Quyết tâm xử lý tận gốc các 'điểm nghẽn' trong giải ngân vốn đầu tư công
Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Ngay lập tức, các Tổ Công tác đã vào cuộc với quyết tâm xử lý tận gốc các 'điểm nghẽn' trong giải ngân vốn đầu tư công.
Tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công vẫn là khâu yếu
Sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ ngành, địa phương (ngày 28/9/2021) về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1962/QĐ-TTg thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/10/2021 dưới 60% kế hoạch được giao (Tổ Công tác) do các Phó Thủ tướng Chính phủ và một số Bộ trưởng làm Tổ trưởng.
Theo Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Chính phủ phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm. Ảnh minh họa
Bài liên quan
Phải có “nhạc trưởng” dẫn dắt giải ngân vốn đầu tư công
Chuẩn bị kỹ các dự án đầu tư công, tránh tình trạng điều chỉnh gây lãng phí thời gian
Thủ tướng Chính phủ lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công
Có thể nói, việc thành lập 6 Tổ Công tác thể hiện quyết tâm trong giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bởi đây là nguồn lực rất quan trọng trong lúc dịch bệnh tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và đời sống nhân dân. Điều đó cũng đã được thể hiện qua hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ từ đầu năm 2021, trong các Nghị quyết: Số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021, số 45/NQ-CP ngày 16/4/2021, số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021; các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ; Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Đặc biệt, trong bối cảnh cả nước chuyển sang thực hiện thích ứng, an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 thì việc giải ngân vốn đầu tư công có vai trò tối quan trọng trong phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay sau khi được thành lập, các Tổ Công tác do các Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã liên tục tổ chức các cuộc họp nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 30/11/2021, cả nước đã giải ngân được gần 295.000 tỷ đồng, đạt 63,86% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn trong nước đạt 69,19%, vốn nước ngoài đạt 21,51%, đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, có thể thấy, sau khi cả nước chuyển sang thực hiện thích ứng, an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, việc giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến rõ rệt (tăng từ 39,74% - kết quả giải ngân 8 tháng đầu năm lên 63,86% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao).
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh - Tổ trưởng Tổ công tác số 1 trực tiếp kiểm tra 9 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương phía Bắc về giải ngân vốn đầu tư công yêu cầu phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực, gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Từ thực tế các bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công chậm, kém hiệu quả, thậm chí cùng một khu vực có tỉnh giải ngân cao, nhưng có địa phương lại rất thấp; các cuộc họp của các Tổ Công tác đã làm rõ nguyên nhân trong đó nổi bật là do tác động của dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều dự án phải dừng thi công.
Nguyên nhân khách quan khác là giá cả nguyên vật liệu tăng cao; lưu thông khó khăn; vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng do cơ chế chính sách, đơn giá thay đổi thường xuyên; đến cuối tháng 9, đầu tháng 10/2021 các bộ, cơ quan Trung ương mới được phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án khởi công mới.
Cùng với đó, chất lượng chuẩn bị nhiều dự án còn yếu kém. Phân bổ vốn còn dàn trải, thiếu tập trung, lập kế hoạch vốn chưa sát thực tế. Công tác thẩm định, tư vấn còn chậm. Năng lực yếu kém của một số ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu.
Tại cuộc họp của của Tổ công tác số 2 về giải ngân vốn đầu tư công ngày 6/12, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái – Tổ trưởng Tổ Công tác cho rằng, việc giải ngân chậm có nguyên nhân khách quan, nhưng cơ bản là khâu tổ chức thực hiện, sự quyết liệt của các ngành, các cấp, đặc biệt là các chủ đầu tư chưa sát sao, cấp trên chưa kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Tổ trưởng Tổ công tác số 2 nhấn mạnh, trong bối cảnh KT-XH của đất nước gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, chúng ta phải chắt chiu, giải ngân, sử dụng hiệu quả từng đồng vốn đầu tư công để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.
Nghiêm túc thực hiện thì mới giải quyết tận gốc của vấn đề
Qua các cuộc họp, lãnh đạo một số bộ, cơ quan kiến nghị cần rà soát lại các quy trình, thủ tục để có thể nhanh chóng triển khai các dự án mới; kiến nghị cho phép kéo dài kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 sang năm 2022; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật bất cập liên quan đến thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án…
Từ những nguyên nhân là "điểm nghẽn" trong giải ngân vống đầu tư công, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh (Tổ Trưởng Tổ Công tác số 1) yêu cầu phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực, gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ; khẩn trương rà soát nâng cao năng lực của các ban quản lý dự án.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng lưu ý các địa phương phải chuẩn bị kỹ các dự án đầu tư công, tránh tình trạng phải điều chỉnh dự án gây lãng phí thời gian, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Đối với nguồn vốn ODA, Chính phủ quan tâm dành nguồn vốn ODA cho các tỉnh có điều kiện khó khăn, vì vậy các địa phương phải nỗ lực tận dụng hiệu quả nguồn vốn này. Chính phủ sắp ban hành Nghị định thay thế Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để tạo thuận lợi hơn nữa cho việc giải ngân nguồn vốn này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Tổ Trưởng Tổ Công tác số 4) trong cuộc làm việc với 16 bộ, cơ quan Trung ương về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 (sáng 8/12) yêu cầu năng lực Ban quản lý các dự án, các đơn vị chủ quản đầu tư cần được củng cố, kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp.
Đưa giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (Tổ Trưởng Tổ Công tác số 4) đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo trong đó phân định rõ phần vốn đầu tư công của các dự án chuyển tiếp từ năm 2020 sang năm 2021; các dự án mới được phân bổ vốn và cam kết hoàn thành giải ngân của các bộ, cơ quan Trung ương theo các mốc thời gian cụ thể; làm rõ nguyên nhân các dự án ODA chậm giải ngân...
Cũng liên quan đến giải pháp để giải ngân có hiệu quả vốn đầu tư công, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần phải thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm túc hơn các nghị quyết của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trách nhiệm người đứng đầu phải làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng để đấu thầu phải làm nhanh hơn. Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng cũng phải phát huy tinh thần để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, Bộ cũng đang rà soát lại vướng mắc trong sửa các Luật sắp tới, tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, các địa phương và các Bộ, ngành phải nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định thì mới giải quyết tận gốc của vấn đề.
Tại Nghị quyết 141/NQ-CP ngày 14/11/2021 về phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11 năm 2021, Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án độc lập. Theo đó, việc tách GPMB ra khỏi dự án đầu tư được kỳ vọng là giải pháp quan trọng tháo gỡ điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ toàn bộ dự án.
Theo con số mà Bộ KH&ĐT đưa ra năm 2020, khoảng 1.900 dự án đầu tư chậm tiến độ, trong đó gần 1.100 dự án gặp vướng mắc do GPMB. Năm 2021, vấn đề GPMB tiếp tục là nguyên nhân gây "tắc" vốn đầu tư công.