Quyền lợi của công dân khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự

Công dân khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ được nhận trợ cấp khi xuất ngũ, được tạo điều kiện tiếp tục làm việc, học tập.

Thời gian vừa qua, Pháp Luật TP.HCM đã nhận được câu hỏi thắc mắc của một số bạn đọc liên quan đến nghĩa vụ quân sự (NVQS) như quy định hoãn nhập ngũ, công dân khi thực hiện xong NVQS thì sẽ được hưởng những quyền lợi gì?

Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, đã có những giải đáp xoay quanh vấn đề trên.

Trường hợp được hoãn gọi nhập ngũ

. Bạn đọc Thanh Tâm, Long An: Tôi là sinh viên năm cuối của một trường ĐH. Theo kế hoạch, đến hết năm 2022, tôi kết thúc khóa học. Tuy nhiên, tôi đang nợ một số môn nên chưa ra trường theo kế hoạch. Xin hỏi, trường hợp sinh viên nợ môn có được tiếp tục tạm hoãn NVQS?

Công dân tham gia nghĩa vụ quân sự năm 2023. Ảnh: HUỲNH THƠ

Công dân tham gia nghĩa vụ quân sự năm 2023. Ảnh: HUỲNH THƠ

+ Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Tại khoản 1 Điều 41 Luật NVQS 2015 có quy định về tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ. Trong đó, một trong những đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ là người đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ ĐH hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục ĐH, trình độ CĐ hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.

Như vậy, đối với trường hợp của bạn, dù bạn chưa hoàn thành chương trình học nhưng niên khóa đào tạo chính quy đã kết thúc nên bạn không thuộc đối tượng được tạm hoãn NVQS. Tuy nhiên, sau khi bạn hoàn thành NVQS, bạn vẫn có thể trở lại học bình thường.

Quyền lợi khi hoàn thành NVQS

. Bạn đọc Phạm Thành Nam, huyện Bình Chánh, TP.HCM: Con tôi đang làm việc thì được gọi nhập ngũ và hiện đang nhập ngũ. Xin hỏi, nếu con tôi hoàn thành xong NVQS thì sẽ được hưởng những quyền lợi gì? Khi về có được công ty nhận vào làm lại không?

+ Theo Điều 7 Nghị định 27/2016, hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ sẽ có một số quyền lợi.

Thứ nhất, cứ mỗi năm phục vụ trong quân đội được trợ cấp bằng hai tháng tiền lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời điểm xuất ngũ.

Thứ hai, được trợ cấp tạo việc làm bằng sáu tháng tiền lương cơ sở theo quy định tại thời điểm xuất ngũ.

Thứ ba, được tổ chức buổi gặp mặt chia tay với mức chi 50.000 đồng/người; được tiễn đưa hoặc cấp tiền tàu, xe (loại phổ thông), phụ cấp đi đường từ đơn vị về nơi cư trú.

Ngoài ra, bộ đội xuất ngũ sẽ được một số chế độ, chính sách khác theo quy định tại Điều 8 Nghị định 27/2016, hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ cũng được đãi ngộ.

Cụ thể, trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục ĐH thì được bảo lưu kết quả, được tiếp nhận vào học tại các trường đó.

Được hỗ trợ đào tạo nghề khi xuất ngũ theo quy định tại Nghị định 61/2015 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 74/2019).

Đối với trường hợp trốn tránh lệnh gọi nhập ngũ hiện nay sẽ bị xử phạt hành chính và nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu trước khi nhập ngũ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thì khi xuất ngũ được tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ. Trường hợp cơ quan, tổ chức đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm bố trí việc làm phù hợp. Trường hợp cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp đó đã giải thể hoặc không có cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp thì Sở LĐ-TB&XH với các cơ quan nhà nước có liên quan cùng cấp sẽ giải quyết việc làm.

Nếu trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế, khi xuất ngũ được tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm và tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ. Trường hợp tổ chức kinh tế đã chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản thì chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được thực hiện như đối với người lao động của tổ chức kinh tế đó theo quy định của pháp luật. Cơ quan BHXH địa phương nơi tổ chức kinh tế nói trên đóng BHXH, chịu trách nhiệm thanh toán chế độ BHXH theo quy định hiện hành….

Tại Điều 31 Bộ luật Lao động có quy định về nhận lại người lao động hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ).

Cụ thể, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc. Người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo HĐLĐ đã giao kết nếu HĐLĐ còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Như vậy, căn cứ theo quy định hiện hành, sau khi đi NVQS, con bạn sẽ được nhận lại làm việc nếu HĐLĐ còn thời hạn. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, bạn phải có mặt tại nơi làm việc để được nhận lại làm việc.•

Mức phạt với tội trốn lệnh gọi nhập ngũ

Đối với trường hợp trốn tránh lệnh gọi nhập ngũ hiện nay sẽ bị xử phạt hành chính và nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khoản 9 Điều 1 Nghị định 37/2022 quy định công dân không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền 30-40 triệu đồng.

Trường hợp có hành vi gian dối nhằm trốn tránh thực hiện lệnh gọi nhập ngũ sau khi đã có kết quả khám tuyển sức khỏe NVQS đủ điều kiện nhập ngũ theo quy định thì mức phạt là 40-50 triệu đồng.

Đối với quy định về xử lý hình sự hành vi trốn NVQS, căn cứ theo Điều 332 Bộ luật Hình sự, nếu đã bị xử phạt hành chính mà không chấp hành sẽ bị xử lý hình sự.

Cụ thể, người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký NVQS, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Luật sư HOÀNG ANH SƠN, Đoàn Luật sư TP.HCM

NGUYỄN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quyen-loi-cua-cong-dan-khi-hoan-thanh-nghia-vu-quan-su-post719707.html