vị). Cuối tháng 11/2022, quỹ này có NAV 536,4 tỷ đồng, với tổng số lượng chứng chỉ quỹ lưu hành 41,2 triệu đơn vị.

Tình hình tại Quỹ trái phiếu VNDBF có phần tích cực hơn, khi ghi nhận NAV ngày 29/5/2024 hơn 265 tỷ đồng, với khoảng 18,9 triệu đơn vị chứng chỉ quỹ, tăng khá tốt so với thời điểm cuối tháng 9/2022 (NAV 67 tỷ đồng, với hơn 13,6 triệu chứng chỉ quỹ).

Các quỹ trái phiếu khác, đa phần có diễn biến tương đồng.

Theo bà Nguyễn Xuân Quỳnh, Giám đốc Đầu tư Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), Nghị định 08/2023 của Chính phủ ra đời giúp cho các trái phiếu chậm trả gốc lãi được cơ cấu tối đa thêm 2 năm, khiến áp lực trả nợ của doanh nghiệp giãn ra và một số doanh nghiệp có thêm thời gian để cơ cấu lại tài sản và điều chỉnh hoạt động kinh doanh. Áp lực đáo hạn trái phiếu được giảm xuống một phần khác là nhờ mặt bằng lãi suất cho vay đang thấp, giúp các doanh nghiệp có thể vay vốn ngân hàng dễ hơn, đồng thời sự phục hồi của thị trường bất động sản, thị trường cổ phiếu cũng khiến cho các tài sản đảm bảo có thanh khoản hơn.

Thống kê của đơn vị xếp hạng tín nhiệm VIS Rating cho biết, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới trong tháng 4/2024 là 17.700 tỷ đồng, cao hơn so với con số 17.000 tỷ đồng trong tháng 3/2024. Phần lớn lượng phát hành mới trong tháng 4/2024 đến từ ngành ngân hàng và bất động sản dân cư. Trong đó, có gần 45% lượng trái phiếu phát hành trong tháng 4 đến từ Tập đoàn Vingroup và các công ty con, với tổng giá trị phát hành là 8.000 tỷ đồng. Trái phiếu kỳ hạn 2 năm do CTCP Vinhomes và Tập đoàn VinGroup phát hành là trái phiếu có thể mua lại, không chuyển đổi và không có tài sản bảo đảm, với lãi suất coupon năm đầu tiên lần lượt là 12%/năm và 12,5%/năm.

Điểm tích cực là, giá trị chậm trả gốc/lãi phát sinh mới ở mức thấp nhất kể từ tháng 8/2022; đồng thời, việc tái cơ cấu và xử lý nợ vẫn tiếp tục với việc các tổ chức phát hành chậm trả đã hoàn trả một phần gốc trái phiếu như Hưng Thịnh Land và Saigon Glory. VIS Rating ước tính, giá trị trái phiếu có rủi ro phát sinh chậm trả lần đầu là 700 tỷ đồng trong tháng 5/2024, thấp hơn nhiều so với mức 12.300 tỷ đồng trung bình theo tháng trong năm 2023.

Quỹ mở trái phiếu vẫn là kênh đầu tư tốt

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng đang ở mức thấp khiến cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư ổn định bắt đầu quay trở lại thị trường trái phiếu nhờ lợi suất đầu tư tốt hơn rõ rệt. Cụ thể, nếu như lãi suất các ngân hàng thương mại kỳ hạn 12 tháng dao động từ 4,5 - 6%/năm thì lãi suất trung bình trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong giai đoạn từ đầu năm đến nay là từ 7 - 11%/năm.

Theo bà Xuân Quỳnh, cả hai sản phẩm trái phiếu và chứng chỉ quỹ trái phiếu đều có thể đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư xét về mặt lợi nhuận nhưng cũng đòi hỏi nhà đầu tư phải đánh giá được các mức độ rủi ro. So với trái phiếu thì sản phẩm chứng chỉ quỹ trái phiếu có ưu điểm hơn như không yêu cầu người mua chứng chỉ quỹ phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, vốn đầu tư có thể bắt đầu từ số nhỏ và giảm thiểu rủi ro tập trung vào một trái phiếu riêng lẻ. Các quỹ trái phiếu giúp nhà đầu tư có sự đa dạng hóa trong danh mục, lợi suất hấp dẫn cùng với sự tiện lợi trong giao dịch mua bán.

Bà Quỳnh cho biết, các yếu tố vĩ mô đang hỗ trợ tốt cho việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian sắp tới. Ngân hàng Nhà nước đang duy trì lãi suất điều hành thấp nhằm thúc đẩy nhu cầu vay vốn và hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, do đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ sôi động trở lại. Để giảm thiểu rủi ro, nhà đầu tư cần lựa chọn trái phiếu được phát hành bởi các tổ chức phát hành có uy tín, sức khỏe tài chính tốt với các điều kiện phát hành chặt chẽ như có tài sản đảm bảo, được bảo lãnh thanh toán hoặc có cam kết mua lại.

“Xét trên dài hạn, quỹ mở trái phiếu vẫn là kênh đầu tư tốt cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, vì mức lợi nhuận trung bình cao hơn so với tiền gửi tiết kiệm từ 2 - 4%/năm”, bà Quỳnh nhận xét.

Từ góc nhìn của bà Trịnh Quỳnh Giao, Tổng giám đốc PVIAM, trái phiếu là lớp tài sản đầu tư cho thu nhập cố định, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư khi muốn có thu nhập ổn định, dòng tiền chắc chắn, đặc biệt khi nhà đầu tư muốn xây dựng kế hoạch đầu tư gắn liền với các nghĩa vụ nợ trong tương lai của cá nhân (Asset - Liability Driven). Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, nhu cầu ủy thác và quản lý tài sản tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, phản ánh qua sự phát triển không ngừng của thị trường tài chính và tài sản cá nhân.

Sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu, cùng với sự gia tăng số lượng các tỷ phú đã tạo nên một động lực mạnh mẽ cho ngành quản lý quỹ. Các công ty quản lý quỹ ghi nhận tổng tài sản quản lý (AUM) tăng trưởng kép 20% hàng năm (từ năm 2016 tới năm 2023), đạt hơn 563.000 tỷ đồng vào năm 2023, với 104 quỹ chung hiện hoạt động, minh chứng cho sự tăng trưởng và đa dạng hóa sản phẩm đầu tư.

Ngoài ra, nhận thức của người dân về tài chính cá nhân và an toàn tài chính ngày càng cải thiện sẽ là tiền đề cho việc phát triển của ngành quản lý quỹ.

Nhã An

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/quy-trai-phieu-no-luc-hoi-phuc-post346410.html