Quyết liệt đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt
Cùng với giao thông đường bộ, đường thủy, tuyến đường sắt Yên Viên (Hà Nội) - Lào Cai chạy qua địa bàn tỉnh đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, kết nối liên vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.
Lực lượng CSGT tuyên truyền cho người dân các quy định về đảm bảo TTATGT đường bộ, đường sắt.
(baophutho.vn) - Cùng với giao thông đường bộ, đường thủy, tuyến đường sắt Yên Viên (Hà Nội) - Lào Cai chạy qua địa bàn tỉnh đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương, kết nối liên vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường sắt, các lực lượng chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ nhằm duy trì ổn định, làm tốt công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn.
Tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT đường sắt
Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai qua địa bàn tỉnh Phú Thọ dài 75km, điểm đầu từ địa bàn phường Bạch Hạc (TP Việt Trì) đến hết địa bàn xã Đan Thượng (Hạ Hòa), đi qua các huyện, thành, thị: Lâm Thao, Thanh Ba, Hạ Hòa thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ. Hiện trên địa bàn tỉnh có tổng số 170 vị trí giao cắt giữa đường sắt với đường bộ; trong đó có 23 đường ngang hợp pháp có người gác, 15 đường ngang và 132 lối đi dân sinh tự mở. Huyện Hạ Hòa có tuyến đường sắt chạy qua địa phận sáu xã, thị trấn với chiều dài 29km/75km tổng tuyến đường sắt qua tỉnh. Trên địa bàn huyện phát sinh hàng chục điểm giao cắt giữa đường sắt với đường ngang, trong đó nhiều điểm giao cắt ở vị trí phức tạp, độ dốc lớn, lắm khúc cua, tập trung đông dân cư… làm cho tầm nhìn của người điều khiển phương tiện bị hạn chế. Bên cạnh đó, ý thức của người dân chưa cao, tình trạng vi phạm hành lang ATGT đường sắt vẫn diễn ra, nguy cơ tai nạn xảy ra là có thể nếu như không có sự nhắc nhở, xử lý và đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ các cơ quan liên quan. Trung tá Dương Trung Phúc- Đội trưởng đội CSGT-TT, Công an huyện Hạ Hòa cho biết: Lực lượng CSGT đã tăng cường kiểm tra, tập trung xử lý người và phương tiện tham gia giao thông vi phạm về tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt tại đường ngang, các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt có nguy cơ cao xảy ra TNGT; tiến hành rà soát, giải tỏa, xử phạt hành chính đối với những trường hợp cố tình vi phạm hành lang đường sắt và không chấp hành việc tự tháo dỡ, di dời; đồng thời nghiêm cấm sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.Chị Nguyễn Phương Mai, thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa chia sẻ: “Qua công tác tuyên truyền, bản thân tôi và mọi người luôn ý thức chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự ATGT đường sắt, từ đó hình thành ý thức, thói quen dừng lại và quan sát trước khi đi qua đường sắt để đảm bảo an toàn cho mình và gia đình, góp phần xây dựng xã hội văn minh, an toàn.Cũng như huyện Hạ Hòa, trên tuyến đường sắt đi qua các địa phương khác như: Thanh Ba, Lâm Thao, thị xã Phú Thọ, thành phố Việt Trì…cũng đang diễn ra thực trạng nhiều đường ngang dân sinh tự mở không đảm bảo ATGT. Đối với các lối đi do người dân tự mở, theo thời gian, những lối đi tắt trở thành đường đi cố định, có những khoảng đường sắt chưa đầy một km nhưng đã có tới hai hoặc ba đường ngang dân sinh tự phát, thậm chí có những lối đi dân sinh chỉ đi vào một hộ dân. Các đường ngang này đều không bảo đảm ATGT trong khi người tham gia giao thông thường có tâm lý chủ quan, không quan sát hoặc cố tình vượt qua, ngay cả khi tàu hỏa đang đến gần.Mặc dù những năm gần đây, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt trên địa bàn tỉnh đã giảm nhưng nguy cơ mất an toàn vẫn cao do tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT và tự ý mở đường ngang trái phép qua đường sắt còn diễn ra phổ biến. Để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản có thể xảy ra cần sự vào cuộc tích cực từ phía các lực lượng chức năng và người dân.
Bảo đảm trật tự ATGT đường ngang có người gác tại km78+865 tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đoạn qua thành phố Việt Trì.
Giải pháp đồng bộ
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường sắt là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, các cấp, các ngành đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông, góp phần giảm thiểu TNGT đường sắt. Trong các đợt cao điểm, các cơ quan tuyên tuyền của tỉnh và địa phương đã kịp thời đưa tin về tình hình TTATGT, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, phê phán các hành vi vi phạm thường gặp về ATGT đường sắt. Với sự vào cuộc tích cực, các đơn vị chức năng đã trang bị trên 500 cuốn Luật Đường sắt, 200 cuốn Thông tư 62/2015/TT-BGTVT quy định về đường ngang cho các xã, phường có đường sắt chạy qua; in ấn, cấp phát 20.000 tờ rơi tuyên truyền, ký 25.241 lượt cam kết không vi phạm TTATGT tại các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, khu dân cư trên địa bàn tỉnh.Cùng với công tác tuyên truyền, để từng bước khắc phục những tồn tại trong công tác bảo đảm TTATGT đường sắt, Ban ATGT tỉnh phối hợp với Ban ATGT các huyện, thành, thị, Công ty CP đường sắt Vĩnh Phú thường xuyên rà soát các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt để có các biện pháp khắc phục sửa chữa, bảo đảm an toàn như: Bổ sung hệ thống biển báo, vạch dừng, gờ giảm tốc, cảnh giới thu hẹp, kiểm tra công tác cảnh giới tại các chốt gác. UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban ATGT tỉnh phối hợp với các địa phương có đường sắt chạy qua và đơn vị quản lý đường sắt triển khai tổ chức thành lập 17 chốt cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt có mật độ phương tiện qua lại đông, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT cao. Đặc biệt, năm 2020 bổ sung thêm ba vị trí, mỗi vị trí chốt gác bố trí ba người cảnh giới liên tục 24 giờ/24 giờ; chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, nhất là hành vi mở đường ngang trái phép qua đường sắt.Nhằm đảm bảo ATGT đường sắt trên địa bàn, Công an tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp giảm thiểu các vụ TNGT, đảm bảo TTATGT. Trung tá Nguyễn Mạnh Tuấn - Đội trưởng đội CSGT đường sắt, Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết: Đội CSGT đường sắt chủ động tham mưu với Ban lãnh đạo ban hành kế hoạch mở các đợt cao điểm, kế hoạch chuyên đề bảo đảm TTATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh, phối hợp các cơ quan chức năng, đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền cho người dân về các nguy cơ tiềm ẩn mất ATGT; phân công lực lượng CSGT đường sắt tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tập trung xử lý người và phương tiện tham gia giao thông vi phạm về tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt tại đường ngang, các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt có nguy cơ cao xảy ra TNGT.Ông Nguyễn Văn Danh - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật TTATGT đường sắt; các cơ quan chức năng, đơn vị quản lý đường sắt tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động quản lý, kinh doanh nhằm bảo đảm TTATGT đường sắt, tình hình TTATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh đã giảm và được kiềm chế. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra va chạm và TNGT đường sắt, tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần phục vụ có hiệu quả cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn.