Quyết tâm xóa bỏ điểm nghẽn thể chế

Quán triệt tinh thần đổi mới, thông thoáng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng pháp luật; tăng cường phân cấp, phân quyền, nhất là cho địa phương; xóa bỏ cơ chế 'xin - cho'; tăng cường trách nhiệm giải trình, đề xuất của các cơ quan, tổ chức trình dự án luật trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua.

Đây là một trong những nội dung được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 15/NQ-CP mới được Chính phủ ban hành về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Có thể thấy, hệ thống pháp luật của chúng ta đã tương đối đồng bộ, cơ bản điều chỉnh tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, tạo nền tảng pháp lý, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, công tác xây dựng pháp luật cũng bộc lộ một số hạn chế. Một số quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, có quy định chưa rõ ràng, rườm rà, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Tiến độ và chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, chưa tạo được môi trường để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực đầu tư của xã hội; việc ban hành chính sách, quy định pháp luật điều chỉnh những vấn đề mới còn chậm. Việc phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm...

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính rườm rà được ví “một cửa nhưng nhiều khóa” dù đã được quan tâm nhưng chưa được khắc phục triệt để. Doanh nghiệp, người dân vẫn phải chạy đi chạy lại vì sự nhiêu khê của thủ tục hành chính. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, đến sự phát triển chung của đất nước. Những vướng mắc, điểm nghẽn này có nguyên nhân từ bất cập của một số quy định pháp luật.

Điểm nghẽn về thể chế gây nên nhiều hệ lụy. Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn công cuộc đổi mới, dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt. Trên cơ sở đó, Tổng Bí thư yêu cầu, đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật, coi đây là yếu tố quan trọng để phòng, chống lãng phí.

Quan điểm đổi mới sâu sắc về tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp để khắc phục "điểm nghẽn của điểm nghẽn", khơi thông nguồn lực cho phát triển đã được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh. Đó là luật phải ngắn gọn, rõ ràng, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi, giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".

Để xóa bỏ cơ chế xin - cho, kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn từ chính các cơ quan xây dựng pháp luật. Theo đó, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà, giảm chi phí tuân thủ ngay từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Cơ quan trình, thẩm định và cơ quan thẩm tra sớm phát hiện, ngăn chặn và nói không với những quy định “thủ tục mẹ đẻ thủ tục con”.

Hoàn thiện thể chế để thúc đẩy cho phát triển là yêu cầu cấp bách đặt ra trong tình hình hiện nay. Trách nhiệm này trước hết thuộc về các cơ quan xây dựng pháp luật, nhưng sẽ là chưa đủ nếu không có sự đồng tốc của cả hệ thống chính trị, và đặc biệt là ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức trong bộ máy khi thực thi nhiệm vụ. Việc cá thể hóa trách nhiệm không chỉ nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức, cá nhân mà còn tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp; giải phóng sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quyet-tam-xoa-bo-diem-nghen-the-che-post402961.html