Quyết sách hệ trọng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế '2 con số'
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân về Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, một trong những quyết định quan trọng của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín vừa qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường TẠ ĐÌNH THI cho biết, Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hướng tới mục tiêu tăng trưởng 2 con số liên tục trong những năm tới.
Gỡ điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ dự án quan trọng về an ninh năng lượng
- Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín nhằm tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới. Xin ông cho biết Nghị quyết có ý nghĩa như thế nào trong việc góp phần đẩy nhanh tiến độ của dự án quan trọng này?
- Chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc hội Khóa XII quyết định tại Kỳ họp thứ 6 theo Nghị quyết số 41/2009/QH12 ngày 25.11.2009. Tuy nhiên, tháng 11.2016, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta và tình hình thực hiện bảo đảm an toàn cho nhà máy điện hạt nhân trên thế giới lúc bấy giờ, tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 31/2016/QH14 dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi. Ảnh: Phạm Thắng
Mới đây, trên cơ sở thực hiện chủ trương của Trung ương và cấp có thẩm quyền, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 174/2024/QH15 ngày 30.11.2024, trong đó, yêu cầu “Tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo Tờ trình số 811/TTr-CP ngày 25 tháng 11 năm 2024 của Chính phủ. Giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo bố trí nguồn lực thực hiện theo kết luận của cấp có thẩm quyền; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, trong đó có Luật Năng lượng nguyên tử”. Đây là quyết định có ý nghĩa rất quan trọng nhằm góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong những năm tới và mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án đặc biệt quan trọng, có công nghệ cao, phức tạp với yêu cầu nghiêm ngặt về bảo đảm an toàn hạt nhân. Hiện nay, chỉ số ít quốc gia trên thế giới có thể làm chủ hoàn toàn công nghệ trong đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Chính vì vậy, nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai Dự án, tại Điều 4 Nghị quyết số 41/2009/QH12 quy định “Chính phủ nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc biệtcho phép chủ đầu tư tích lũy nguồn vốn, cung cấp tín dụng của các ngân hàng; bồi thường, hỗ trợ tái định cư; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, tổ chức sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của việc xây dựng nhà máy trình Quốc hội xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp”.
Theo thông lệ quốc tế nói chung, thời gian hoàn thành và đưa nhà máy điện hạt nhân vào vận hành khoảng từ 10 – 13 năm kể từ khi phê duyệt dự án đầu tư hoặc khoảng 9 năm từ thời điểm khởi công dự án.
Nhưng với quyết tâm cao nhằm phấn đấu hoàn thành công tác đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuậntại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín vừa qua là hết sức cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm tháo gỡ những nút thắt về thể chế, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.
- Ông ấn tượng nhất vớicơ chế, chính sách nào được Chính phủ đề xuất?
- Các nhóm cơ chế, chính sách đặc biệt được Chính phủ đề xuất đều rất quan trọng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Dự án, trong đó nổi bật là các cơ chế, chính sách về thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư song song, đồng thời một số công việc chuẩn bị dự án; về phương án tài chính và thu xếp vốn.
Đáng lưu ý là các cơ chế, chính sách đặc biệt đối với tỉnh Ninh Thuận nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để tỉnh Ninh Thuận nhanh chóng triển khai các hạng mục liên quan đến Dự án, nhất là việc giải phóng mặt bằng, thực hiện thỏa đáng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất khu vực Dự án đối với các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân liên quan; cùng với đó là các cơ chế, chính sách khác liên quan đến Dự án tạo điều kiện để tỉnh Ninh Thuận phát triển bền vững trong tương lai. Điều này cũng giúp giải quyết những vướng mắc có tác động tiêu cực đối với tỉnh Ninh Thuận nói chung và nhân dân khu vực Dự án nói riêng.
Bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và lợi ích quốc gia
- Một nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm khi thảo luận về dự thảo Nghị quyết là bảo đảm các cơ chế, chính sách đặc biệt, đủ mạnh để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện dự án; đồng thời, đáp ứng các điều kiện về bảo đảm hiệu quả và an toàn của dự án. Mối quan tâm này đã được giải quyết như thế nào trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, thưa ông?
- Vấn đề hiệu quả và an toàn trong thực hiện Dự án luôn được đặt ra và là ưu tiên cao nhất trong suốt quá trình triển khai chủ trương đầu tư xây dựng Dự án từ trước tới nay. Sắp tới, khi điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án và các giai đoạn tiếp theo, chúng ta cần tiếp tục xem xét kỹ lưỡng vấn đề này để có những quyết định đúng đắn nhằm bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật, khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm lợi ích quốc gia.

Kết quả Biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: Quang Khánh
Đối với những cơ chế, chính sách đặc biệt trong Nghị quyết được Quốc hội thông qua lần này có điểm đáng lưu ý là: cho phép áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm và hướng dẫn kỹ thuật do đối tác thực hiện đề xuất áp dụng cho Dự án và phải bảo đảm nội dung áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam, không thấp hơn quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam (nếu có) và phù hợp với tiêu chuẩn về an toàn và hướng dẫn về an ninh của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Bên cạnh đó, yêu cầu về đánh giá tác động môi trường của Dự án vẫn phải thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Nghị quyết cũng đề ra yêu cầu đối với Chính phủ về quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực, quản lý các hoạt động khác có liên quan bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn phóng xạ, môi trường theo quy định của Nghị quyết này và các quy định của pháp luật có liên quan; thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư Dự án.
- Như ông vừa đề cập ở trên, dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có tính chất quan trọng, cấp bách, công nghệ phức tạp, yêu cầu về an toàn hạt nhân cao... Dự thảo Nghị quyết được xây dựng, trình Quốc hội xem xét quyết định trong thời gian rất ngắn, nhưng kết quả biểu quyết cho thấy sự đồng thuận rất cao của các ĐBQH. Với vai trò là cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã đóng góp như thế nào để đạt được kết quả như vậy, thưa ông?
- Quả thật, khi được giao nhiệm vụ tham mưu về công tác thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về Nghị quyết, chúng tôi thấy đây là nhiệm vụ rất thách thức. Bởi đây là nội dung vừa khó, vừa phức tạp, đòi hỏi “phông kiến thức” vừa rộng, vừa sâu, quan trọng nhất vẫn là thời gian thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết quá ngắn, rất gấp gáp trong khi khối lượng công việc khá lớn.
Với sự quan tâm cao, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các đồng chí Lãnh đạo, sự vào cuộc và phối hợp tích cực của các cơ quan liên quan, chúng tôi đã nỗ lực tối đa, không quản ngại khó khăn, vất vả để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Và kết quả là, Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ biểu quyết tán thành rất cao, với 459/460 ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 99,78% (bằng 96,03% tổng số ĐBQH).
- Xin trân trọng cảm ơn ông!