Quyền và lợi ích khi người lao động vào tổ chức Công đoàn

Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hoàn Kiếm Lê Hoàng Thủy Vân nhấn mạnh, người lao động khi tham gia vào tổ chức Công đoàn được yêu cầu công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm. Bên cạnh đó, được công đoàn tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí pháp luật về lao động, công đoàn.

Tại Hội nghị đối thoại giữa Thường trực Quận ủy với công nhân, viên chức, lao động quận Hoàn Kiếm năm 2024 diễn ra ngày 18/7, Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàn Kiếm Lê Hoàng Thủy Vân đã giải đáp kiến nghị của người lao động liên quan đến tổ chức Công đoàn.

Trong đó, chị Nguyễn Thị Vân (đoàn viên Công ty Nước và Môi trường Việt Nam) đề nghị được làm rõ vấn đề nếu người lao động làm việc trong công ty tư nhân thì mức đóng đoàn phí mỗi tháng là bao nhiêu? Và người lao động sẽ được hưởng quyền lợi gì khi tham gia tổ chức Công đoàn?

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàn Kiếm Lê Hoàng Thủy Vân cho biết, điều 26 Luật Công đoàn năm 2012 nêu rõ, đoàn phí Công đoàn do đoàn viên công đoàn đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Kinh phí Công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàn Kiếm Lê Hoàng Thủy Vân giải đáp kiến nghị của người lao động.

Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàn Kiếm Lê Hoàng Thủy Vân giải đáp kiến nghị của người lao động.

Trong khi đó, Điều 5 Nghị định 191/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức đóng kinh phí Công đoàn của doanh nghiệp là Mức đóng = 2% x Quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động.

Quỹ tiền lương này được xác định là tổng mức tiền lương của những người lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH. Riêng với đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân: Quỹ tiền lương là tổng mức tiền lương của những cán bộ, công nhân viên chức quốc phòng, lao động làm việc hưởng lương trong các nhà máy, doanh nghiệp, đơn vị; cán bộ, công nhân, viên chức, lao động làm việc hưởng lương trong các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị khoa học - kỹ thuật, sự nghiệp và phục vụ trong Công an nhân dân.

Theo Điều 23 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ năm 2016 của Tổng LĐLĐ Việt Nam quy định mức đóng đoàn phí Công đoàn được thực hiện như sau:

Đoàn viên ở Công đoàn cơ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị hưởng lương theo bảng lương, bậc lương do Nhà nước quy định: Mức đóng hằng tháng = 1% x Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.

Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương cấp bậc, chức vụ, lương theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề.- Đoàn viên ở Công đoàn cơ sở doanh nghiệp Nhà nước (cả công đoàn Công ty cổ phần Nhà nước giữ cổ phần chi phối): Mức đóng hằng tháng = 1% x tiền lương thực lĩnh.

Trong đó: Tiền lương thực lĩnh bao gồm tiền lương đã khấu trừ tiền đóng khấu trừ tiền đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), thuế thu nhập cá nhân của đoàn viên. Mức đóng đoàn phí tối đa = 10% x Mức lương cơ sở = 234.000 đồng/tháng (Mức lương cơ sở hiện nay là 2,34 triệu đồng/tháng).

Đối với đoàn viên ở Công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài Nhà nước thì Mức đóng hằng tháng = 1% x tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Mức đóng đoàn phí tối đa = 10% x Mức lương cơ sở = 234.000 đồng/tháng.

Trường hợp khó xác định tiền lương làm căn cứ đóng đoàn phí hoặc đoàn viên không phải đóng BHXH là mức đóng ấn định thấp nhất = 1% x Mức lương cơ sở = 23.400 đồng/tháng

Trường hợp không phải đóng đoàn phí là đoàn viên công đoàn hưởng trợ cấp BHXH từ 01 tháng trở lên đang trong thời gian hưởng trợ cấp; Đoàn viên công đoàn trong thời gian không có việc làm, không có thu nhập, nghỉ việc riêng từ 01 tháng trở lên không hưởng tiền lương.

Hội nghị đối thoại giữa Thường trực Quận ủy với công nhân, viên chức, lao động quận Hoàn Kiếm năm 2024.

Hội nghị đối thoại giữa Thường trực Quận ủy với công nhân, viên chức, lao động quận Hoàn Kiếm năm 2024.

Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàn Kiếm Lê Hoàng Thủy Vân nhấn mạnh, Công đoàn là tổ chức tham gia trực tiếp đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Người lao động khi tham gia tổ chức Công đoàn sẽ được yêu cầu Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm.

Được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của Công đoàn; được thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến Công đoàn, người lao động; quy định của Công đoàn.

Bên cạnh đó, đoàn viên được ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo Công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; chất vấn cán bộ lãnh đạo Công đoàn; kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ Công đoàn có sai phạm.

Được Công đoàn tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí pháp luật về lao động, công đoàn. Được Công đoàn hướng dẫn giúp đỡ tìm việc làm, học nghề; thăm hỏi, giúp đỡ lúc ốm đau hoặc khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch do Công đoàn tổ chức. Đề xuất với Công đoàn kiến nghị cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động.

Cũng tại hội nghị này, Bí thư Quận ủy Vũ Đăng Định nhấn mạnh, đối thoại giữa Thường trực Quận ủy với công nhân, viên chức, người lao động nhằm mục đích phát huy dân chủ, quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn góp ý, đề xuất các ý kiến để cấp ủy, chính quyền quận quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của công nhân, viên chức, người lao động.

Tạo điều kiện giúp công nhân, viên chức, người lao động vượt qua khó khăn và đồng hành cùng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hướng đến các mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững góp phần xây dựng quận Hoàn Kiếm ngày càng phát triển, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Xây dựng quận Hoàn Kiếm ngày càng giàu đẹp, hiện đại, thanh lịch, văn minh.

Trong buổi chiều làm việc, hội nghị đối thoại đã có 28 ý kiến kiến nghị, đề xuất, hiến kế của các đại biểu đại diện công nhân, viên chức, người lao động. Tập trung vào những nội dung thuộc các lĩnh vực như: BHXH, BHYT đối với người lao động; lĩnh vực kinh tế; văn hóa, giáo dục, y tế, lao động thương binh và xã hội; trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; công tác tổ chức cán bộ; công tác Công đoàn…

Ngân Phương

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/quyen-va-loi-ich-khi-nguoi-lao-dong-vao-to-chuc-cong-doan-174075.html