Quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025 (mục tiêu trước đây là 95%).
Tại Hội nghị thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2025 ngày 20/5, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm đẩy mạnh giải ngân ngay từ đầu năm. Từ ngày 4/12/2024, Thủ tướng đã giao kế hoạch vốn ngân sách năm 2025 cho các bộ, ngành và địa phương với tổng số gần 829,4 nghìn tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch được Quốc hội phân bổ.
Tính đến 30/4/2025, cả nước giải ngân khoảng 128,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 15,56% kế hoạch – thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (16,64%) nhưng cao hơn về giá trị tuyệt đối (tăng hơn 18 nghìn tỷ đồng). Có 10/47 bộ, cơ quan Trung ương và 36/63 địa phương giải ngân trên mức trung bình. Một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao gồm: Thanh Hóa (39,2%), Hà Nam (38,4%), Lâm Đồng (30,1%), Bộ Công an (27,3%), Bà Rịa - Vũng Tàu (26,6%).
Giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia đạt 21,4%, cao hơn cùng kỳ 2024 (19,5%). Nhiều dự án trọng điểm như đường cao tốc, sân bay, cảng biển, trường học, bệnh viện... được triển khai khẩn trương, với tinh thần "thi công 3 ca, 4 kíp", “không bàn lùi”. Cả nước đồng loạt khởi công, khánh thành 80 dự án lớn nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, trong đó có ga T3 Tân Sơn Nhất, 5 tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Nhiều đơn vị ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng tiến độ và chất lượng, như tại sân bay Long Thành, các bến cảng Lạch Huyện, và các hầm lớn trên cao tốc Bắc - Nam. Thủ tướng ghi nhận, biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, nhất là 10 bộ và 36 địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt; cảm ơn nhân dân đã ủng hộ, nhường đất, nhà cho dự án, góp phần ổn định vĩ mô và phát triển hạ tầng.
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ nhiều hạn chế. Đến nay còn 17 bộ, cơ quan và 21 địa phương chưa phân bổ hết gần 8 nghìn tỷ đồng vốn được giao, phải hoàn tất trong tháng 5. Có 37/47 bộ, cơ quan và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình, trong đó có nơi được giao vốn lớn nhưng chậm triển khai.
Một số dự án giao thông trọng điểm, như Tuyên Quang - Phú Thọ, Hòa Bình - Mộc Châu, Gia Nghĩa - Chơn Thành, Tân Phú - Bảo Lộc... vẫn giải ngân chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do vướng giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu, tiêu chuẩn kỹ thuật, vốn ODA chậm giải ngân, tâm lý e ngại trách nhiệm, phối hợp chưa chặt chẽ, thực hiện chỉ đạo còn chậm.
Thủ tướng yêu cầu khắc phục tình trạng kỷ luật không nghiêm, chuẩn bị đầu tư sơ sài, cấp ủy chưa sâu sát, ban quản lý và nhà thầu yếu năng lực, còn tâm lý né tránh, sợ sai. Cần triển khai nghiêm túc các nghị quyết, phát huy vai trò người đứng đầu, nâng trách nhiệm cá nhân, chủ động tháo gỡ điểm nghẽn từ cơ sở theo nguyên tắc “trên chỉ đạo, dưới thực hiện”.
Công tác giải phóng mặt bằng phải nhanh, dứt điểm, đảm bảo quyền lợi người dân; đẩy mạnh phân cấp, giảm thủ tục hành chính, lựa chọn đúng nhà thầu, chống tiêu cực. Cần sơ kết, tổng kết, khen thưởng và xử lý kịp thời, minh bạch.
Thủ tướng đặt mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch năm 2025, tạo việc làm, sinh kế, thúc đẩy tăng trưởng, giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh và kích hoạt nguồn lực xã hội. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát nhiệm vụ, rà soát thường xuyên, xử lý vướng mắc kịp thời, xây dựng dữ liệu đầu tư công, nâng cao hiệu quả thực hiện với tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”.