Chính thức vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội
Ngày 9/11, đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội thuộc tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội chính thức được vận hành thương mại, cùng cam kết phát triển hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô vì mục tiêu Net Zero năm 2050.
Ngày 9/11, tại ga S8 - ga Cầu Giấy, UBND TP Hà Nội tổ chức lễ vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội là dự án tuyến đường sắt đô thị đầu tiên do thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư. Đây là tuyến đường sắt đô thị chạy trên đường dành riêng với tổng chiều dài toàn tuyến là 13,035km,12 ga; trong đó có 12,575km tuyến chính và 0,46km đường dẫn và Depot.
Đoạn đi trên cao gồm tám ga từ ga S1 đến S8 dài khoảng 8,5km. Đoạn đi ngầm gồm 4 ga từ ga S9 đến ga S12 dài khoảng 4km. Dự án được tài trợ bởi: Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam, Tổng cục Kho bạc Pháp, Ngân hàng Đầu tư châu Âu, được triển khai với các công nghệ và kinh nghiệm của các công ty hàng đầu của Pháp.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, thực tiễn đã chứng minh hạ tầng giao thông phát triển đến đâu, không gian phát triển mới được hình thành đến đó, quỹ đất được khai thác hiệu quả.
Đường sắt đô thị là phương thức vận tải quan trọng, cung cấp hệ thống giao thông công cộng chất lượng cao, năng lực vận tải lớn, ổn định, tin cậy, an toàn, thân thiện môi trường. Nhiều quốc gia đã, đang ưu tiên phát triển đường sắt đô thị để giải quyết các vấn đề về ùn tắc giao thông, tai nạn và giảm thiểu lượng phát thải khí CO2 ra môi trường, mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm, là tất yếu của giai đoạn phát triển mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Dương Đức Tuấn, dự án đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội đã trải qua nhiều giai đoạn, phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ việc giải phóng mặt bằng, thi công trong điều kiện đô thị đông đúc đến những tác động của dịch bệnh giai đoạn 2020-2021. Nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các đơn vị thi công và sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân, chúng ta đã vượt qua tất cả để hoàn thành đoạn tuyến trên cao và đưa vào khai thác vận hành thương mại.
“Việc đưa vào vận hành đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội là động lực để TP tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị khác, nhằm hình thành mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, đồng bộ, phục vụ tốt nhất nhu cầu di chuyển của Nhân dân”, Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.
Lãnh đạo TP cũng đề nghị các cơ quan quản lý, đơn vị vận hành, khai thác tuyến đường sắt đô thị đoạn trên cao luôn bảo đảm hoạt động thuận tiện, an toàn. Đồng thời, TP yêu cầu Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, các nhà thầu, đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công gói thầu CP-03 (thi công xây dựng đoạn tuyến đi ngầm) để sớm hoàn thiện toàn tuyến.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết: “Để xây dựng tuyến metro số 3 này, các công ty Pháp được lựa chọn và tham gia dự án đã mang tới Việt Nam những công nghệ mũi nhọn với các tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất, từ các đoàn tàu Metropolis do Alstom cung cấp cho đến hệ thống bán vé tự động RATP Smart Systems. Dự án này bổ sung cho những thành công trước đây của Pháp trong các dự án lớn mang tính cơ cấu và đổi mới trên khắp đất nước”.
Nối tiếp đoạn trên cao tuyến đường sắt trên cao số 3 của TP Hà Nội, Đại sứ EU tại Việt Nam Julien Guerrier chia sẻ, EU đã huy động 10 triệu euro để tài trợ cho các hoạt động chuẩn bị cho việc mở rộng tuyến Metro này từ ga Hà Nội đến quận Hoàng Mai. Đại sứ EU tại Việt Nam cam kết hỗ trợ huy động Nhóm châu Âu để đầu tư cho phần mở rộng này, bao gồm AFD, KFW và có thể cả Ngân hàng Đầu tư châu Âu.
Sau khi tiến hành các nghi thức, các đại biểu đã thực hiện lễ gắn biển khánh thành công trình chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô cho đoạn trên cao tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội.