Ra mắt vaccine Covid-19 và Taliban trỗi dậy lọt top sự kiện thế giới đáng chú ý xuyên suốt năm 2021
Thời điểm kết thúc năm 2021 đang đến gần và các chuyên gia của Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR) đã điểm qua một số sự kiện thế giới đáng chú ý trong năm 2021.
Vaccine Covid-19 xuất hiện, song hành với quá trình virus đột biến
Tốc độ phát triển vaccine Covid-19 rất đáng kinh ngạc. Trong lịch sử, vaccine đã mất từ 10-15 năm để phát triển. Thời gian nhanh nhất mà bất kỳ loại vaccine nào đã được phát triển trước đây là bốn năm để tạo ra vaccine quai bị. Vaccine COVID-19 được tạo ra trong vòng chưa đầy một năm và đã cho thấy sự hiệu quả đáng kể.
Tuy nhiên, tốc độ phát sinh biến thể cũng nhanh không kém. Sau biến thể Delta, được xác định lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2020 tại Ấn Độ, sự xuất hiện của biến thể Omicron tại Nam Phi đang kéo theo nhiều lo ngại.
Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ
"Nước Mỹ đã trở lại" – lập trường được ông Joe Biden nhiều lần đưa ra trong năm 2021. Ông đưa Mỹ quay trở lại Hiệp định Khí hậu Paris và Tổ chức Y tế Thế giới, gia hạn hiệp ước New START thêm 5 năm, tìm cách phục hồi thỏa thuận hạt nhân Iran và chấm dứt hỗ trợ của Mỹ cho các hoạt động quân sự ở Yemen. Tuy nhiên, về các vấn đề quan trọng như Trung Quốc và thương mại, các chính sách của Biden khác với chính sách của người tiền nhiệm về mức độ hơn là về bản chất. Ông Biden cũng khiến nhiều đồng minh, đặc biệt là ở châu Âu, cảnh giác với thiên hướng hành động đơn phương, đặc biệt là sau vụ hủy bỏ đường ống dẫn dầu Keystone XL, rút quân khỏi Afghanistan, ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và lập ra AUKUS mà không cần tham vấn ý kiến với các đối tác quan trọng.
Nội chiến Ethiopia trầm trọng hơn
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã được trao giải Nobel Hòa bình 2019 vì đã trở thành trung gian hòa giải cho quan hệ hòa bình với nước láng giềng Eritrea. Chưa đầy hai năm sau, Ethiopia bị cuốn vào một cuộc nội chiến gay gắt. Lý do cho cuộc giao tranh là vào tháng 11 năm 2020, khi Abiy ra lệnh cho quân đội Ethiopia tấn công tỉnh Tigray ở phía bắc để đáp trả hành động cướp phá của các lực lượng liên kết với nhóm Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF). Các lực lượng liên bang đã giành được những chiến thắng ban đầu quan trọng nhưng tình thế sau đó sớm thay đổi. Vào tháng 6 năm 2021, lực lượng TPLF tái chiếm Mekelle, thủ phủ Tigray. Đến tháng 11, TPLF và các lực lượng liên kết tiến về phía nam tới Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia và về phía đông về phía Djibouti, đe dọa cắt đứt tuyến đường cung cấp 95% hàng hải nhập khẩu cho Ethiopia. Thành công của TPLF làm dấy lên viễn cảnh rằng Ethiopia có thể sụp đổ. Các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt giao tranh cho đến nay chưa có hiệu quả.
Taliban trở lại nắm quyền
Cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan đã kết thúc giống như hai mươi năm trước: để Taliban lên nắm quyền. Vào năm 2020, Tổng thống Donald Trump đã đạt được một thỏa thuận với Taliban rút toàn bộ quân đội Mỹ trước ngày 1 tháng 5 năm 2021.
Hai tuần trước thời hạn đó, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh rằng việc rút quân hoàn toàn của Mỹ phải được kết thúc muộn nhất là ngày 11 tháng 9 năm 2021— kỷ niệm hai mươi năm vụ tấn công 11/9. Khi cuộc rút quân được tiến hành, quân đội quốc gia Afghanistan sụp đổ và Taliban lên nắm quyền.
Chuỗi cung ứng gián đoạn
Chuỗi cung ứng đã trở thành một thuật ngữ đáng chú ý vào năm 2021. Tình trạng thiếu hụt và ngừng trệ trong hệ thống cung ứng tạo ra tình trạng thiếu hụt và ngừng trệ tại thị trường nội địa. Khi đại dịch bắt đầu xảy đến, các nhà máy đóng cửa và nhiều công ty xả hàng để tránh bị kẹt hàng. Nhưng khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng mạnh vào năm 2021 sau khi được tiêm vaccine, nhiều công ty thiếu trầm trọng nguyên liệu và nguồn hàng. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 gây ra đã góp phần làm tăng lạm phát trên toàn thế giới và có thể tiếp tục kéo dài trong nhiều năm.
Vấn đề hạt nhân Iran
Năm 2021 bắt đầu với sự lạc quan rằng thỏa thuận hạt nhân Iran có thể được hồi sinh khi ông Joe Biden nhậm chức. Vào tháng 2, chính quyền Biden đã chấp nhận lời mời từ Liên minh Châu Âu để tham gia lại các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, một vụ nổ tại một cơ sở hạt nhân của Iran vào giữa tháng 4, có thể là kết quả của sự phá hoại của Israel, khiến Iran tuyên bố họ bắt đầu làm giàu uranium lên 60%, mức không được sử dụng cho mục đích dân sự mặc dù dưới ngưỡng cần thiết cho một loại vũ khí. Năm vòng đàm phán nữa đã diễn ra trước cuộc bầu cử tổng thống của Iran vào tháng 6, khi người theo đường lối cứng rắn Ebrahim Raisi đã giành chiến thắng. Các cuộc đàm phán tiếp theo được nối lại vào cuối tháng 11 nhưng đang trên bờ vực đổ vỡ. Có nhiều đồn đoán rằng Iran chỉ còn một tháng nữa là sở hữu uranium được làm giàu ở cấp độ vũ khí và chính quyền Biden đối mặt với câu hỏi phải làm gì nếu ngoại giao thất bại.
Khủng hoảng di cư là phép thử đối với các quốc gia giàu
Sự suy giảm của dòng chảy di cư quốc tế vào năm 2020 do Covid-19 vẫn tiếp tục cho đến năm 2021. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cuộc khủng hoảng di cư đang đi đến hồi kết. Liên minh châu Âu ghi nhận sự gia tăng 70% về số lượng người nhập cảnh bất hợp pháp so với năm 2020. Sự gia tăng người di cư băng qua eo biển Manche từ Pháp sang Anh đã gây ra xung đột ngoại giao giữa Paris và London. Trong khi đó, Belarus khuyến khích người di cư băng qua lãnh thổ của mình để vào Latvia, Lithuania và Những vấn đề này khó có thể giảm bớt trong những năm tới. Khoảng 84 triệu người trên khắp thế giới đã bị buộc phải di dời khỏi nhà của họ. Xung đột, suy thoái kinh tế và biến đổi khí hậu có khả năng đẩy con số đó lên cao hơn.
Ra mắt Thỏa thuận AUKUS
Vào ngày 15/9, Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cùng công bố quan hệ đối tác an ninh ba bên mới mang tên AUKUS. Phần quan trọng nhất của thỏa thuận là Mỹ cam kết cung cấp cho Australia công nghệ để đóng 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (nhưng không trang bị vũ khí hạt nhân). Thỏa thuận này được nhiều người coi là phản ứng trước sự cứng rắn ngày càng tăng của Trung Quốc.