Quyết tâm đổi mới hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu đoàn viên và người lao động
Từ cuối thập niên 20 của thế kỷ trước, chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá sâu rộng vào Việt Nam, làm cho phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ. Nhờ tiếp thu, vận dụng kinh nghiệm đấu tranh của công nhân thế giới nên giai cấp công nhân Việt Nam đã rút ngắn thời kỳ đấu tranh tự phát tiến lên trình độ tự giác. Nhằm thống nhất lập ra Công hội đỏ cho xứ Bắc Kỳ, ngày 28/7/1929, Đại hội Công hội đỏ Bắc Kỳ lần thứ Nhất được tổ chức tại 15 Hàng Nón, Hà Nội. Đại hội thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ có ý nghĩa lịch sử to lớn trong quá trình phát triển của phong trào công nhân, Công đoàn Việt Nam.
Nguyễn Thế Lập, TUV, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị
Ra đời từ những năm 20 của thế kỷ XX, xuất thân từ nông dân, với số lượng không đông, nhưng công nhân, lao động Quảng Trị sớm tiếp thu, phát huy truyền thống yêu nước, hòa mình vào phong trào cách mạng của quê hương và đã được Đảng giác ngộ.
Giai cấp công nhân Quảng Trị đã kề vai, sát cánh với Nhân dân trong tỉnh dấy lên cao trào cách mạng chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cùng với Nhân dân cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại mùa xuân 1975.
Gần 50 năm sau ngày nước nhà được độc lập và bước vào thời kỳ đổi mới, giai cấp công nhân, các cấp công đoàn cùng với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Trị tiếp tục cuộc chiến đấu chống đói nghèo, lạc hậu, xây dựng kiến thiết quê hương.
Trải qua 12 kỳ đại hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, trong từng thời kỳ lịch sử, tổ chức Công đoàn Quảng Trị đã hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình. Đến nay, đội ngũ CNVCLĐ trong tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Trình độ chuyên môn, tay nghề được nâng lên; bản lĩnh chính trị vững vàng, ý thức tổ chức kỷ luật cao. Hệ thống công đoàn Quảng Trị được củng cố, phát triển, số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở (CĐCS) tăng nhanh. Toàn tỉnh hiện có gần 1.100 CĐCS với 9 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, 5 công đoàn ngành địa phương, Công đoàn viên chức tỉnh, tập hợp trên 4,3 vạn đoàn viên trong tổng số gần 6 vạn lao động trong các thành phần kinh tế.
Công đoàn thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên, người lao động (NLĐ); giải quyết những vấn đề bức xúc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Công tác tuyên truyền được đổi mới, hướng về cơ sở.
Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng rãi, thu hút, khơi dậy động lực của đoàn viên, góp phần tăng năng suất lao động, phát triển KT-XH. Công đoàn đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân, tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân.
Với những thành tích đóng góp quan trọng, giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn tỉnh vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý khác.
Tuy nhiên phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hoạt động công đoàn thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, đó là: Sự phát triển của lực lượng CNVCLĐ chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế.
Trình độ chuyên môn, tay nghề, chính trị của một bộ phận công nhân còn thấp; đời sống của đoàn viên ở khu vực doanh nghiệp (DN) đang còn nhiều khó khăn. Một số công đoàn chưa gắn với đặc điểm, nhu cầu của đoàn viên; việc đại diện, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên còn hạn chế…
3 năm gần đây, hậu quả của COVID-19, thiên tai, lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng kinh tế toàn cầu đã làm cho nhiều DN trong tỉnh bị đình trệ hoặc bị giải thể, phá sản, đời sống của đoàn viên, NLĐ gặp khó khăn hơn...
Thời gian tới, dự báo quá trình phát triển kinh tế thị trường; những cơ hội, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sẽ tác động sâu sắc đến việc làm, chất lượng nguồn nhân lực, việc thu hút, tập hợp NLĐ…
Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn về tổ chức và hoạt động của công đoàn. Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” tiếp tục khẳng định xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và NLĐ cả nước.
Các cấp công đoàn tập trung đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để công đoàn thực sự là tổ chức của NLĐ. Tập trung thực hiện nhiệm vụ quan trọng, cốt lõi là đại diện cho NLĐ, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Tiếp tục đổi mới hoạt động công đoàn mang lại nhiều lợi cho đoàn viên, NLĐ.
Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, tay nghề, tác phong công nghiệp, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, luôn trung thành với Đảng, với Nhà nước XHCN. Chủ độngđề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước chămlo tốt hơn đời sống CNVCLĐ.
Tăng cường phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS. Tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW của BCH Trung ương Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; chủ động thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực, trách nhiệm với công việc.
Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, cải cách hành chính gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Khuyến khích khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ để đón đầu cuộc cách mạng 4.0.