Quyết sách của Lâm Đồng để sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả
UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị siết chặt kỷ cương, kỷ luật nhằm mục tiêu sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả.
Theo đó, để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (TK,CLP), trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu phân bổ vốn đầu tư công năm 2025 phải bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư công, khả năng thực hiện và giải ngân của dự án; bảo đảm hoàn thiện đầy đủ các thủ tục đầu tư của dự án theo quy định.
![Khởi công dự án nhà ở xã hội tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_207_51466927/9c736b955adbb385eaca.jpg)
Khởi công dự án nhà ở xã hội tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
UBND tỉnh Lâm Đồng Lâm Đồng cũng yêu cầu các đơn vị triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện thủ tục đầu tư, tiến độ thi công các dự án, công trình, nhất là các công trình trọng điểm trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và công trình trọng điểm trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của các địa phương nhiệm kỳ 2020-2025.
Việc phân bổ vốn đầu tư công cần ưu tiên cho các dự án quan trọng, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước, bảo đảm phát triển hài hòa giữa các địa phương, tăng hiệu quả liên kết vùng.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị siết chặt kỷ cương, kỷ luật đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó cần rà soát, tổng hợp, phân loại và xây dựng kế hoạch, lộ trình để có phương án xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA không hiệu quả, chậm tiến độ, điều chuyển vốn đầu tư đối với các dự án chậm tiến độ, không giải ngân được hoặc thừa vốn cho các dự án, công trình có tiến độ giải ngân tốt hoặc đang thiếu vốn; Khẩn trương đưa các dự án hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành vào khai thác, sử dụng…
Bên cạnh lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, Lâm Đồng cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể về THTK, CLP trong quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp; tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động…
Để thực THTK,CLP hiệu quả, tỉnh Lâm Đồng cũng đề ra nhóm các giải pháp trọng tâm như: Tăng cường chỉ đạo việc THTK, CLP; Hoàn thiện văn bản, quy định liên quan đến công tác THTK, CLP. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để hiện đại hóa công tác quản lý, tiết kiệm nguồn lực; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về THTK, CLP và tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về THTK, CLP…