Quyết sách mạnh mẽ sẽ giúp nền kinh tế dịch chuyển nhanh

'Chỉ có những quyết sách mạnh mẽ, đặc biệt là với sự tham gia của Quốc hội mới có thể giúp nền kinh tế dịch chuyển nhanh và quyết đoán sang một mô hình tăng trưởng mới, bảo đảm khả năng vượt qua bẫy thu nhập trung bình, khẳng định vị thế, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong khu vực và trên bản đồ kinh tế thế giới', theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam.

Kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên quan trọng

- m nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Theo ông, đâu là những vấn đề cấp bách của nền kinh tế, của doanh nghiệp hiện nay, cần được các đại biểu quan tâm?

- Sau 5 tháng đầu năm, nền kinh tế đã đạt nhiều kết quả tích cực như: kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, xuất nhập khẩu phục hồi, đầu tư FDI tiếp tục gia tăng, đầu tư công được đẩy mạnh. Nhiều ngành gặp khó khăn trong những năm trước đây đã phục hồi rõ nét như dệt may, đồ gỗ, du lịch và từ đó đóng góp trực tiếp cho phục hồi tăng trưởng, bảo đảm việc làm cũng như an sinh xã hội. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn có nhiều vấn đề nóng thực sự cần được các đại biểu Quốc hội quan tâm, phân tích.

Đó là chính sách quản lý thị trường vàng trong bối cảnh hiện nay và mối quan hệ với chính sách về lãi suất và tỷ giá hối đoái. Lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát song chỉ số giá tiêu dùng những tháng đầu năm cho thấy kiềm chế lạm phát vẫn là một ưu tiên quan trọng; đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế vẫn cần nguồn vốn giá rẻ để hỗ trợ phục hồi, nhưng cũng cần một mặt bằng lãi suất để bảo đảm nguồn tiền huy động từ dân cư tiếp tục chảy vào hệ thống ngân hàng và để hỗ trợ cho việc kiềm chế đầu tư vào vàng, giảm áp lực với tỷ giá hối đoái. Cùng với đó, sự giảm tốc của đầu tư tư nhân cũng là chủ đề cần được các đại biểu Quốc hội thảo luận.

- Vì sao Quốc hội cần quan tâm những vấn đề này, thưa ông?

- Năm 2023, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 3.423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm trước. Trong khi tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư thực hiện của khu vực Nhà nước tăng 14,6%, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 5,4% thì khu vực tư nhân trong nước chỉ tăng 2,7%. Trong quý I.2024, tốc độ tăng của vốn đầu tư tư nhân cũng chỉ tăng 4,2%, thấp hơn nhiều so với 4,9% của khu vực Nhà nước và 8,9% của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tăng trưởng đầu tư tư nhân chậm được đánh giá là nguyên nhân chính khiến cho tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 không đạt được mục tiêu mong muốn. Tốc độ tăng thấp của đầu tư tư nhân của quý I.2024 cũng là điều không thuận lợi cho mục tiêu tăng trưởng của năm 2024 và có thể làm ảnh hưởng tiêu cực cho mục tiêu tăng tưởng của những năm kế tiếp. Cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm một môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn do vậy cần được coi là một ưu tiên hàng đầu trong các thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội tại Kỳ họp này.

- Một số ý kiến cho rằng, Quốc hội cần thảo luận về các giải pháp để tận dụng các cơ hội mới, phát triển những ngành công nghiệp mới. Quan điểm của ông thế nào?

- Bên cạnh những vấn đề nhắc tới ở trên, tôi cũng kỳ vọng Quốc hội sẽ thảo luận các biện pháp để có thể thực sự thu hút được các nhà đầu tư lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực nhằm tạo dựng những ngành công nghiệp mới, những ngành sẽ định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế dựa trên đổi mới, sáng tạo, xanh, tuần hoàn, kỹ thuật số.

Cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất chip, chất bán dẫn, năng lượng xanh ngày một trở nên khốc liệt. Chúng ta cần hành động nhanh và quyết liệt để không bỏ lỡ cơ hội xác lập vững chắc được vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu của những ngành này. Chỉ có những quyết sách mạnh mẽ, đặc biệt là với sự tham gia mạnh mẽ của Quốc hội, mới có thể giúp nền kinh tế dịch chuyển nhanh và quyết đoán sang một mô hình tăng trưởng mới, bảo đảm khả năng vượt qua bẫy thu nhập trung bình, khẳng định vị thế, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong khu vực và trên bản đồ kinh tế thế giới.

Cần giải pháp mạnh hỗ trợ các quyết định đầu tư

- Là chuyên gia, ông đề xuất giải pháp như thế nào với những vấn đề cấp bách đó của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp?

- Cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như người dân đánh giá rất cao các nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ trong việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các nỗ lực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trong thời gian qua. Nhưng, để nền kinh tế phát triển quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh, bền vững, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nền kinh tế khác trong khu vực, chúng ta cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ cho các quyết định đầu tư của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài được đưa ra và thực hiện nhanh hơn nữa.

Hiện nay, nhiều quyết định đầu tư hay triển khai dự án đầu tư của doanh nghiệp bị chậm lại, thậm chí bị trì hoãn do những khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, do sự thiếu quyết đoán của một số cơ quan quản lý, do nhiều quy định pháp luật còn thiếu rõ ràng hay chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp. Do vậy, cần có các giải pháp để đẩy nhanh quá trình ra quyết định từ phía cơ quan xử lý thủ tục hành chính, thủ tục liên quan tới doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Các cơ quan quản lý cần hành động nhanh và quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, với tinh thần chí công vô tư, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn đồng hành với doanh nghiệp, cùng các nhà đầu tư. Điều đó sẽ khích lệ mạnh mẽ tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp, nỗ lực đổi mới sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp; tiếp thêm sức mạnh, lấy lại tinh thần hào hứng, háo hức và không khí nóng bỏng trở lại của môi trường kinh doanh trong nước. Tinh thần này tự nó sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn, thách thức của nền kinh tế và lấy lại tốc độ tăng trưởng cao giống như chúng ta đã từng chứng kiến trong nhiều giai đoạn hậu khủng hoảng trước đây.

- Trong báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tập trung "tăng cường năng lực nội sinh" cho nền kinh tế. Theo ông, để có thể tăng cường năng lực nội sinh cho nền kinh tế, Quốc hội và Chính phủ cần có quyết sách gì?

- Các diễn biến của kinh tế thế giới và tác động tới nền kinh tế của Việt Nam trong thời gian vừa qua một lần nữa nhắc nhở chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự cường, với sức chống chọi cao. Khi tổng cầu của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, nó là động lực quan trọng để đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng lại trở thành điểm hạn chế khi kinh tế toàn cầu giảm tốc.

Thời gian qua, khi kinh tế toàn cầu chậm lại, những nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Trung Quốc, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan cũng đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, điểm khác biệt là tại các nền kinh tế này, các doanh nghiệp trong nước của họ đóng vai trò chủ đạo trong việc sản xuất hàng hóa cho xuất khẩu. Nền kinh tế của chúng ta ở vị thế khó khăn hơn vì hơn 70% xuất khẩu là của doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, nền kinh tế vẫn phải phụ thuộc nhiều vào hàng hóa nhập khẩu để chế biến, gia công cho xuất khẩu. Hàm lượng giá trị gia tăng trong nước trong hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu còn ở mức thấp. Các quyết sách của Quốc hội cần hướng tới mục tiêu khắc phục được tình trạng này.

Nâng cao vai trò của thị trường và tiêu dùng trong nước trong mối tương quan với xuất nhập khẩu trong tổng cầu, nâng hàm lượng trong nước trong sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu, nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, trong cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho thị trường trong nước và trong kim ngạch xuất khẩu là yêu cầu thực sự cần thiết nếu không muốn nói là cấp bách. Đây cũng là một nội hàm quan trọng của các quyết sách nhằm nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế.

Vào giữa năm 2023, dân số Việt Nam đã chính thức đạt dấu mốc 100 triệu dân. Đây là một lực lượng lao động rất đáng kể và Theo Tổ chức về Dân số của Liên Hợp Quốc, cơ cấu dân số Việt Nam hiện trong giai đoạn có cơ cấu dân số thuận lợi nhất - đó là thời kỳ dân số vàng. Thời kỳ này được dự báo sẽ kéo dài đến năm 2040, thậm chí đến năm 2045. Thời kỳ có cơ cấu dân số vàng đồng nghĩa với chừng ấy thời gian Việt Nam có được lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức làm xoay chuyển nền kinh tế đất nước nếu chúng ta biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên quý giá này. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, chỉ một số ít nền kinh tế đã thành công trong việc biến cơ hội “dân số vàng” để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, thoát bẫy thu nhập trung bình và trở thành nền kinh tế có thu nhập cao; ví dụ như tại khu vực Đông Á, mới chỉ có Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm được điều này.

Với một dân số trên 100 triệu dân, lực lượng lao động có thể dễ dàng tiến tới con số 60 triệu lao động. Nó cũng giúp Việt Nam trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 3 trong ASEAN. Một cơ cấu dân số như vậy, lực lượng lao động và một thị trường với quy mô như vậy là các yếu tố rất thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, đồng thời nâng cao tính tự chủ, tự cường và năng lực nội sinh của nền kinh tế.

- Xin cảm ơn ông!

Quang Khánh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/quyet-sach-manh-me-se-giup-nen-kinh-te-dich-chuyen-nhanh-i373190/