Quyết tâm giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh
Ngày 15/8, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) tổ chức Tọa đàm với chủ đề: 'Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó'. Dự sự kiện có ông Hà Minh Hải - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Tọa đàm nhằm góp phần tìm ra giải pháp, lan tỏa tinh thần, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức và cá nhân về bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng không khí, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, hướng tới sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Hà Nội, đã trở thành một vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí đến từ các hoạt động công nghiệp, xây dựng và đặc biệt là giao thông vận tải.
Khí thải từ hàng triệu phương tiện cơ giới mỗi ngày đã góp phần đáng kể vào việc làm ô nhiễm không khí, gây ra các bệnh về đường hô hấp, tim mạch và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.
Trước thực trạng này, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách nhằm cải thiện chất lượng không khí, trong đó có việc khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng, phát triển giao thông xanh và giảm thiểu phương tiện cá nhân.
Minh chứng là Thành phố đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông xanh. Theo đó, Hà Nội đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giao thông công cộng, với hơn 132 tuyến buýt, trong đó có một tỷ lệ đáng kể là xe điện và xe CNG. Bên cạnh đó còn có hàng nghìn xe taxi điện đã được cấp phép hoạt động, cùng với hệ thống xe đạp và xe đạp điện công cộng tại nhiều quận nội thành.
Đặc biệt, sự xuất hiện của hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí…
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, trước thực trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là khu vực nội đô ngày càng đáng lo ngại, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Theo đó, Hà Nội đưa ra mục tiêu phấn đấu tới năm 2030, ít nhất 75-80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, giảm khoảng 20% lượng bụi PM2.5 từ các nguồn thải chính so với năm 2019, tương đương khoảng 6.200 tấn bụi PM2.5.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, vấn đề quan trọng nhất mà Hà Nội cần làm là giảm các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí. Trong đó, khí thải từ hoạt động giao thông là mục tiêu hàng đầu, mà cụ thể là giảm thiểu phương tiện cá nhân, tăng phương tiện công cộng; giảm phương tiện sử dụng nhiên liệu có nguốn gốc hóa thạch thay bằng phương tiện xanh thân thiện với môi trường.
Song, với dân số khoảng 10 triệu người; lượng xe mô tô, xe 2 bánh gần 7 triệu phương tiện, xe ô tô 1,1 triệu phương tiện và khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các địa phương lân cận di chuyển, việc kiểm soát phương tiện cá nhân sẽ rất khó khăn.
“Kinh tế phát triển, số lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh thì cũng đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều lượng khí thải thải ra khiến môi trường trở nên ô nhiễm. Do đó, cắt giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông đường bộ là nhiệm vụ rất quan trọng trong hành trình tiến đến Net Zero - phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Bởi thế, vấn đề chuyển đổi phương tiện xanh hiện nay không phải là dễ hay khó nữa mà buộc phải làm.
Tuy nhiên, làm thế nào để cán đích thành công là điều chúng ta cần bàn thảo, trao đổi, để có thực hiện hiệu quả”- PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nhận định.
TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Môi trường, việc chuyển đổi phương tiện xanh là việc làm khó. Thành phố có nhiều phương tiện giao thông cá nhân, hàng ngày gây ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường qua lượng phát thải lớn.
“Tôi nghĩ, việc chuyển đổi phương tiện xanh là tất yếu, góp phần đảm bảo môi trường, sức khỏe người dân đô thị… Tôi từng đi Thụy Sĩ, khi khách du lịch đến, họ tặng ngay vé đi tàu điện miễn phí. Đây là cách làm sáng tạo và Hà Nội có thể học hỏi. Ở góc nhìn rộng hơn, Hà Nội nên nghiên cứu hình thành nên các vùng phát thải thấp với sự ưu tiên chỉ có các phương tiện xanh mới được đi vào.” - TS Hoàng Dương Tùng chia sẻ.
Tọa đàm “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó”, có sự tham gia của những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực môi trường, giao thông, như: PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII; TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường; TS Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hanoi Metro, các chuyên gia đến từ Trường đại học Giao thông vận tải, Ban quản lý đường sắt đô thị…
Tọa đàm đã tập trung thảo luận về chủ đề: “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó”. Đáng chú ý, các chuyên gia, cơ quan quản lý đều thống nhất quan điểm việc chuyển đổi xanh là xu thế chung của các nước phát triển trên thế giới, bằng việc giảm thiểu phương tiện cá nhân, tăng phương tiện công cộng, giảm phương tiện sử dụng nguyên liệu hóa thạch thay bằng phương tiện xanh thân thiện với môi trường.
Nói cách khác, đây không phải là câu chuyện dễ hay khó mà là ý thức chung tay của cộng đồng, từng gia đình, cá nhân với môi trường sống, đồng thời thực hiện cam kết của Chính phủ tại COP 26 đưa phát thải ròng của Việt Nam về 0 vào năm 2050.
Được biết, Tọa đàm “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó” là một trong những hoạt động thiết thực của Báo Kinh tế & Đô thị nhằm hướng tới Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.