Quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhận định, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Trong các ngày từ 7 - 8/7, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh làm Trưởng đoàn sẽ tham dự Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) tại Phiên họp thứ 144 của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneve (Thụy Sỹ).

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh.
Nền tảng bảo đảm quyền con người ở Việt Nam
Trả lời phỏng vấn báo chí trước phiên đối thoại, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước.
Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”, “Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân”.
"Nhà nước pháp quyền, về bản chất là một nhà nước mà pháp luật đóng vai trò tối cao. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta thực hiện chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền cũng là nhằm bảo đảm quyền con người, tự do cá nhân, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong xã hội. Từ quan điểm đó, trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, cải cách tư pháp, Đảng cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nói.

Hình ảnh tại lễ phát động Giải thưởng Truyền thông về quyền con người “Việt Nam Hạnh phúc - Happy Vietnam 2025” hồi tháng 5/2025. (Ảnh: Nam Nguyễn).
Nhiều thành tựu trong việc đảm bảo quyền con người
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, quan điểm xác định con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển đã được thể chế hóa đầy đủ trong Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam.
Trong những năm qua, Việt Nam đã thông qua nhiều luật, nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến quyền con người, quyền công dân; qua đó góp phần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 cũng như các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.
Cùng với đó, trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng được hoàn thiện, với các quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục lấy ý kiến Nhân dân để đảm bảo quyền của đối tượng tác động - cũng là đảm bảo quyền con người, quyền công dân; tăng cường sự tham gia của người dân và xã hội vào công tác xây dựng pháp luật để bảo đảm quy định pháp luật sớm đi vào thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Các hành vi xâm phạm quyền con người cũng được phòng ngừa thông qua hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về xử lý các hành vi này. Các quy định nhằm bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội, qua đó bảo vệ tốt hơn các quyền của người dân cũng ngày càng được hoàn thiện.
Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp luật có liên quan để tạo điều kiện cho các cá nhân được thụ hưởng quyền của mình ở mức độ cao nhất có thể.
Bên cạnh đó, Việt Nam không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước; nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới mục tiêu cao nhất là phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, xã hội.
Khẳng định nỗ lực, phản bác thông tin sai lệch
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, đoàn Việt Nam xác định việc đối thoại tại Phiên họp thứ 144 của Ủy ban Nhân quyền là cơ hội để Việt Nam báo cáo những nỗ lực cũng như những kết quả của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước ICCPR.
Tại phiên đối thoại, đoàn Việt Nam sẽ tập trung vào một số thông điệp như: Việt Nam đang tập trung thực hiện nhiều đột phá có tính cách mạng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, trong đó có việc đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Việc mở rộng dân chủ, tạo điều kiện để Nhân dân tham gia quản lý Nhà nước ngày càng được chú trọng hơn, bảo đảm và bảo vệ tốt hơn các quyền dân sự, chính trị của người dân. Khẳng định Việt Nam luôn dành sự quan tâm và ưu tiên nguồn lực tốt nhất có thể và sẽ tiến hành các biện pháp đồng bộ để thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn việc thụ hưởng các quyền dân sự, chính trị…
Những thông tin, bằng chứng được đưa ra sẽ là câu trả lời rõ ràng, phản bác những thông tin còn sai lệch về tình hình quyền con người tại Việt Nam.
Với những vấn đề được đề cập nhưng chưa chính xác, chưa khách quan về tình hình quyền con người tại Việt Nam, đoàn xác định sẽ thẳng thắn đối thoại.
Đoàn cũng xác định tham gia phiên đối thoại trên tinh thần cầu thị, cởi mở đối với các vấn đề được đề cập để tiếp thu, tiếp tục thúc đẩy những nội dung đã thực hiện tốt. Đồng thời, cũng có cách tiếp cận phù hợp để thúc đẩy thực thi Công ước một cách hiệu quả hơn nữa.
Công ước ICCPR là điều ước quốc tế đa phương quan trọng với 173 quốc gia tham gia. Nội dung Công ước quy định các quyền gắn liền với các cá nhân kể từ khi sinh ra.
Một số quyền trong Công ước ICCPR sau này được Liên Hợp Quốc phát triển thành những điều ước quốc tế riêng, như quyền không bị tra tấn, quyền bình đẳng giới….
Việt Nam gia nhập Công ước ICCPR vào ngày 24/9/1982.