Ra mắt 'Đại úy Rosalie', cuốn sách về góc nhìn của trẻ em thời chiến
Nhà xuất bản Hà Nội và Crabit Kidbooks đã cho ra mắt cuốn sách 'Đại úy Rosalie' của tác giả người Pháp Timotheé de Fombelle, kể về hành trình tìm ra câu trả lời về chiến tranh của cô bé Rosalie dưới thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ 1.

Cuốn sách “Đại úy Rosalie”. (Ảnh: Crabit Kidbooks)
"Đại úy Rosalie" lấy bối cảnh trong cuộc Thế chiến thứ nhất, Rosalie là cô gái nhỏ có người cha đang chiến đấu ngoài tiền tuyến, và kết nối duy nhất giữa cha với em và mẹ chính là những bức thư. Thi thoảng, mẹ lại đọc thư cho Rosalie, những dòng thơ đầy lạc quan và tươi sáng, nhưng sâu thẳm trong Rosalie, cô bé chẳng muốn nghe những điều ấy.
Chiến tranh làm không khí ngôi làng Rosalie sống thật ảm đạm: những người đàn ông thì biến mất; những người phụ nữ phải tăng gia ở nhà máy; vì thiếu giáo viên nên em phải học ghép cùng những học sinh khóa trên...
Khi quan hệ gia đình bị đứt gãy, khi không khí bình thản mà người lớn gượng ép duy trì ngày qua ngày ở hậu phương càng lúc càng ngột ngạt, Rosalie quyết định sẽ tự bản thân thực hiện một nhiệm vụ bí mật: tìm câu trả lời cho tất cả.
Ở “Đại úy Rosalie”, Timotheé De Fombelle không lựa chọn khai thác chủ đề chiến tranh từ góc nhìn của người trưởng thành như bao cuốn sách khác đã từng. Chiến tranh, trong cuốn sách này, được nhìn bằng đôi mắt của một đứa trẻ – một bé gái 5 tuổi tên Rosalie.

Qua ngôi thứ nhất, tác giả để Rosalie xưng “tôi” và tự kể về hành trình thực hiện nhiệm vụ tối mật của em. Được theo sát các diễn biến nội tâm của em, độc giả sẽ bất ngờ nhiều phen, rằng em không hề vô tư và bàng quan như người lớn vốn tưởng. Em tập trung quan sát mọi diễn biến quanh em và có cảm nhận riêng về chúng, có câu hỏi cho chúng. Người lớn không thể giấu chúng khỏi sự nhạy cảm và khả năng quan sát của em.
Giống như Rosalie, trẻ em có cảm nhận riêng đầy sống động về những bình thường và bất thường xảy ra ở chung quanh, kể cả khi người lớn có cố gắng chỉ cho chúng thấy những gì tươi sáng nhất. Và trẻ em cũng có cách riêng, để đối diện và vượt qua những cảm xúc – kể cả là những cảm tiêu cực, bằng sự kiên cường và dũng cảm của một trái tim thuần khiết.
Timotheé de Fombelle là nhà văn và nhà soạn kịch người Pháp, là tác giả của nhiều tác phẩm quen thuộc với bạn đọc Việt Nam như “Vango”, “Cuốn sách của Perle” hay “Toby Lolness”. “Đại úy Rosalie” là cuốn sách viết về trẻ em trong Thế chiến thứ 1, do họa sĩ Isabelle Arsenault minh họa.
Ông cũng là người có thời gian dài gắn bó với Việt Nam. Bên cạnh là một tác giả sách, Timotheé de Fombelle cũng từng là một giáo viên Pháp ngữ, từng dạy học tại Việt Nam. Những trải nghiệm dạy học của ông ở Việt Nam cũng ít nhiều có mối liên kết với “Đại úy Rosalie”.
Vào những năm 2000, Fombelle sang Việt Nam dạy học hai năm ở vùng núi Tây Bắc và Hạ Long theo chương trình tình nguyện của Enfants du Mékong, một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận hướng đến những trẻ em khó khăn ở Việt Nam, Lào, Campuchia và Philippines.
Được đứng lớp dạy cho các em nhỏ dân tộc thiểu số, ông cảm nhận được tình yêu của các em dành cho mái trường. Từ trải nghiệm đó, Fombelle thấy rằng tinh thần giáo dục đúng nghĩa là cho các em được tự do, sống là chính mình trong môi trường nhà trường và cũng chính vì thế, tác giả đã để Rosalie âm thầm thực hiện nhiệm vụ bí mật của mình trong lớp học, một không gian ông xem là thân thiện với trẻ em.
Ông cũng cho rằng, từ những ngày tháng đi dạy học tình nguyện ở Việt Nam, được đưa tri thức đến những em nhỏ ở vùng khó khăn đã cho Fombelle thấy giá trị to lớn của sự đọc.
Cũng giống như Rosalie, một cô gái nhỏ luôn trằn trọc liệu rằng bức thư bố gửi về từ chiến trận có phải sự thực hay không; sự đọc đem tới những quyền cơ bản của con người: quyền được đọc về những điều xảy ra chung quanh, quyền biết được những kiến thức, chân lý mới.
“Đại úy Rosalie” dù lấy bối cảnh ở cuộc Thế chiến thứ nhất, nhưng đối với tác giả, cuốn sách không hạn định ở chủ đề chiến tranh mà còn nhắc nhở tới cả người lớn lẫn con trẻ rằng dù là ai, chúng ta cũng đều phải có quyền được đọc sự thật!
Sự thật, thứ vốn dĩ đã mong manh với những đứa trẻ, càng bị cất giữ cật lực khỏi các em từ người lớn khi chiến tranh ập tới. “Đại úy Rosalie” là một truyện ngắn kể về nỗ lực đi tìm sự thật, nhưng cũng là một hành trình tự nhận thức về bản thân, cho người đọc thấy rằng giữa những vùng chiến sự, trẻ em không chỉ là những cá nhân dễ tổn thương, mà chính các em cũng là những tiếng nói cần phải được lắng nghe tới.

“Đại úy Rosalie” không chỉ đem tới cho độc giả một góc nhìn khác về chiến tranh - một góc nhìn qua lăng kính trẻ thơ; mà trên tư cách một cuốn sách thiếu nhi, nó còn đem tới bài học cần thiết và ý nghĩa cho trẻ.
Khi xuất bản tại Pháp, cuốn sách đã nhận về rất nhiều đánh giá tích cực của các độc giả. “Chỉ với vỏn vẹn 65 trang, tác giả đã khiến tôi chưa bao giờ xúc động như thế này. Những minh họa của Isabelle Arsenault thì tuyệt đẹp, vừa u tối vừa rực sáng, như gieo hy vọng giữa đêm đen. Cuốn sách này thật sự là một tuyệt tác, một viên ngọc quý không chỉ dành cho trẻ em. Tôi thực sự choáng ngợp trước sức mạnh cảm xúc mà Timotheé de Fombelle truyền tải…” - một độc giả chia sẻ.
“Một câu chuyện thấm đượm nỗi buồn dịu dàng, cùng những bức tranh đầy màu sắc u hoài. Cô bé Đại úy Rosalie mới chỉ 5 tuổi nhưng ánh mắt và trí óc em lại sắc sảo vô cùng. Câu chuyện khiến ta nhận ra: có những sự thật nên được nói ra, thay vì cố giấu đi để “bảo vệ” trẻ nhỏ… cho dù sau đó có thể mang đến nỗi đau hay mất mát” - một độc giả khác viết.
Không chỉ nội dung, cuốn sách còn đem lại cảm xúc cho độc giả từ những trang minh họa. “Một cuốn sách tuyệt đẹp, cả ở nét vẽ lẫn lời văn. Xúc động, tinh tế, và truyền tải được thật nhiều cảm xúc chỉ trong vài câu chữ” - một độc giả nhận xét.
Một cuốn sách về đề tài chiến tranh, tưởng chừng như khô khan, nhưng lại dẫn dắt bạn đọc vào thế giới cảm xúc của trẻ nhỏ, từ đó thấy được cách trẻ em nhìn về cuộc chiến, và cả về nỗi mất mát, chia ly. Một cuốn rất đáng đọc cùng con, vì nó truyền tải thông điệp không chỉ cho trẻ mà còn cho cả cha mẹ. Đó là thông điệp của tác giả Timotheé De Fombelle gửi vào cuốn sách.