Quyết liệt đánh sập nhiều ổ nhóm 'tín dụng đen'
Với Kế hoạch 231, trong nhiều năm qua, các đơn vị của Công an thành phố Hà Nội đã đánh mạnh, đánh trúng nhiều ổ nhóm 'tín dụng đen'. Tuy nhiên, chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự cũng nhìn nhận, trong năm 2019, hoạt động 'tín dụng đen' trên địa bàn Thủ đô cũng có nhiều biến tướng phức tạp, đòi hỏi lực lượng công an phải nắm chắc địa bàn, đánh trúng, đúng các ổ nhóm tội phạm có tổ chức.
Muôn hình vạn trạng
Trả lời chất vấn về tình trạng “tín dụng đen” tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 8-2019, Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an đã thông tin về một loại hình biến tướng của “tín dụng đen”, đó là cho vay qua mạng Internet. Kiểu cho vay này hoàn toàn thực hiện qua không gian mạng, đang có chiều hướng gia tăng rất khó kiểm soát, kể cả tiền ảo và tiền thật. Bộ trưởng cũng cho biết, việc xử lý tội phạm “tín dụng đen” còn gặp nhiều khó khăn do các đối tượng có nhiều thủ đoạn lách luật giữa dân sự và hình sự.
Bộ Công an đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị 12 về tăng cường, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong Chỉ thỉ này cũng nhìn nhận một thực tế là tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp.
Các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, Internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ, tạo vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao (từ 100% đến 300%, thậm chí lên đến 700%/năm đối với khoản tiền ở thời điểm vay) nhằm thu lợi bất chính.
Với “xương sống” là Kế hoạch 231 của CATP Hà Nội, Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, để chống “tín dụng đen”, lực lượng công an sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát danh sách, đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm “tín dụng đen”, bảo kê, đòi nợ thuê ngay từ khi mới hình thành. Đồng thời phối hợp với các bộ ngành để ngăn ngừa tội phạm “tín dụng đen”, trong đó có cả ngành ngân hàng.
Thực tế cho thấy, “tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật. Chủ nợ thường thuê các băng nhóm tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự, sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm, có thể thực hiện các tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tổn hại về tinh thần và chiếm đoạt, hủy hoại tài sản của người đi vay, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.
Từ đầu năm đến nay, các đơn vị nghiệp vụ của CATP Hà Nội đã đánh sập nhiều ổ nhóm tội phạm có tổ chức, trong đó nhiều ổ nhóm “tín dụng đen”. Điển hình như vụ do đối tượng Triệu Đình Hoan cầm đầu đã thành lập doanh nghiệp tư nhân, đăng ký kinh doanh trên các lĩnh vực xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính, hoạt động tín dụng... song thực chất là núp bóng để cho vay nặng lãi. Khách hàng của Hoan chủ yếu là các doanh nghiệp cần đáo nợ ngân hàng, hoặc khách hàng cá nhân, họ phải vay với lãi suất từ 2.000 đến 5.000 đồng/triệu/ngày.
Mới đây, Phòng CSHS đã triệt xóa ổ nhóm “tín dụng đen” do Lê Xuân Minh (SN 1980) trú tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội cầm đầu. Khám xet khẩn cấp nơi ở của Lê Xuân Minh, Cơ quan điều tra đã thu giữ 110 tờ giấy vay tiền và 5 quyển sổ ghi nợ của 229 bị hại, đã vay của nhóm đối tượng do Lê Xuân Minh cầm đầu với tổng số tiền gần 16 tỷ đồng. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã cho vay với lãi suất từ 5.000 - 10.000 đồng/1 triệu/ngày, tương đương với 182,5 % - 365%/năm.
Một hình thức khác của “tín dụng đen” đó là cho vay qua ứng dụng trên điện thoại di động. Tuy trên địa bàn Hà Nội chưa phát hiện vụ việc nào, nhưng mới đây tại TP.HCM, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã phối hợp với Phòng CSHS CATP Hồ Chí Minh điều tra vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do các đối tượng người Trung Quốc thực hiện. Điều đáng chú ý trong vụ án này là các đối tượng đã cho người dân vay với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 1.600 %/năm.
Tất cả các giao dịch của người vay và người cho vay tiền đều được thực hiện thông qua điện thoại di động có sử dụng mạng internet. Cơ quan công an xác định từ tháng 4-2019 đến khi bị phát hiện đã có khoảng 60.000 giao dịch vay với tổng số tiền khoảng 100 tỷ đồng. Khách vay bắt buộc phải tải ứng dụng về máy điện thoại, chấp nhận điều kiện cho ứng dụng truy cập danh bạ.
Khi nhận được khoản tiền vay, ngay lập tức người đi vay bị cắt lãi và nếu không trả được, phía cho vay sẽ gọi điện thoại khủng bố. Thậm chí, cả thân nhân người đi vay cũng sẽ thành đối tượng bị quấy rối, đe dọa để gây áp lực buộc con nợ phải thanh toán nợ. Hoạt động “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao, ẩn mình dưới dạng cho vay trực tuyến tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây ra nhiều hệ lụy cho người dân và xã hội.
“Xương sống” của CATP Hà Nội chống “tín dụng đen”
Cách đây 3 năm, dự báo tình hình tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” sẽ có chiều hướng diễn biến phức tạp, Giám đốc CATP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 231 để chỉ đạo tổ chức điều tra cơ bản, đề ra biện pháp, giải pháp cụ thể để phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật đối với cơ sở, đối tượng kinh doanh dưới hình thức kinh doanh tài chính. Cùng với đó, CATP Hà Nội cũng đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó đã siết chặt việc cấp giấy chứng nhận và tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, kiên quyết xử lý, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với các cơ sở vi phạm. Đã tiến hành rà soát các ngành nghề kinh doanh thường bị các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng, núp bóng hoạt động, dễ phát sinh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, đánh giá tác động ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan để siết chặt quản lý.
Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, gắn với đấu tranh, triệt xóa các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia hụi, họ, biêu, phường. Triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí quân dụng, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động.
Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản, không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức nên đã tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen”. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên xuống cấp về đạo đức, tham gia các hoạt động tệ nạn (cờ bạc, cá độ, ma túy...) hoặc do nhu cầu bất hợp pháp nên cũng tìm đến các cá nhân, cơ sở này. Ngoài ra, cũng có những người chỉ biết đến lợi nhuận mà sử dụng tiền nhàn rỗi để trực tiếp cho vay dưới dạng “tín dụng đen” hoặc tham gia với vai trò trung gian, huy động vốn, gây rủi ro rất lớn cho cả người cho vay và đi vay.
Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về cho vay dân sự, về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả tác hại, mức độ nguy hiểm của “tín dụng đen” chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục nên hiệu quả chưa cao. Quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” còn vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. “Nhưng do trấn áp mạnh nên tội phạm liên quan tới “tín dụng đen” đã được kiềm chế, giảm tính phức tạp so với trước đây.
Ở Hà Nội, loại tội phạm này đã tạm dừng hoạt động, hoặc biến tướng với các chiêu trò khác. Đã không còn cảnh tờ rơi cho vay được dán công khai hay hoạt động cho vay được tiến hành rầm rộ qua mạng. Trong năm 2019, một số chuyên án của Phòng CSHS, Phòng An ninh điều tra còn phát hiện sự cấu kết của nhân viên ngân hàng với các tổ chức tín dụng đen” - Đại tá Nguyễn Thanh Tùng đánh giá.
Trong thời gian tới, với “xương sống” là Kế hoạch 231 của CATP Hà Nội, Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, để chống “tín dụng đen”, lực lượng công an sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát danh sách, đấu tranh triệt phá các băng nhóm tội phạm “tín dụng đen”, bảo kê, đòi nợ thuê ngay từ khi mới hình thành. Đồng thời phối hợp với các bộ ngành để ngăn ngừa tội phạm “tín dụng đen”, trong đó có cả ngành ngân hàng.