Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công (ĐTC) năm 2023. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC của tỉnh vẫn đạt thấp và nếu không quyết liệt thì có khả năng cao sẽ không hoàn thành kế hoạch.Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian thẩm định DA, các thủ tục phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng... theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công gắn với việc bảo đảm chất lượng công trình; tổ chức nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng.
Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước Quảng Bình, tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch vốn tỉnh giao triển khai đến ngày 31/7/2023 đạt 28,3% (bao gồm cả kế hoạch vốn kéo dài), trong đó ngân sách Trung ương (NSTW) đạt 22,4%; ngân sách địa phương đạt 31,4%; tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2023 đạt 28,2%; tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn kéo dài đạt 28,7%. Tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023 của tỉnh là 33,2%, trong khi đó tỷ lệ giải ngân của cả nước cùng thời điểm là 37,8%.
Tổng dự án (DA) nguồn NSTW trong nước triển khai năm 2023 trên địa bàn là 32 DA, kế hoạch vốn bố trí là 1.136.680 triệu đồng. Tính đến ngày 31/7, tỷ lệ giải ngân vốn NSTW trong nước theo ngành, lĩnh vực đạt 30,3%. Đối với nguồn vốn ODA, có 9 DA triển khai năm 2023, với tổng số vốn nước ngoài 400.951 triệu đồng, do gặp nhiều vướng mắc nên tỷ lệ giải ngân khá thấp, đến ngày 31/7 chỉ đạt 11%.
Về nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ triển khai nhằm phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 ở mức cao nhất theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, do năm 2022 là năm đầu triển khai các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc nên giải ngân đạt thấp, dẫn đến số vốn kéo dài sang năm 2023 tương đối lớn (243.696 triệu đồng), vì vậy, hiện nay các chủ đầu tư và các địa phương tập trung giải ngân kế hoạch vốn kéo dài nên tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn 2023 đạt chưa cao. Tính đến ngày 31/7 tỷ lệ giải ngân đạt 22,1%.
Đối với nguồn dự phòng NSTW năm 2022, có 10 DA triển khai với tổng số vốn bố trí 97.346 triệu đồng. Về nguồn vốn ngân sách tỉnh quản lý, tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/7 đạt 32,2%. Bên cạnh các DA có tỷ lệ giải ngân cao, nhiều DA chưa giải ngân hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Phan Phong Phú, nguyên nhân khách quan dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân ĐTC, đó là các DA ĐTC phải thực hiện rất nhiều thủ tục hành chính. Tùy theo từng DA, các thủ tục hành chính vừa ở các cơ quan cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và liên quan trực tiếp đến người dân theo quy trình tại các văn bản pháp lý tương ứng. Một số thủ tục hành chính có quy định thời gian tối thiểu nên không thể rút ngắn được.
Về khó khăn và nguyên nhân chủ quan, do kế hoạch vốn ĐTC năm 2022 kéo dài sang năm 2023 của tỉnh Quảng Bình tương đối lớn. Tổng kế hoạch vốn ĐTC năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ (đối với nguồn NSTW) và HĐND tỉnh (đối với nguồn ngân sách địa phương) cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 là 1.283 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có một số nguồn vốn chỉ được phép giải ngân đến hết ngày 31/12, vì vậy, các chủ đầu tư tập trung vào giải ngân kế hoạch vốn kéo dài và các nguồn vốn chỉ được phép giải ngân đến hết ngày 31/12 trước, dẫn đến tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn ĐTC năm 2023 đạt thấp.
"Chủ đầu tư chưa đôn đốc quyết liệt công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư, công tác nghiệm thu, thanh toán vốn ĐTC. Vì vậy, vẫn còn nhiều DA chưa phê duyệt DA; đã phê duyệt DA nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục để triển khai thi công; đã triển khai thi công nhưng không giải ngân dẫn đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh đạt thấp", ông Phan Phong Phú cho biết.
Bên cạnh đó, các DA thực hiện các thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng ở Trung ương tốn nhiều thời gian, trong khi Quảng Bình có khá nhiều DA thuộc diện này. Các DA ODA vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), các thủ tục phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và các thủ tục khác cần ý kiến không phản đối của nhà tài trợ nên kéo dài thời gian. Năng lực một số đơn vị tư vấn, xây lắp còn hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện các DA.
Mặt khác, theo các chủ đầu tư, thời gian qua, việc triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định trong phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng làm cho không ít DA bị chậm trễ vì tăng chi phí đầu tư và phải chờ điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn.
Giám đốc Sở Y tế Dương Thanh Bình cho biết: "Triển khai thực hiện nghiêm túc quy định và quy chuẩn PCCC, hiện có 7 DA do sở làm chủ đầu tư đang gặp vướng mắc vì "đội" chi phí đầu tư, trong đó có 5 DA thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Nếu không kịp thời tháo gỡ thì nhiều DA có nguy cơ không kịp tiến độ và bị cắt vốn".
Từ thực trạng trên, tại hội nghị bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ĐTC những tháng cuối năm 2023 và phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phải tập trung đôn đốc tiến độ thực hiện các DA ĐTC và tiến độ giải ngân kế hoạch ĐTC; tích cực tham mưu các tổ công tác của UBND tỉnh để chỉ đạo và xử lý kịp thời.
Rà soát tất cả các DA ĐTC trung hạn có phát sinh dự toán đối với hạng mục PCCC, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý theo đúng quy định. Đồng thời, tập trung giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ GPMB các DA trọng điểm của quốc gia và của tỉnh.
"Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn ĐTC của các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư chậm giải ngân cho các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư thực hiện tốt, có nhu cầu bổ sung vốn; tham mưu dứt điểm việc thu hồi các DA chậm tiến độ. Tập trung triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư", Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng chỉ đạo.
TX Ba Đồn là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC khá cao so với các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Tính đến ngày 31/7, tổng số vốn ĐTC được phân bổ của thị xã là hơn 415,8 tỷ đồng và giải ngân đạt tỷ lệ 63,65%. Đến ngày 11/9 tổng số vốn ĐTC được phân bổ hơn 550,5 tỷ đồng và đã giải ngân đạt tỷ lệ 57,66%.
"TX. Ba Đồn quyết tâm giải ngân đạt 100% kế hoạch ĐTC năm 2023. Hiện tại, địa phương đang tập trung đôn đốc, rà soát tình hình thực hiện của từng DA để kịp thời giải quyết, tháo gỡ vướng mắc. Đồng thời, phân công cụ thể lãnh đạo theo dõi, đôn đốc và trực tiếp chỉ đạo xử lý các khó khăn, vướng mắc", Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn Đoàn Minh Thọ chia sẻ.
Công tác giải ngân vốn ĐTC được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2023 của các bộ, ngành, địa phương. Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ về giải ngân vốn ĐTC năm 2023 trong điều kiện thời gian còn lại không nhiều và khối lượng cần phải thực hiện lớn, các sở, ngành, địa phương tỉnh Quảng Bình đang bám sát tình hình thực tế triển khai của từng DA để tập trung chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điều hành kịp thời và hiệu quả. Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc các giải pháp của Chính phủ và UBND về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC năm 2023.