Quyết liệt buộc xe khách liên tỉnh phải vào bến xe

Từ ngày 10/1 vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã cấm xe khách giường nằm chạy vào trung tâm từ 6-22h. Trong gần 2 tháng thực hiện cao điểm tổng kiểm tra, kiểm soát và xử phạt đối với ôtô khách kể từ ngày 1/12/2022, đã có 2.239 phương tiện vi phạm bị lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP Hồ Chí Minh xử phạt.

Trong đó, có đến 1.036 phương tiện trên 30 chỗ ngồi, 919 xe khách từ 16-30 chỗ, còn lại là xe dưới 16 chỗ. Điều này cho thấy, xe khách liên tỉnh vẫn không vào bến mà luồn lách đủ hình thức để hoạt động đón trả khách bên ngoài bến gây hỗn loạn trật tự vận tải khách liên tỉnh và phá vỡ hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt.

Nhà xe ngang nhiên dừng đón khách ngay trước cổng bến xe hiện đại nhất nước.

Nhà xe ngang nhiên dừng đón khách ngay trước cổng bến xe hiện đại nhất nước.

Dọc theo tuyến quốc lộ 1, những tụ điểm đón xe khách liên tỉnh tự phát ven đường như khu vực cầu vượt Tân Thới Hiệp, cầu vượt ngã tư Ga, cầu vượt ngã tư Bình Phước, cầu vượt Sóng Thần, khu du lịch Suối Tiên, xa lộ Hà Nội… thời gian gần đây khách đứng chờ lên xe càng đông hơn. Thậm chí, tại một số tụ điểm “bến cóc” như ở ngã tư Bình Phước và quốc lộ 13, các doanh nghiệp vận tải còn tự ý thuê nhà, thuê đất để mở điểm đỗ xe, sau đó sử dụng xe trung chuyển chở khách từ khu vực nội thành ra thẳng đây để đưa lên xe chứ không đưa khách, cho xe vào bến.

Theo ông Nguyễn Hoàng Huy, Giám đốc Bến xe Miền Đông mới, những ngày cao điểm giáp Tết Nguyên đán vừa qua, số đầu xe khách vào bến đạt khoảng 400 xe/ngày, nhưng đến nay đã giảm chỉ còn 200 xe, bằng hơn 12% so với con số 1.689 đầu xe đăng ký thuộc 89 doanh nghiệp vận tải phải di dời ra Bến xe Miền Đông mới trong giai đoạn 2.

Có những tuyến đông khách đi như từ thành phố ra Tuy Hòa, Quảng Ngãi, hiện mỗi ngày có đến 40 - 50 xe khách chạy bên ngoài nhưng không xe nào vào bến. Nhiều doanh nghiệp vận tải khách, nhà xe liên tỉnh còn ngang nhiên hẹn khách đứng chờ trước cổng Bến xe Miền Đông mới để đến đón lên xe khi vắng mặt tổ Thanh tra Giao thông vận tải (GTVT) chốt chặn, mà việc vắng mặt của Thanh tra GTVT là… thường xuyên.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh băn khoăn rằng: Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định xử phạt đối với hành vi thành lập điểm giao dịch, đón trả khách trái phép. Tuy nhiên các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa có khái niệm hoặc quy định thế nào là điểm giao dịch, đón trả khách trái phép.

Điều này khiến lực lượng chức năng rất khó xác định hành vi vi phạm và chủ thể vi phạm là ai, bên sở hữu nhà và quyền sử dụng đất tại địa điểm vi phạm hay cá nhân, tổ chức thuê địa điểm vi phạm để kinh doanh. Do còn lúng túng như vậy nên dù từ lâu Sở GTVT đã xác định rõ trên địa bàn đang còn tồn tại đến 76 điểm đón, trả khách trái phép thì cơ quan này cũng chưa thể đưa ra được giải pháp nào hiệu quả để dẹp hẳn số “bến cóc” này ngoài việc yêu cầu Thanh tra GTVT phối hợp với địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát.

Để dẹp xe trá hình hoành hành ngoài các bến xe khách liên tỉnh, ông Nguyễn Hoàng Huy cho rằng cần điều chỉnh lại lộ trình để xe khách chạy các tuyến từ bến xe Miền Tây về khu vực miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, miền Trung phải đi qua hầm Thủ Thiêm hướng ra đường Mai Chí Thọ. Ngoài ra, Sở GTVT cần lắp camera xử phạt nguội ở những địa điểm xe khách thường xuyên dừng đỗ, đón trả khách sai quy định.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh vẫn phải kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo khẩn trương nâng cấp hệ thống xử lý và khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ để làm cơ sở xử lý. Trường hợp Cục Đường bộ chưa thể nâng cấp ngay, cơ quan này cần ban hành cơ chế, thủ tục chia sẻ dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô cho sở GTVT TP Hồ Chí Minh để truy xuất, khai thác dữ liệu, xử lý xe vi phạm. Đây là điều khiến dư luận hết sức bất ngờ bởi đến nay việc sử dụng dữ liệu giám sát hành trình của xe khách vẫn còn theo kiểu “cát cứ”.

Bảo Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/quyet-liet-buoc-xe-khach-lien-tinh-phai-vao-ben-xe-i683692/