Quyền con người là nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm xuyên suốt của Đảng

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quyền con người là nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đây không chỉ là cam kết chính trị mà còn là trách nhiệm toàn dân, nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

 Các thành viên CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" của trường Tiểu học và THCS Sơn Giang, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: PV

Các thành viên CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" của trường Tiểu học và THCS Sơn Giang, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: PV

Ngày 11/12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Sự kiện này diễn ra đúng dịp kỷ niệm 76 năm ngày Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người. Thủ tướng nhấn mạnh: "Bảo vệ và giáo dục quyền con người là nhiệm vụ toàn dân, không chỉ dừng lại ở chính sách mà phải hiện hữu trong từng hành động thực tiễn".

Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về quyền con người

Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định sứ mệnh cao cả là mang lại độc lập, tự do cho dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người được thể hiện rõ qua Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, trong đó khẳng định: "Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, việc bảo đảm quyền con người, triển khai giáo dục về quyền con người tại Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, việc bảo đảm quyền con người, triển khai giáo dục về quyền con người tại Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh - Ảnh: VGP

Quan điểm xuyên suốt này được tiếp nối trong các văn kiện quan trọng của Đảng và Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 có 36 điều quy định rõ về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: "Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân".

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người không phải là khái niệm trừu tượng mà là nhiệm vụ xuyên suốt trong mọi chính sách, hoạt động của Đảng và Nhà nước, nhằm hướng tới người dân với vai trò trung tâm và là chủ thể của sự phát triển.

Những thành tựu nổi bật của Việt Nam

Sau gần 40 năm đổi mới, từ một quốc gia bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh và cấm vận, Việt Nam đã vươn mình trở thành một trong những nước thực hiện tốt các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, được thế giới ghi nhận như một hình mẫu về phục hồi và phát triển.

Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 1% năm 2024. Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Việt Nam tăng 8 bậc, đạt vị trí 107/193 quốc gia. Người dân được sống trong môi trường hòa bình, ổn định với quyền tự do báo chí, tôn giáo và tiếp cận thông tin được bảo đảm.

Việt Nam phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi tiểu học đạt 99,7%. Chương trình giáo dục quyền con người được lồng ghép vào các cấp học, giúp nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ quyền lợi cá nhân và cộng đồng.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: VGP

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: VGP

Cả nước có hơn 51,6 triệu lao động có việc làm, chiếm 98% lực lượng lao động. Nhà nước trợ cấp thường xuyên cho hơn 3,4 triệu đối tượng bảo trợ xã hội, đồng thời hỗ trợ hàng triệu người dân trong đại dịch COVID-19.

Chỉ số bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 tăng 15 bậc so với năm 2021, đạt vị trí 72/146 quốc gia. Việt Nam tiếp tục là thành viên tích cực của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, nhiệm kỳ 2023-2025.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đoàn thể chính trị - xã hội đóng vai trò cầu nối giữa nhân dân và chính quyền, tích cực tuyên truyền, giám sát, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ quyền con người, xây dựng ý thức công dân và tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng.

Giáo dục quyền con người phải trở thành chương trình chính thức

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định rằng bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người phải trở thành chương trình chính thức trong hệ thống giáo dục quốc dân, không phải là hoạt động lồng ghép tạm thời. Ông nhấn mạnh: "Quyền con người bao gồm quyền được sống vui, sống khỏe, sống an toàn, sống xanh; quyền tự do hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; quyền được sống ấm no, hạnh phúc và quyền bình đẳng, không để ai bị bỏ lại phía sau".

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP

Để tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm:

Hoàn thiện khung pháp lý: Thể chế hóa đầy đủ các quy định về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013, đưa nguyên tắc tiếp cận dựa trên quyền con người thành tiêu chí đánh giá chính sách.

Tăng cường giáo dục: Phát triển giáo trình, tài liệu giảng dạy phù hợp với từng cấp học. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên giảng dạy quyền con người, đưa nội dung này vào chương trình giáo dục đại học từ năm học 2025-2026.

Bảo đảm an sinh xã hội: Nâng cao chất lượng chính sách xã hội, bảo vệ các nhóm yếu thế, trợ giúp người nghèo tiếp cận dịch vụ cơ bản và cải thiện điều kiện sống.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế: Tham gia tích cực vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, đối thoại với các tổ chức quốc tế nhằm xây dựng chính sách phù hợp với chuẩn mực toàn cầu.

Với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, hướng tới một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.

BT (Tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/quyen-con-nguoi-la-noi-dung-cot-loi-trong-tu-tuong-ho-chi-minh-va-quan-diem-xuyen-suot-cua-dang-20241211232201222.htm