Ra mắt dự án điện mặt trời áp mái hộ gia đình sử dụng bộ lưu trữ thông minh
Đây là dự án đầu tiên được Huawei triển khai tại Việt Nam, sử dụng trọn bộ giải pháp Huawei FusionSolar. Sau một tháng vận hành, hệ thống 7.37kWp đã cung cấp 995kWh, giảm phát phải 824kg khí CO2.
Hệ thống điện mặt trời này được lắp đặt trên mái tòa nhà Công ty Cổ phần Năng lượng Mặt Trời Đỏ (Red Sun Energy Jsc), tại 43 Tản Đà, phường 10, quận 5, TP.HCM. Số liệu trên được ông Diệp Bảo Cánh - Tổng Giám đốc Công ty công bố tại lễ ra mắt dự án.
Cụ thể, hệ thống bao gồm ba bộ phận chính. Thứ nhất là bộ điều khiển thông minh (biến tần) cho hệ thống điện mặt trời Huawei SUN2000-5KTL-L1 công suất đầu ra tối đa là 5.5 kW, bảo hành 10 năm. Bộ điều khiển được tích hợp trí tuệ nhân tạo AI boost để nâng cao tính năng an toàn, chủ động phát hiện lỗi hồ quang. Khi phá hiện sự cố, hệ thống có thể ngừng hoạt động trong vòng 400ms, giúp bảo vệ hệ thống khỏi nguy cơ hỏa hoạn. Bộ điều khiển này không sử dụng quạt và các thiết bị ngoại vi dễ hư hỏng, do đó không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn, phù hợp cho hộ gia đình.
Thứ hai là bộ lưu trữ điện năng Luna2000-5-S0. Hệ thống cho phép sạc/xả theo thời gian cài đặt. Nếu để tự động, thiết bị điện sẽ sử dụng năng lượng mặt trời giờ cao điểm, đồng thời sạc vào bộ lưu trữ vào các giờ thấp điểm từ lưới điện.
Thứ ba là bộ tối ưu công suất SUN2000-450W-P phù hợp với hầu hết các loại pin năng lượng mặt trời trên thị trường, bảo hành 25 năm. Bộ phận này đảm bảo tấm pin phát tối đa 100% công suất thiết kế, không lo bị ảnh hưởng bởi bóng râm, hướng lắp đặt. Thiết bị có thể giám sát và làm việc độc lập với nhau, đồng thời có thể phát hiện lỗi hồ quang từ từng tấm pin.
Tại lễ ra mắt dự án điện mặt trời này, ông Đào Du Dương - Trưởng Đại diện Hiệp Hội Năng lượng sạch Việt Nam tại TP.HCM - cho rằng, Huawei đã đóng góp rất nhiều trong thời gian qua, giúp thị trường điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam bùng nổ. Ông Dương cũng nói, điện năng lượng mặt trời trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển.
“Tuy nhiên, thị trường còn phụ thuộc vào chính sách nhà nước để từ đó mới vạch ra được định hướng phát triển cho tương lai. Do đó nên tập trung vào các dự án là hộ dân sử dụng điện, tư vấn đầu tư hợp lý, kết hợp phát triển song hành dự án tích hợp pin lưu trữ để các hộ dân sử dụng điện được ngay cả khi không có ánh năng mặt trời” – ông nói.
Hệ thống điện mặt trời áp mái kết hợp với bộ lưu trữ điện năng thông minh đầu tiên của Huawei đã đi vào hoạt động tại Việt Nam từ tháng 3/2020. Hệ thống lưu trữ được sử dụng để lưu trữ điện dư, có thể phát vào lúc hết ánh nắng mặt trời để sử dụng trong giờ cao điểm. Giải pháp được đánh giá không chỉ hiệu quả mà còn giúp điều tiết hệ thống truyền tải điện, giúp giảm thiểu phát thải khí CO2, bảo vệ môi trường.
Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, mục tiêu chung của chiến lược là giảm 25% phát thải khí nhà kính và phần lớn các hộ gia đình sẽ được tiếp cận với các dịch vụ năng lượng đáng tin cậy, bền vững và hiện đại với giá cả phải chăng vào năm 2030. Điện năng lượng mặt trời là một trong những trọng tâm của chiến lược năng lượng tái tạo.
Điện năng lượng mặt trời đã có một năm 2020 bùng nổ với hàng loạt dự án được xây dựng. Thị trường điện mặt trời áp mái tại Việt Nam cũng phát triển mạnh mẽ trong năm qua, với công suất lên tới gần 9.300MWp trong tổng công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước khoảng 19.400 MWp. Với lượng điện năng sản sinh ngày càng lớn, để đáp ứng nhu cầu phụ tải trong tương lai, hệ thống lưu trữ điện năng là lựa chọn có ích cho các nhà đầu tư.