Quyết sách của Quốc hội: Phát huy nguồn lực, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Những luật, nghị quyết được thông qua trong Kỳ họp bất thường lần thứ 9 không chỉ có ý nghĩa lớn về mặt pháp lý mà còn là nền tảng vững chắc để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Ngày 19/2, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã bế mạc với nhiều dấu ấn nổi bật khi hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, đặc biệt việc xây dựng bộ máy “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” sẽ tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục đưa đất nước phát triển bứt phá trong những giai đoạn tới đây.
Tạo "đường ray" chung cho hệ thống
Trong 6,5 ngày làm việc, bên cạnh công tác nhân sự, Quốc hội đã xem xét, thông qua 4 luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước và 4 nghị quyết để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Cùng với đó, Quốc hội thông qua 6 Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án, công trình trọng điểm quốc gia.
Việc sửa đổi, ban hành các văn bản này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả; bảo đảm toàn hệ thống cơ quan nhà nước có thể hoạt động liên tục, bình thường trong và sau khi sắp xếp; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thúc đẩy Chính phủ kiến tạo phát triển và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương…
Đánh giá cao những đổi mới của Quốc hội trong xây dựng pháp luật, theo đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), Kỳ họp bất thường lần thứ 9 có nhiều nội dung quan trọng, không chỉ là kỳ họp bất thường để giải quyết các vấn đề theo quy định của Hiến pháp. Hơn nữa, kỳ họp này còn tạo tiền đề, đánh dấu một giai đoạn mới, bước chuyển mình của dân tộc. Kỳ họp đánh dấu mạnh mẽ chuyển biến về xây dựng pháp luật, điều hành kinh tế-xã hội, cho đến bộ máy Nhà nước.
Cho rằng quy trình thủ tục, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là luật làm ra luật, làm ra thể chế, theo đại biểu Trịnh Xuân An, muốn tháo gỡ được thể chế, muốn khơi thông được điểm nghẽn của thế chế thì phải sửa nội dung làm ra thể chế.
“Chỉ nhìn vào số lượng các điều luật, nó cho thấy sự thay đổi về lượng, các dự thảo luật đưa ra đều có khối lượng điều luật thấp hơn so với luật hiện hành. Chúng ta đang thay đổi chủ trương, đang thay đổi phương pháp cần tiếp cận đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, của Tổng Bí thư đó là luật mang tính định hướng chung, kiến tạo và không quy định quá chi tiết cụ thể, không thuộc chức năng của Quốc hội. Tinh thần chung là các luật sẽ giảm số lượng các điều nhưng tính kiến tạo, tính nền tảng, tính gợi mở đặt ra tính chuẩn chung, "đường ray" chung cho hệ thống,” đại biểu đoàn Đồng Nai cho hay.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Trịnh Xuân An phát biểu tại hội trường về phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: TTXVN)
Cùng nội dung này, theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam), quy định về quy trình lập pháp rút gọn (thông qua trong một kỳ họp) là bước bứt phá trong công tác lập pháp của Quốc hội Khóa XV, sẽ tạo ra những tiến bộ lớn, hiệu quả cao trong công tác lập pháp. Điểm nhấn là việc cho phép thực hiện quy trình lập pháp rút gọn sẽ tạo ra sự linh hoạt và kịp thời trong điều chỉnh chính sách, phù hợp với những dự án luật mang tính cấp bách, cần phản ứng nhanh với thực tiễn, giảm nguy cơ luật chậm ban hành, ảnh hưởng đến công tác quản lý và điều hành.
Mặt khác, quy định này cũng giảm áp lực hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, vì sẽ cắt giảm một bước trình Quốc hội, giúp giảm tải công việc cho các cơ quan lập pháp, tạo điều kiện để Quốc hội tập trung vào những nội dung quan trọng nhất của dự án luật, đồng thời, tiết kiệm chi phí và nhân lực do giảm bớt các cuộc họp, hội nghị, thủ tục rà soát lặp đi lặp lại. Quan trọng hơn, tất cả nhằm khơi thông điểm nghẽn đầu tiên của điểm nghẽn về thể chế, giúp đẩy nhanh tiến trình và nâng cao chất lượng cải cách thể chế, tạo tiền đề cho đất nước tăng trưởng hai con số trong những năm tới.
Cũng tại Kỳ họp này, 11 dự thảo nghị quyết sẽ được Quốc hội "bấm nút" thông qua gồm: Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sửa đổi); Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sửa đổi); Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội; Nghị quyết về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (sửa đổi).
Theo đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông), trong bối cảnh hiện nay, với một thời gian ngắn, nhưng các đại biểu tập trung rất cao, thảo luận rất nhiều vấn đề, rất thỏa đáng.
Với chủ trương “phân cấp, ủy quyền, phân quyền” rất mạnh, theo đại biểu đoàn Đắk Nông điều này sẽ tạo ra bước đột phá mới, tháo gỡ những “điểm nghẽn,” “nút thắt” trong thể chế và đặc biệt điểm nghẽn của thể chế ở góc độ thẩm quyền của các cơ quan, trước đây chưa phân quyền mạnh, thì nay phân quyền, ủy quyền, phân cấp rất mạnh.
“Với một kỳ họp có rất nhiều nội dung quan trọng được các đại biểu thông qua với tỷ lệ tán thành cao và không khí Kỳ họp sôi nổi, hướng về phía trước với tất cả các động lực tích cực, tôi tin rằng sau Kỳ họp này, bước chuyển mình sẽ rất lớn kể cả những khó khăn về cơ chế, thể chế đã được tháo gỡ thì năm 2025 sẽ là năm bứt phá, để góp phần vào hoàn thành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Nghị quyết 13 của Đảng và cũng là kết quả để hướng tới Đại hội 14 thành công tốt đẹp trong năm 2025,” đại biểu Dương Khắc Mai nói.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nêu bật công tác xây dựng pháp luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trên tinh thần “xắn tay” khẩn trương của Quốc hội, Chính phủ trong việc quyết đáp những vấn đề cấp bách của đất nước trên tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng,” đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu (đoàn Quốc hội Thành phố Huế) cho rằng, hiệu ứng từ chủ trương của Đảng đã tạo sự đồng bộ, kịp thời, tạo thành sức mạnh tổng hợp.
Theo nữ đại biểu, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, đây là kỳ họp bất thường có thời gian diễn ra dài nhất, kéo dài từ ngày 12/2-19/2, bàn về những dự án luật rất quan trọng, cần thiết, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, trong đó trọng tâm là để thực hiện Nghị quyết 18 một cách hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Cụ thể, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đều là những luật căn cốt, liên quan đến con người, cơ cấu tổ chức bộ máy, tháo gỡ thể chế để đất nước bước vào kỷ nguyên mới trong xu thế phát triển.
“Dự kiến lúc đầu, kế hoạch Kỳ họp bất thường lần 9 của Quốc hội sẽ tổ chức vào cuối tháng 2, nhưng sau đó đẩy nhanh tiến độ, khai mạc Kỳ họp vào ngày 12/2. Điều đó cũng để thấy rằng sự hoàn thành vượt bậc, sự nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội và cả hệ thống chính trị nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của đất nước. Sự sắp xếp, điều chỉnh nội dung, thời gian kỳ họp cũng rất khoa học, đáp ứng yêu cầu các mục tiêu đề ra,” nữ đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Huế chia sẻ.
"Bắt đúng mạch" những điểm nghẽn
Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nghị quyết về chủ trương và các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận; Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Đặc biệt, việc Chính phủ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, cao hơn mục tiêu Trung ương, Quốc hội đã quyết nghị là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5% thể hiện quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội nhằm phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Theo đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), đối với những động lực tăng trưởng truyền thống là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, Chính phủ đặt ra những chỉ tiêu rất tham vọng. Đơn cử, Đề án nêu “phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên.”
Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi nỗ lực lớn, trong bối cảnh tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong vài năm gần đây đều đạt dưới 10%. Do vậy, khi đặt ra mục tiêu này, Đề án cần kèm theo những giải pháp khả thi nhằm kích thích tiêu dùng, kích cầu đầu tư.
Liên quan đến chính sách tiền tệ, xu hướng lãi suất đang tăng lên nhưng còn chậm. Cần có giải pháp về nguồn cung tiền, tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, góp phần thúc đẩy GDP đạt mức 8% trở lên. Chính sách tài khóa cần đồng hành với chính sách tiền tệ và các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng GDP. Cụ thể là cần có lộ trình tăng thuế thận trọng trong bối cảnh các loại thuế có xu hướng tăng, nhằm khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Một giải pháp nữa là về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo ông, thời gian qua, chúng ta đã và đang quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Đại biểu cho rằng cần có những chính sách thực sự mạnh mẽ, nhất là chính sách ưu đãi đầu tư, miễn giảm thuế thật mạnh nhằm thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân mạnh dạn ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực sản xuất, đẩy nhanh công đoạn sản xuất, tăng năng suất lao động, tạo nền tảng cho việc thúc đẩy tăng trưởng.
Với tinh thần “bàn làm chứ không bàn lùi,” đại biểu Quốc hội Lê Văn Dũng (Quảng Nam) khẳng định, việc tăng chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2025 là có cơ sở và dư địa để thực hiện. Bởi hiện nay, xuất khẩu hàng hóa đã cán mốc 400 tỷ USD, 9 năm liên tiếp Việt Nam xuất siêu, không chỉ chứng tỏ vị thế của Việt Nam trong cạnh tranh với nước ngoài, mà còn tác động đến GDP, tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu 11 năm liên tiếp.

Các đại biểu bấm nút thông qua các nội dung quan trọng tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9. (Ảnh: TTXVN)
Phát biểu tại phiên bế mạc (ngày 19/2), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, các Luật, Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp này là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.
Chủ tịch Quốc hội cho biết các đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thảo luận sôi nổi, quyết nghị các nội dung khó, phạm vi ảnh hưởng rộng; trong điều kiện đặc biệt, đặc thù, chịu áp lực về thời gian nhưng với yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo sự đồng bộ, chặt chẽ, triển khai ngay trong thực tiễn, các đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự ủng hộ, quyết tâm rất cao, có nhiều ý kiến thẳng thắn và có giá trị về cả lý luận và thực tiễn.
Nhiều đại biểu đã ghi nhận, các dự thảo luật trình Quốc hội kỳ này có nhiều vấn đề mới, đúng và trúng, ngắn gọn, dễ hiểu, theo đúng tinh thần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật từ Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV; khẳng định quyết sách kịp thời, tất yếu khách quan, đúng đắn, tầm nhìn xa, cơ sở thuyết phục của Đảng, Nhà nước; đã bắt được đúng mạch, không chần chừ, do dự để khẩn trương khắc phục những tồn tại, vướng mắc, những điểm nghẽn làm chậm sự phát triển của đất nước.
“Thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc thì phải có những quyết định lịch sử, đột phá cho sự phát triển của đất nước,” Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đồng thời ông đề nghị đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt, quyết tâm, nói đi đôi với làm.
Có thể nói, những luật, nghị quyết được thông qua trong Kỳ họp này không chỉ có ý nghĩa lớn về mặt pháp lý mà còn là nền tảng vững chắc để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.