Quyền lợi và trách nhiệm
Thống kê của Bộ GD&ĐT về nguyện vọng đăng ký xét tuyển CĐ, ĐH năm 2021 cho thấy một hiện tượng đáng chú ý: Ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên có tỷ lệ nguyện vọng đăng ký ở nhóm cao, đứng thứ 9.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nhóm ngành trên hấp dẫn trở lại là nhờ sự ra đời của Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về đặt hàng đào tạo giáo viên, với chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm học phí và sinh hoạt phí, bảo đảm đầu ra sau tốt nghiệp. Nghị định có hiệu lực từ năm học 2021 - 2022, tức lứa tuyển sinh năm 2021.
Sự chuyển động nhanh chóng trong tuyển sinh vào ngành sư phạm là tín hiệu đáng mừng, cho thấy Nghị định 116/2020/NĐ-CP có những tác động tích cực vào cuộc sống. Tới đây, các trường, khoa sư phạm sẽ có điều kiện thu hút nhiều sinh viên giỏi, thực sự tâm huyết làm việc và cống hiến, góp phần triển khai thành công công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của nước nhà.
Bên cạnh niềm vui, sự tin tưởng, kỳ vọng về chất lượng nguồn nhân lực tương lai, vẫn còn một số ý kiến trăn trở về cơ chế bồi hoàn nếu sinh viên ra trường không làm trong ngành Giáo dục. Theo Nghị định, đối tượng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt gồm:
Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách không công tác trong ngành Giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp; Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách và công tác trong ngành Giáo dục nhưng không đủ thời gian công tác theo quy định; Sinh viên sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.
Để gắn trách nhiệm của cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu trong việc thu hồi kinh phí hỗ trợ, Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định giao cho UBND cấp tỉnh ra thông báo thu hồi và thông báo cho sinh viên sư phạm và gia đình đối với các trường hợp phải bồi hoàn kinh phí. Như vậy, so với trước đây, Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định chặt chẽ hơn việc sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước, bảo đảm cấp đúng đối tượng và mục tiêu hỗ trợ đào tạo sư phạm.
Tuy vậy, lo lắng về công tác thu hồi nếu sinh viên ra trường không làm trong ngành Giáo dục, không phải là không có căn cứ. Bởi thời gian qua, không chỉ riêng ngành Giáo dục, các ngành khác khi thực hiện hỗ trợ kinh phí đào tạo đều vướng khó khăn trong việc thu hồi khoản này.
Dù được hưởng các chế độ ưu đãi khi đi học trong và ngoài nước nhưng sau khi hoàn tất chương trình đào tạo, một số người học đã không thực hiện đúng cam kết quay trở lại phục vụ ngành/ địa phương. Một số người từng bước trả lại khoản bồi hoàn nhưng cũng lắm người lặn mất tăm khiến các khổ chủ “đầu tư” tốn nhiều công sức đi đòi, theo kiện.
Dù số người vi phạm các điều kiện cam kết chỉ là thiểu số nhưng nếu quá trình triển khai không có cơ chế quản lý tốt, không chỉ gây lãng phí mà còn làm ảnh hưởng đến niềm tin vào chính sách đúng đắn vì “quốc sách hàng đầu”. Hiện nay hành lang pháp lý cho việc xử lý các quan hệ bồi hoàn chi phí đào tạo khá đầy đủ, rõ nhất là Luật Dân sự.
Vấn đề quan trọng là cần nâng cao trách nhiệm của người học, cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương, có như thế Nghị định 116/2020/NĐ-CP mới mang lại hiệu quả tốt nhất.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/quyen-loi-va-trach-nhiem2-xTw1mEqGg.html