Check-in có trách nhiệm: Làn sóng du lịch bền vững
Không còn là trào lưu nhất thời, hiện tại du lịch bền vững đã trở một trong những tiêu chí quan trọng cho du khách mỗi khi lựa chọn một hành trình. Tại Việt Nam, ngày càng nhiều điểm đến ghi dấu ấn không chỉ bởi vẻ đẹp, mà còn bởi sự 'tử tế' với thiên nhiên và cộng đồng.
Từ những làng chài yên bình và khung cảnh nên thơ của Sông Cầu (Phú Yên) đến vẻ đẹp tĩnh lặng, lãng mạn nơi những con phố ngập tràn ánh đèn lồng của Hội An, đây đều là cho xu hướng du lịch xanh và bền vững tại Việt Nam.
Phủ Lý, Hà Nam
Từ một khu dân cư nhỏ ven sông, Phủ Lý ngày nay đã phát triển thành đô thị sầm uất nhưng vẫn giữ được nét duyên dáng của một thành phố từ những giá trị lịch sử lâu đời.
Những con ngõ nên thơ ở Châu Cầu đến quần thể chùa Bầu yên bình, tĩnh lặng và những con phố di sản, thành phố mang đến sự giao thoa hiếm có giữa giá trị truyền thống và nhịp sống hiện đại. Phủ Lý đang tích cực gìn giữ, bảo tồn di sản phong phú song song với việc thúc đẩy du lịch bền vững.
Thành phố đưa trách nhiệm bảo tồn văn hóa vào quy hoạch đô thị, đồng thời hỗ trợ các nghệ nhân địa phương cùng các hộ kinh doanh làng nghề truyền thống.

Ảnh: Booking.com.
Phủ Lý đang tích cực gìn giữ, bảo tồn di sản phong phú song song với việc thúc đẩy du lịch bền vững. Thành phố đưa trách nhiệm bảo tồn văn hóa vào quy hoạch đô thị, đồng thời hỗ trợ các nghệ nhân địa phương cùng các hộ kinh doanh làng nghề truyền thống.
Là cửa ngõ kết nối với hệ sinh thái văn hóa rộng lớn hơn của Hà Nam, Phủ Lý đưa du khách đến với các lễ hội, đền chùa và làng nghề truyền thống như làng trống Đọi Tam và làng lụa Nhạ Xá - tất cả cùng đóng góp vào xu hướng du lịch bền vững đang dần hình thành trên tiêu chí bảo tồn đi đôi với phát triển.
Hà Tĩnh
Từ bờ biển Thiên Cầm thanh bình đến những cánh rừng nguyên sinh của Vườn Quốc gia Vũ Quang, nơi được UNESCO công nhận là Vườn di sản ASEAN từ năm 2022, Hà Tĩnh đang từng bước trở thành hình mẫu của du lịch bền vững.
Tỉnh đẩy mạnh mô hình du lịch cộng đồng tại các xã miền núi như Hương Quang, Hương Liên, Sơn Kim với các hoạt động lưu trú homestay, trải nghiệm làm nông, hái thuốc, bắt cá, nấu ăn cùng người dân.

Ảnh: Booking.com.
Hà Tĩnh hướng đến bảo tồn và phục hồi các làng nghề truyền thống như làng nón Trại Tiểu, làng rèn Trung Lương hay làng nấu rượu ở Can Lộc, vừa giữ gìn văn hóa địa phương vừa tạo sinh kế du lịch. Du khách cũng có thể ghé thăm các di tích nổi bật như Khu lưu niệm Nguyễn Du, di tích quốc gia đặc biệt hay chùa Hương Tích, điểm du lịch tâm linh lớn trong khu vực.
Hiện tại, địa phương cũng đang triển khai đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021–2025, đồng thời kết nối du lịch liên tỉnh với Nghệ An theo hướng xây dựng tuyến Hành trình di sản Nguyễn Du – Nguyễn Công Trứ – Hồ Chí Minh.
Sông Cầu, Phú Yên
Nằm nép mình giữa hai thành phố sôi động Quy Nhơn và Tuy Hòa, thị trấn yên bình ven biển miền trung này như một lời mời nhẹ nhàng, hãy cảm nhận nhịp sống địa phương qua vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên cùng những giá trị truyền thống phong phú.

Ảnh: Booking.com.
Tại đây, yếu tố bền vững đã trở thành một lối sống được định hình qua nhiều thế hệ cộng đồng địa phương.
Từ cải tiến mô hình nuôi trồng thủy sản đến khuyến khích hoạt động du lịch gắn với bản sắc văn hóa, hạn chế tác động đến môi trường, Sông Cầu nổi tiếng là điểm đến với tính bền vững được đưa vào đời sống chứ không chỉ là một “lời hứa”.
Du khách có thể trải nghiệm một ngày làm cư dân vùng biển với các hoạt động như chèo thuyền thúng truyền thống, học nghề đan bóng bắt cá truyền thống, hoặc thưởng thức món bánh tráng thủ công làm từ dừa nổi tiếng tại những ngôi nhà ở địa phương.
Tam Kỳ, Quảng Nam
Nổi tiếng với Làng bích họa Tam Thanh nhiều sắc màu và Tượng đài Mẹ Thứ linh thiêng, Tam Kỳ sở hữu vẻ quyến rũ đến từ giá trị lịch sử, văn hóa và vẻ đẹp thiên nhiên kết hợp hài hòa, tạo nên một điểm đến du lịch bền vững ngày càng được chú ý.

Ảnh: Booking.com.
Thành phố thúc đẩy du lịch xanh với các sáng kiến như tour đi thuyền thân thiện với môi trường, homestay cộng đồng, du lịch trải nghiệm và các lễ hội văn hóa theo mùa, như Lễ hội Hoa Sưa hằng năm tại làng Hương Trà.
Những cánh đồng lau sậy bạt ngàn, những đầm sen hồng rực rỡ và hình ảnh người dân chài thả lưới truyền thống đã vẽ nên bức tranh đời sống thường nhật thi vị nơi đây.
Ngoài ra, UNESCO và các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao tiềm năng du lịch cộng đồng tại đây và cam kết hỗ trợ tiếp tục phát triển, bảo tồn văn hóa ba-trào, bài-chòi, tổ chức các khóa đào tạo làm quà lưu niệm và giao tiếp tiếng Anh.
Châu Đốc, An Giang
Châu Đốc (An Giang) là điểm đến đặc trưng cho sự giao thoa văn hóa giữa các cộng đồng Kinh, Chăm, Khmer và Hoa, nổi bật với đời sống sông nước, các làng bè nuôi cá, chợ nổi và những điểm đến tâm linh như núi Sam và miếu Bà Chúa Xứ – nơi đón hàng triệu lượt khách hành hương mỗi năm.

Ảnh: Booking.com.
Tại hai cù lao Châu Phong và Châu Giang, cộng đồng người Chăm vẫn giữ gìn và phát huy nghề dệt truyền thống đã tồn tại hàng thế kỷ và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2023.
Nhiều hộ gia đình mở cửa đón khách tham quan quy trình dệt, tìm hiểu đời sống tín ngưỡng tại các thánh đường Hồi giáo như Mubarak và trải nghiệm ẩm thực Chăm bản địa.
Với những du khách quan tâm đến môi trường, rừng tràm Trà Sư, khu rừng ngập nước được bảo tồn nằm cách trung tâm không xa sẽ mang đến trải nghiệm độc đáo khi du ngoạn giữa thảm thực vật xanh mát, bèo tấm, tràm cổ thụ và những hồ sen đang mùa nở rộ.
Theo báo cáo Du lịch và Phát triển bền vững 2025 của Booking.com, có tới 99% du khách Việt Nam mong muốn đưa ra những lựa chọn du lịch bền vững. Những con số trên cho thấy du lịch bền vững giờ đây không còn là xu hướng, mà đã trở thành ưu tiên với phần lớn du khách.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/check-in-co-trach-nhiem-lan-song-du-lich-ben-vung-post892390.html