Quyết định sinh tử trong thảm kịch Itaewon
Nếu không nhanh chân lách vào khoảng trống phía trước cửa hàng tiện lợi cạnh 'con hẻm tử thần', Mun Gyeong-hun không biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình khi tai họa ập đến.
Lee Ji-han mơ ước trở thành diễn viên, ca sĩ. Năm 2017, khi 18 tuổi, anh tham gia chương trình truyền hình Produce 101 để nắm lấy cơ hội trở thành thần tượng Kpop tiếp theo.
Lee không giành chiến thắng, nhưng bắt đầu tình bạn đẹp với Park Hee-seok. Họ nương tựa vào nhau suốt quá trình dự thi đầy khắc nghiệt.
Đôi bạn cùng tổ chức sinh nhật, chỉ cách nhau vài ngày, vào tháng 8. Nhưng từ nay về sau, Park sẽ phải kỷ niệm một mình.
Lee nằm trong số ít nhất 156 nạn nhân thiệt mạng tại vụ giẫm đạp ở khu phố Itaewon (Seoul, Hàn Quốc) đêm 29/10. Anh mới 24 tuổi.
Park gặp bố mẹ của Lee tại đám tang bạn thân vào ngày hôm sau.
“Tôi cố ngăn nước mắt, nhưng không thể. Cha mẹ cậu ấy trông rất suy sụp và đau đớn thốt lên ‘Tôi phải sống thế nào đây? Ji-han tội nghiệp của tôi’”, Park kể với VICE World News.
“Tôi không nghĩ mình sẽ vượt qua được. Tôi chỉ hy vọng cậu ấy không sớm bị lãng quên”, nam ca sĩ nói thêm.
Lee Ji-han là một trong hơn 100.000 người đến Itaewon để ăn mừng Halloween đầu tiên kể từ khi Seoul dỡ bỏ quy định về khẩu trang ngoài trời vào cuối tháng 9.
Tuy nhiên, lễ hội vui nhộn biến thành cơn ác mộng chết chóc khi đám đông chen chúc trong những con hẻm nhỏ hẹp, được thắp sáng bằng đèn neon, dẫn đến thảm kịch.
Cảnh sát Hàn Quốc thừa nhận đã đánh giá thấp số lượng người đến đây và các biện pháp kiểm soát đám đông là “không đầy đủ”.
Giống như Lee, hầu hết nạn nhân đều còn trẻ và nuôi ước mơ cho tương lai. 104 người ở độ tuổi 20, một số thậm chí còn quá trẻ để uống rượu.
Khi các nhà chức trách điều tra những gì xảy ra vào đêm hôm đó, một số người may mắn thoát nạn tự hỏi liệu chỉ một quyết định nhỏ bản thân đưa ra có phải là điều duy nhất ngăn cách họ giữa sự sống và cái chết.
Thoát chết trong gang tấc
Vốn không ưa thích tiệc tùng, Mun Gyeong-hun không mong đợi đám đông khổng lồ khi đến Itaewon vào khoảng 21h tối 29/10. Chàng trai 18 tuổi ghét không gian chật chội, nhưng lại hào hứng vì chưa bao giờ đi ăn mừng lễ hội Halloween.
Khi tiến về phía con hẻm dẫn đến các quán bar thắp đèn neon, Mun có cảm giác chùn chân. Quá nhiều người chen chúc trên con đường dốc và chật hẹp này.
Mun bắt đầu bị nhiều người từ mọi hướng xô đẩy, loạng choạng trên con phố đầy đồ uống vương vãi và mảnh chai vỡ. Anh suýt ngã một lần.
“Tôi nghĩ mình sẽ bị chèn ép cho đến chết”, anh nhớ lại.
Càng lúc, Mun càng mất kiểm soát với bước chân của mình. Anh nghe thấy tiếng mọi người la hét, điên cuồng kêu cứu lẫn trong tiếng nhạc ồn ào của quán bar gần đó.
Khi đám đông tràn về phía trước, Mun tự hỏi liệu mọi người có bị đè chết không. Anh tìm cách thoát ra ngoài bằng cách tạt vào khoảng trống phía trước cửa hàng tiện lợi ở bên con hẻm và ở yên tại đó.
Quyết định trong tích tắc này đã cứu mạng Mun. Trong khi bị cô lập, anh thấy nhiều người mắc kẹt trong cơn đau đớn, dần bất tỉnh ngay trước mắt mình.
“Đó là khoảnh khắc tôi không bao giờ muốn nhớ lại”, anh nói.
Mun xoay xở để rời khỏi con hẻm lúc 23h. Những người khác sống sót trong gang tấc sau thảm kịch cho biết họ chỉ có thể thở dốc dưới sự siết chặt dữ dội của đám đông và chớp lấy cơ hội thoát ra. Một người đàn ông kịp leo lên bức tường, ngay trước khi xảy ra vụ giẫm đạp.
Các chuyên gia về an toàn đám đông khuyên rằng trong trường hợp mắc kẹt giữa biển người, mọi người nên để hai tay trước ngực như võ sĩ quyền anh, không chống lại sự di chuyển của đám đông và nếu bị ngã, hãy bảo vệ bản thân bằng cách cuộn tròn cơ thể như một quả bóng.
Mun may mắn khi tình cờ có khoảng trống mà anh có thể di chuyển vào. Nhưng anh cũng cảm thấy áy náy về sự sống sót của mình.
Mun luôn muốn làm cảnh sát, nhưng giờ chàng trai biết rõ hơn mình muốn trở thành người có thể ngăn chặn những thảm kịch như thứ đã cướp đi ước mơ của nhiều người và gần như là của chính anh.
Cơn ác mộng
Khi bị mắc kẹt giữa đám đông trong lễ hội Halloween đêm 29/10, Brendan, sinh viên quốc tế tại Seoul, biết mình phải tiếp tục đứng vững hoặc đối diện với cái chết.
Chàng trai nhận ra đường phố Itaewon trở nên ngột ngạt một cách nguy hiểm, nhưng lúc đó đã quá muộn. Anh buộc phải lê bước xuống con hẻm khi biển người tiếp tục xô đẩy mình qua khu hộp đêm.
“Mọi người gục xuống trước mặt tôi. Tôi tự nhủ bản thân không được ngã, vì nếu thế thì coi như xong”, anh nói với ABC News.
Cuối cùng, khi áp lực trở nên quá lớn, một “làn sóng” người đổ ập xuống Brendan giống như những quân cờ domino.
Trong một giờ đồng hồ, nam sinh bị mắc kẹt dưới rất nhiều cơ thể.
Dịch vụ cứu hộ khẩn cấp cố kéo cánh tay của Brendan, nhưng anh không thể nhúc nhích. Phía dưới anh là một phụ nữ trẻ khác.
Brendan phải đẩy người lên khỏi mặt đất để cô gái có thể thở và giữ bình tĩnh.
“Nó giống như một cơn ác mộng. Tôi không được hoảng loạn và phải tập trung vào hơi thở của mình”.
Brendan không dám tiết lộ với gia đình ở quê nhà về trải nghiệm kinh hoàng mình vừa trải qua. Thay vào đó, anh đến địa điểm tưởng niệm chỉ cách hiện trường thảm kịch vài m để trải lòng với những người đồng cảnh ngộ.
Pear, du học sinh đến từ Thái Lan, tìm nơi ẩn náu khỏi đám đông bên trong quán bar. Khi bước ra, cô thấy thi thể ngổn ngang khắp nơi.
Pear thực hiện hô hấp nhân tạo cho một phụ nữ bất tỉnh trong 30 phút, nhưng vô ích. Cô cho biết trước đó, các ngón tay của nạn nhân đã chuyển sang màu tím.
Tại địa điểm tưởng niệm, Pear rơi nước mắt, vẫn còn cảm giác tội lỗi. “Tôi là người duy nhất ở đó, nhưng cô ấy vẫn chết. Tôi muốn xin lỗi”.
Một sinh viên báo chí 20 tuổi người Tây Ban Nha, sống ở thủ đô Hàn Quốc, kể lại với EL PÁIS vụ giẫm đạp không xảy đến đột ngột. Số lượng người trên đường phố gia tăng đều đặn cho đến khi không còn lối thoát.
22h30 đêm 29/10, những cuộc gọi đầu tiên đến dịch vụ khẩn cấp cùng tiếng la hét từ đám đông khiến người qua đường và cảnh sát trong khu vực bắt đầu chú ý.
Khi nhân viên y tế chưa thể đến hiện trường, một nhóm cư dân và cảnh sát phải vật lộn để kéo những người gần họ nhất đến nơi an toàn. Trong khi đó, lực lượng ứng cứu khẩn cấp hướng dẫn người dân thực hiện hô hấp nhân tạo cho các nạn nhân được đưa ra đầu tiên.
Nỗi kinh hoàng ập đến cùng với không gian chật hẹp của con hẻm và nỗ lực cứu mình trong tuyệt vọng của những người mắc kẹt. Một số cố gắng thoát ra bằng cách trèo lên các bức tường trên đường phố.
Bên trong các hộp đêm gần đó, âm nhạc, rượu và cảm giác hưng phấn trái ngược với cảnh tượng đám đông vật lộn để sống sót. Dường như không ai biết điều tồi tệ đang xảy ra. Chỉ khi ra ngoài hút thuốc hoặc mua bia, họ mới nhận thức được quy mô của thảm kịch.
Xe cứu thương, lính cứu hỏa và cảnh sát đã tiếp cận khu vực. Những người trẻ tuổi đến Itaewon bằng tàu điện ngầm cho đêm vui chơi giải trí được đưa ra bằng xe cứu thương. Mặt nạ hóa trang không còn che đi khuôn mặt của họ.
Những chiếc điện thoại di động chỉ một lúc trước đó được dùng để quay video về lễ hội, giờ liên tục gọi đi để trấn an người thân và cố gắng xác định vị trí của bạn bè mất tích.
Người sinh viên Tây Ban Nha gửi tin nhắn về nhà: “Bố ơi, vừa có vụ giẫm đạp kinh hoàng ở Seoul. Con nghĩ rất nhiều người đã chết, nhưng con không sao. Chúng con vẫn chưa biết chính xác điều gì đã xảy ra”.
Bên kia đầu dây, hàng trăm gia đình thở phào nhẹ nhõm, nhưng ở Itaewon, ít nhất hơn 150 người sẽ không bao giờ tỉnh dậy nữa.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/quyet-dinh-sinh-tu-trong-tham-kich-itaewon-post1371698.html