'Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược'!

Với chiến thắng giòn giã trên mặt trận Hàm Rồng những ngày đầu tháng 4/1965, quân và dân Thanh Hóa đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: 'Giỏi lắm! Nhân dân Hàm Rồng giỏi, công nhân Hàm Rồng giỏi. Nông dân Hàm Rồng cũng giỏi. Cả bộ đội, dân quân Hàm Rồng đều giỏi. Cố gắng sản xuất và chiến đấu giỏi hơn nữa, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược'!

Đò Lèn chiến thắng.

Đò Lèn chiến thắng.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, Thanh Hóa là một trong những mặt trận chính, với những điểm quyết chiến ác liệt như Hàm Rồng, Đò Lèn... Mặc dù vậy, Nhân dân thị xã Thanh Hóa, các huyện Hoằng Hóa, Đông Sơn, Hà Trung... quyết không sợ, mà còn thể hiện rõ ý chí, quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giữ vững mạch máu giao thông. Trong cuộc chiến đấu có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, quân và dân Thanh Hóa đã thể hiện cao nhất tinh thần yêu nước, dũng cảm, kiên cường, “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Tinh thần ấy được thể hiện rõ trong trận chiến bảo vệ cầu Đò Lèn sáng ngày 3/4/1965. Tại đây, quân và dân Đò Lèn phải vượt qua nhiều tình huống hiểm nghèo. Sau vài đợt đánh phá, địch phát hiện được trận địa pháo của ta nên quay sang đánh dồn dập. Các trận địa chìm trong khói bom, từng đoạn thành công sự bị vỡ, một số chiến sĩ hy sinh ngay trên mâm pháo. Trước sự uy hiếp của địch, quân dân Đò Lèn đã thể hiện ý chí chiến đấu ngoan cường. Người này ngã xuống, người khác thay thế. Trong trận chiến đó đã nổi lên nhiều tấm gương anh dũng như Đại đội phó Đoàn Văn Lưu, chỉ huy phân đội phía Nam cầu. Mặc dù cơ thể bị thương nhiều nơi, nhưng khi tỉnh dậy anh liền lao ngay tới vị trí chiến đấu. Trong hoàn cảnh bị máy bay Mỹ đánh phá dữ đội, yêu cầu tiếp tế đạn dược và cứu chữa thương binh tại mặt trận cầu Đò Lèn hết sức cấp thiết. Do đó dân quân, tự vệ và Nhân dân các xã lân cận cầu Đò Lèn đã vượt qua mưa bom bão đạn, có mặt kịp thời phục vụ các trận địa như tiếp đạn, băng bó vết thương, đưa các chiến sĩ bị thương nặng về điểm an toàn cứu chữa. Chị em phụ nữ cũng vô cùng gan dạ, dũng cảm khi không chỉ mang đến tận tay chiến sĩ từng ca nước, trái cây, nắm cơm, điếu thuốc; mà còn sẵn sàng thay thế vị trí của pháo thủ khi thấy pháo thủ bị thương...

Còn tại trận địa Hàm Rồng, đúng 9 giờ 50 phút ngày 3/4/1965, cụm hỏa lực phía Bắc cầu đã bắn rơi máy trinh sát RF - chiếc máy bay giặc Mỹ đầu tiên bị quân dân Hàm Rồng bắn rơi, mở đầu trang sử Hàm Rồng quyết thắng. Dù là mục tiêu nhỏ bé, nhưng đế quốc Mỹ đã huy động số lượng máy bay và bom đạn lớn nhất, hòng “nuốt trôi cầu Hàm Rồng ngay”. Thế nhưng, trên mọi hướng, máy bay Mỹ đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của 5 cụm hỏa lực bảo vệ cầu Hàm Rồng. Bộ đội ta đã bám chắc trận địa, chiến đấu mưu trí, dũng cảm, ngoan cường và giáng cho địch những đòn mạnh mẽ. Điển hình như, tổ trung liên bố trí trên núi Ngọc gồm 3 đồng chí Phạm Gia Huấn, Nguyễn Hữu Nghị và Trần Văn Liền dựa vào ưu thế hiểm hóc của điểm cao, chờ máy bay địch bổ nhào đúng tầm mới nhằm đầu máy bay giặc Mỹ bắn, khiến giặc lái Mỹ vô cùng hoảng sợ. Sau vài lần công kích, địch phát hiện hỏa điểm lợi hại này, chúng tổ chức tấn công liên tục. Ba chiến sĩ, người bị vùi lấp trong đất, người bị hất ra khỏi công sự. Xạ thủ Nguyễn Hữu Nghị bị ngất lịm bên chiến hào, khi tỉnh dậy anh lại tiếp tục chiến đấu, mặc dù khắp cơ thể rớm máu, cổ họng rát khô vẫn động viên đồng đội quyết bắt giặc Mỹ đền tội.

Để tiếp sức cho bộ đội ta, hàng ngàn người dân các địa phương xung quanh khu vực Hàm Rồng đã tham gia củng cố và làm thêm công sự, vận chuyển vũ khí đạn dược, lương thực. Riêng Thị ủy thị xã Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa, đã có trên 2.000 nam, nữ dân quân, tự vệ xung quanh Hàm Rồng và trên 1.000 cán bộ, công nhân ngành giao thông vận tải được huy động cấp tốc để khắc phục hậu quả do địch gây ra và bổ sung mọi mặt cho cuộc chiến đấu mới như chuyển đạn qua sông, san lấp hố bom, thông đường hai đầu cầu Hàm Rồng để xe pháo qua lại nhanh chóng. Trên 1.000 người đào đắp tu sửa công sự giúp bộ đội, dân quân tự vệ củng cố trận địa, ngụy trang lau chùi pháo. Hàng ngàn người hăng say làm thâu đêm suốt sáng không hề ngơi nghỉ. Nhiều nam nữ thanh niên xung phong ở lại làm pháo thủ dự bị và phục vụ chiến đấu. Không khí lao động và chiến đấu hết sức khẩn trương.

Trận chiến diễn ra ác liệt, với nhiều mất mát hy sinh, song quân và dân Hàm Rồng đã bẻ gãy ý đồ phá nát cây cầu trong những giờ đầu. Đến khoảng 17h ngày 3/4/1965, sau khi mất 17 máy bay và hàng chục tấn bom đã bị vùi dưới dòng sông, địch buộc phải tạm lui. Song với bản chất hiếu chiến, ngày 4/4/1965, đế quốc Mỹ tiếp tục huy động nhiều tốp máy bay tiến vào bầu trời Thanh Hóa. Song, kết thúc ngày 4/4 với 30 máy bay bị bắn rơi và đây cũng được xem là một ngày đen tối của không quân Hoa Kỳ.

Thắng lợi trước “sức mạnh không lực Hoa Kỳ mà chưa mấy ai hình dung được” là chiến thắng vô cùng oanh liệt. Tin Hàm Rồng chiến thắng nhanh chóng truyền khắp đồng bằng đến miền núi trong tỉnh, rồi được thông tin đến nhiều tỉnh thành, đã làm nức lòng quân, dân cả nước. Chiến thắng ấy đã khơi dậy niềm tự hào và lòng tin tưởng tuyệt đối của quân và dân Thanh Hóa đối với sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu.

Để “giữ lửa” niềm tin và thôi thúc tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh giặc trong các tầng lớp Nhân dân sau chiến thắng quả cảm trên mặt trận Hàm Rồng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ra Lời kêu gọi: “Thực hiện âm mưu phá hoại miền Bắc để gỡ thế bí ở miền Nam, liên tiếp trong 2 ngày 3 và 4/4/1965, đế quốc Mỹ đã cho nhiều tốp máy bay phản lực ném bom và bắn phá bừa bãi vào một số nơi ở tỉnh ta. Nhưng “mưu sâu thì họa cũng sâu”. Cũng như ở Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bạch Long Vĩ, chúng đã bị giáng trả những đòn đích đáng (...). Những cái mà chúng mệnh danh nào là “thần sấm sét”, nào là “giặc nhà trời”... rốt cục chỉ là những con thiêu thân trước lưới lửa dày đặc, ngùn ngụt căm thù của quân và dân ta (...). Bằng chiến công rực rỡ, Thanh Hóa đã ghi tên mình trên lá cờ “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Hồ Chủ tịch. (...). Lòng căm thù sâu sắc, quyết tâm tiêu diệt địch, tinh thần thi đua lập công đã âm ỉ từ lâu trong lòng mỗi người và chỉ chờ dịp là bùng lên thành bể lửa. Cho nên, đối với giặc Mỹ thì nước sông Chu, sông Mã, sông Yên khó rửa sạch nhuốc nhơ, mà đối với ta thì cây 8 huyện miền núi không sao ghi hết tình quân dân, gương chiến đấu”.

Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ví như nguồn nhiệt năng lớn, thôi thúc cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tiếp tục tiến lên, “vừa ra sức xây dựng, vừa dũng cảm chiến đấu, giặc đến phải đánh thắng, giặc đi phải sản xuất giỏi". Để rồi, mọi tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, già trẻ, trai gái, đã “đoàn kết thành một khối rắn chắc như gang thép, vững vàng như dãy núi Trường Sơn, tương thân, tương ái như con một nhà”, ra sức lao động và chiến đấu để xây dựng tỉnh Thanh Hóa cả về kinh tế và quốc phòng, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta. Qua đó, tiếp tục tô thắm truyền thống lịch sử hào hùng của đất và người xứ Thanh trong thời đại Hồ Chí Minh.

Bài và ảnh: Trần Hằng

(Bài viết sử dụng các tư liệu trong cuốn “Hàm Rồng - Cuộc đụng đầu lịch sử”, NXB Thanh Hóa - 2010).

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quyet-tam-danh-thang-giac-my-xam-luoc-244315.htm