Quyết định nhiều vấn đề quan trọng cấp bách phục vụ yêu cầu phát triển đất nước
Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội đã đi được hơn nửa chặng đường, chỉ còn 2,5 ngày nữa sẽ bế mạc. Trong 4 ngày đầu, rất nhiều vấn đề quan trọng cấp bách phục vụ yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy; tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách và đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kiến tạo không gian phát triển mới… đã được Quốc hội bàn thảo, góp ý.
Các đại biểu Quốc hội đã nêu ra hàng trăm lượt ý kiến đóng góp tâm huyết cho các dự thảo luật, nghị quyết. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều có chỉ đạo cụ thể từng nội dung, từng vấn đề có tính chiến lược cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Quang cảnh phiên họp tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Đi tắt, đón đầu về khoa học, công nghệ
Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được ban hành cuối năm 2024 nhưng để thực hiện được phải có cơ chế bởi vướng rất nhiều luật như Luật Đấu thầu, Luật Khoa học và Công nghệ… Chính vì vậy, đây là một trong những nội dung Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nói về vấn đề này, tại phiên họp tổ ngày 15/2, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, phải biết đi tắt, đón đầu.
“Thế giới phát triển rồi mà không biết họ đi đến đâu, cứ đi sau thì lúc nào cũng lũi cũi đi sau. Giờ người ta đưa sang các công nghệ, mình chưa có nên cho là tiên tiến, nhưng so với thế giới, sự phát triển chung thì là lạc hậu. Nhưng Luật Đấu thầu thì lại vấp phải vấn đề này, thậm chí, người ta cho không mình nhưng lại mắc vào bẫy trở thành bãi rác. Đấu thầu chỉ quan tâm chuyện tiền nong và giá rẻ, nếu quan tâm chuyện giá rẻ thì bao giờ mình mới bỏ qua được 5G để tiến đến 20G như của thế giới?” – Tổng Bí thư đặt câu hỏi và cho biết, thực tế một số nền kinh tế vừa qua, đi vào khoa học công nghệ nhưng không phát triển được vì lúng túng việc thu hồi được vốn. Vì vậy, chúng ta không được đi vào vết xe đổ này, nếu chỉ quan tâm giá rẻ thì mình trở thành bãi rác.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 có ý nghĩa rất quan trọng, khẩn trương xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu rất cao của đất nước trong kỷ nguyên mới, đây là vấn đề đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân, cũng là tạo tiền đề về công tác tổ chức, cán bộ tại Đại hội lần thứ XIV của Đảng; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội làm việc trong 6,5 ngày, từ ngày 12/2 đến ngày 19/2/2025, trong đó làm việc cả ngày thứ Bảy.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra 5 “cơ chế đặc biệt” để phát triển khi thực hiện nghị quyết, đó là: cơ chế đặc biệt cho phát triển kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; cơ chế đặc biệt cho quản lý, như lãnh đạo công - quản trị tư, đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công trong các hoạt động khoa học công nghệ; cơ chế đặc biệt cho các nhà khoa học, công trình khoa học, phân cấp, phân quyền cho các tỉnh, thành phố, bộ, ngành, thậm chí các chủ thể liên quan, xóa bỏ xin - cho, giảm thủ tục hành chính và quản lý hiệu quả tổng thể; cơ chế miễn trừ trách nhiệm đối với người thực hiện để tránh việc né trách nhiệm, đẩy chỗ này, chuyển chỗ khác, không muốn làm vì không được bảo vệ. Và cơ chế cuối cùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đó là, cơ chế đặc biệt thu hút nguồn nhân lực để thúc đẩy khoa học công nghệ. Cùng với đó là các chính sách về thuế, phí, lệ phí, nhà cửa, đất đai, visa và hợp đồng lao động…
Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: “Muốn tăng trưởng 8% năm 2025 cũng phải dựa vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cho giai đoạn 2026-2030, tăng trưởng 2 con số thì cũng lấy khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là nền tảng quan trọng.
Các nghị quyết của Đảng đều nói giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu, mà đầu tư cho giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ là đầu tư cho sự phát triển của đất nước. Chúng ta cần phải có những chính sách hết sức chi tiết, cụ thể để hướng dẫn cho bộ ngành và địa phương”.
Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân
Phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Mục đích của việc tinh gọn tổ chức bộ máy quan trọng nhất là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả để đưa đất nước ta phát triển”. Tổng Bí thư cho rằng, chủ trương này đã được kiểm nghiệm thực tế, rất hợp lòng dân.
Để đưa đất nước phát triển, Tổng Bí thư cho rằng có 2 nhiệm vụ rất quan trọng là phải có sự tăng trưởng kinh tế, từ đó, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực và phải có hệ thống quy định pháp lý, pháp luật để bộ máy Nhà nước và toàn dân, toàn xã hội đồng lòng thực hiện. Bên cạnh đó, cần bố trí đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao được hiệu lực, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật đúng với quy định. Mục tiêu của cuộc cải cách về tổ chức bộ máy nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chỉ có tăng trưởng thì mới có đủ tiềm lực bảo vệ đất nước, bảo vệ Tổ quốc, đủ điều kiện để thực thi các chính sách của Đảng, Nhà nước, đạt được các mục tiêu mới, tránh được nguy cơ tụt hậu. Bộ máy phải phục vụ cho xã hội phát triển, phải động viên được nhân dân tham gia...
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, lần này sửa luật Tổ chức Chính phủ nên phân cấp phân quyền mạnh hơn cho chính quyền địa phương theo phương châm địa phương quyết, làm, chịu trách nhiệm, Trung ương chỉ kiến tạo, Quốc hội giám sát, Chính phủ chỉ đạo điều hành. Phân quyền cho bộ, ngành, địa phương để chủ động, quyết, thực hiện, để địa phương mạnh mẽ hơn. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi các Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về xử lý một số vấn đề phát sinh sau sắp xếp tổ chức bộ máy phải bám sát chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp và pháp luật để bảo đảm yêu cầu về chất lượng, tạo cơ sở pháp lý để bộ máy đi vào hoạt động; nêu rõ "phải quyết đoán, quyết liệt, quyết tâm nhưng phải bằng quyết làm nữa thì mới có sản phẩm cho đất nước".
Việc xây dựng pháp luật làm rất chặt chẽ, theo quy trình
Nói về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Chủ tịch nước Lương Cường cho biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp và báo cáo Trung ương "phải làm sao đích tinh gọn nhưng hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Với việc tổ chức lại tổ chức bộ máy, làm gì thì làm nhưng tinh thần là "bộ máy mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn bộ máy cũ" và nhấn mạnh, chúng ta xác định 3 đột phá chiến lược để phát triển về thể chế, nhân lực, hạ tầng. Trong đó, thực tiễn cho thấy nhiều điểm nghẽn, nhất là về thể chế. "Quan điểm là chỗ nào vướng, khó mà mình làm được thì cố gắng làm"...
Về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chủ trương lớn của Đảng là tiến hành cách mạng về bộ máy, làm sao tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, cơ cấu phù hợp với tổ chức bộ máy mới với tinh thần là "đúng vai, thuộc bài", dễ xác định trách nhiệm; phân cấp, phân quyền, "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí của người dân, doanh nghiệp.
Các nội dung được xem xét, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9:
Quyết định các luật, nghị quyết có tính nền tảng để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy để kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng về thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp, kiện toàn thực sự được "nâng cấp, nâng tầm, chất lượng tốt hơn, hiệu quả cao hơn"... Cụ thể:
Xem xét, thông qua 4 dự án luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và 5 dự thảo nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Xem xét, thông qua 7 Nghị quyết nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án, công trình như: Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến năm 2035; phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chủ trương và các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận...
Tiến hành một số nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiện toàn các chức danh để bảo đảm tổ chức bộ máy mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.