Quyết liệt khống chế dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò

Trước sự lây lan nhanh của bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã và đang triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn, khống chế dịch bệnh, hạn chế được sự lây lan, góp phần giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.

Cán bộ thú y tiêm phòng vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho bò.

Cán bộ thú y tiêm phòng vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cho bò.

Dịch lây lan nhanh

Là địa phương xuất hiện ổ dịch viêm da nổi cục đầu tiên của tỉnh, Ông Lê Đức Đoan- Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Thành cho biết, ngay khi phát hiện ổ dịch xảy ra tại ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền từ đầu tháng 7.2021, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã cử cán bộ chuyên môn xuống tận các hộ gia đình để tìm hiểu, lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời, phối hợp với địa phương tiến hành khoanh vùng, phun hóa chất diệt côn trùng, khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, cách ly gia súc bị bệnh ra khu vực riêng để điều trị, tránh lây lan ra diện rộng.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, không lâu sau, các ổ dịch mới liên tục phát sinh tại nhiều địa phương khác trong và ngoài huyện. Tính đến nay, toàn huyện có 168 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục, trong đó, 56 con được điều trị khỏi bệnh, 50 con chết, số còn lại đang được địa phương tập trung cách ly, điều trị nhằm giảm thiệt hại về kinh tế cho người dân.

Bò chết vì dịch viêm da nổi cục được cân để lập biên bản hỗ trợ theo quy định.

Bò chết vì dịch viêm da nổi cục được cân để lập biên bản hỗ trợ theo quy định.

Theo ông Lê Đức Đoan, để chủ động kiểm soát nguy cơ lây lan và tiến tới dập dịch hoàn toàn, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Châu Thành phối hợp các xã, thị trấn tổ chức tiêm 3.200 liều vaccine được cấp và khoảng 2.000 liều do người dân tự mua. Ngoài ra, Trạm còn cung cấp 400 lít thuốc sát trùng cho các hộ chăn nuôi các xã, thị trấn xảy ra dịch và vùng uy hiếp trên địa bàn tự vệ sinh tiêu độc khu vực chăn nuôi.

Trong thời gian tới, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tiếp tục triển khai công tác tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn huyện đợt 2 nâng số lượng bò được tiêm khoảng 6.500 con. Song song đó, Trạm đang kiến nghị với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cấp thêm 5.885 liều vaccine để hoàn thành tiêm phòng cho gần 90% tổng đàn trâu, bò trên địa bàn.

Ông Huỳnh Văn Đấu- Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bến Cầu cho biết, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 8.693 con trâu bò (1.679 con trâu và 7.014 con bò), được chăn nuôi theo hình thức nông hộ, gia trại và hơn 8.111 con bò của Trang trại bò sữa Vinamilk, tại xã Long Khánh.

Ngày 10.7.2021, tại xã Long Phước, ghi nhận một trường hợp mắc bệnh với các triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm da nổi cục. Đến nay, tất cả 9/9 xã, thị trấn của huyện Bến Cầu đã ghi nhận 652 trường hợp bò mắc bệnh, chiếm 7,50% trên tổng số đàn trâu, bò chăn nuôi nhỏ lẻ của huyện. Tính đến ngày 26.8, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã tổ chức tiêm phòng được 4.000 liều vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục, gồm 2.300 liều được cấp phát từ nguồn ngân sách phòng, chống dịch của tỉnh và 1.700 liều do Trang trại bò sữa Vinamilk tài trợ cho huyện.

Theo ông Nguyễn Thành Thúc- Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, bệnh viêm da nỗi cục trên trâu bò bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 10.2020. Tính đến ngày 20.8, đã có 3.500 xã của 49 tỉnh, thành phố trên cả nước ghi nhận có dịch với trên 160.000 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó, hơn 20.000 con đã chết và tiêu hủy, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến tình hình phát triển chăn nuôi trâu, bò cùng với ngành sản xuất sữa của nước ta.

Tiêu hủy bò chết vì bệnh viêm da nổi cục.

Tiêu hủy bò chết vì bệnh viêm da nổi cục.

Tại Tây Ninh, bệnh viêm da nổi cục được phát hiện đầu tiên vào ngày 7.7.2021 tại khu vực Làng thanh niên lập nghiệp, thuộc ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, sau đó, bệnh tiếp tục lây lan ra nhiều địa phương trong tỉnh.

Tính đến ngày 26.8.2021, bệnh đã xảy ra tại 950 hộ chăn nuôi trên địa bàn 61 xã của 7 huyện, thành phố, gồm: Châu Thành, Tân Biên, Bến Cầu, Tân Châu, Dương Minh Châu, Gò Dầu và thành phố Tây Ninh, với tổng số trâu, bò mắc bệnh là 1.550 con. Trong đó, có 91 con chết và tiêu hủy, tổng trọng lượng là 13.928 kg.

Cũng theo ông Thúc, vi rút gây bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò có đặc tính rất ổn định, tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường (đặc biệt là ở dạng vảy khô; tồn tại trong các nốt da hoại tử trên 33 ngày, trong các lớp vảy khô lên đến 35 ngày và ít nhất 18 ngày trong da phơi khô, trong điều kiện môi trường tối và ẩm ướt, ví dụ như chuồng trại bị ô nhiễm, vi rút có thể tồn tại trong nhiều tháng). Bệnh chủ yếu được lây truyền qua côn trùng đốt như ruồi, muỗi, ve, mòng… cũng có thể lây truyền qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc thông qua việc dùng chung máng uống hay do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh nên bệnh lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch.

Mặt khác, người chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn tỉnh hầu hết là chăn nuôi nhỏ lẻ, theo phương thức quảng canh, thả rông, chưa áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chưa chú trọng đến việc tiêm phòng ngừa các bệnh thường gặp. Trong khi đó, tình hình thời tiết tại Tây Ninh hiện nay đang trong mùa mưa, độ ẩm cao, sức đề kháng của vật nuôi giảm, là điều kiện thuận lợi cho các loại côn trùng phát triển, nên nguy cơ dịch viêm da nổi cục lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.

Tập trung nguồn lực dập dịch, hạn chế thiệt hại cho người dân.

Theo ông Nguyễn Thành Thúc, để bảo vệ đàn gia súc, hạn chế thấp nhất thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi, cùng với việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn, khống chế những ổ dịch hiện tại, giải pháp căn cơ và lâu dài nhất chính là vận động người dân áp dụng các biện pháp chăn nuôi ăn toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc chuồng trại, chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh cho đàn gia súc.

Theo số liệu thống kê năm 2020, toàn tỉnh Tây Ninh có 105.099 con trâu, bò (9.734 con trâu, 95.365 con bò); số liều vaccine phòng bệnh viêm da nỗi cục cần để tiêm là 105.099 liều. Số lượng vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục cần phải tiếp tục tiêm để bảo đảm yêu cầu chống dịch là 47.213 liều (chăn nuôi nông hộ: 41.245 liều, các trang trại có tổng đàn từ 16 con trở lên tự thực hiện: 5.968 liều).

Đến nay, tỉnh đã tổ chức tiêm phòng được 43.886 liều (trong đó: 29.200 liều từ nguồn ngân sách tỉnh tiêm phòng miễn phí cho các hộ chăn nuôi có tổng đàn chăn nuôi dưới 16 con; 12.986 liều các trang trại chăn nuôi trên 16 con tự thực hiện và 1.700 liều do Công ty TNHH sữa Việt Nam Vinamilk hỗ trợ).

Hiện Chi cục cũng đang tiếp tục tổ chức triển khai tiêm 14.000 liều cho các hộ chăn nuôi nông hộ và vận động các trang trại tự tiêm phòng để bảo vệ cho đàn gia súc của mình.

Ngoài ra, Chi cục còn tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương khoanh vùng, bao vây dập dịch và hướng dẫn người chăn nuôi nhốt toàn bộ trâu, bò tại vùng dịch, cách ly chăm sóc bò bệnh không được chăn thả ra ngoài đồng cho đến khi hết bệnh; làm mùng chống côn trùng chích, hút máu.

Tổ chức tổng vệ sinh, rải vôi bột tiêu độc, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng,...), thực hiện liên tục trong 3 tuần tại khu vực chuồng nuôi, toàn bộ vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có gia súc bệnh.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp cố tình vận chuyển trâu, bò ra, vào vùng dịch; đồng thời tăng cường kiểm soát buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò và sản phẩm từ trâu, bò.

Minh Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/quyet-liet-khong-che-dich-viem-da-noi-cuc-tren-trau-bo-a136401.html