Ngày 30/10, ông Nguyễn Văn Chính - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, Trưởng Ban chỉ đạo tháo dỡ vây lưới lấn chiếm trên đầm phá, cho biết, lực lượng chức năng của huyện vừa ra quân tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ, nhằm lập lại trật tự nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên vùng đầm phá thuộc địa phận xã Vinh Hà, huyện Phú Vang.
Theo UBND xã Vinh Hà, vùng mặt nước đầm phá thuộc địa bàn xã có 266 hộ dân chuyên nuôi, đánh bắt thủy sản theo hình thức vây lưới, với 285 trộ nò sáo, trên diện tích khoảng 419 ha. Trong đó, xã Vinh Hà có 214 hộ, các xã của huyện Phú Lộc có 52 hộ.
Tình trạng các hộ gia đình vây lưới làm trộ sáo nuôi, khai thác thủy sản đã làm vùng thủy vực đầm phá suy giảm nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến dòng chảy, ách tắc luồng lạch giao thông và môi trường sống tự nhiên của các loài thủy sinh.
Phần lớn diện tích vây lưới đều mang tính tự phát, lấn chiếm, làm mật độ trộ sáo trở nên dày đặc, không chỉ phá vỡ tính bền vững trong khai thác thủy sản đầm phá, mà còn ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp và các mối quan hệ vùng ven bờ, đặc biệt gây nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng đối với các loài thủy sinh.
Trước thực trạng đó, để từng bước “giải vây” mặt nước đầm phá, mới đây, UBND huyện Phú Vang, UBND xã Vinh Hà và các cơ quan chức năng của huyện đã trực tiếp xử lý các trường hợp vi phạm và vận động ngư dân dừng khai thác thủy sản theo hình thức vây lưới tự phát.
Qua nhiều đợt vận động, tuyên truyền, cao điểm từ tháng 7/2023 đến nay, nhiều người dân đã đồng tình hưởng ứng chủ trương tháo dỡ, giải tỏa lưới vây, trộ sáo tự phát, sắp xếp lại nò sáo đánh bắt thủy sản theo đúng quy định trên đầm phá. Anh Trần Văn Quy (ngư dân xã Vinh Hà) cho biết: Gia đình làm nghề cá trên đầm phá từ nhiều năm nay theo hình thức vây lưới chắn sáo và đánh bắt tự nhiên. Nay có chủ trương của huyện và xã về giải tỏa, tháo dỡ nò sáo bố trí không đúng quy định, gia đình tự nguyện chấp hành.
Đến ngày 30/10, riêng tại xã Vinh Hà đã vận động hơn 180 hộ dân ký cam kết tự nguyện tháo dỡ nò sáo tự phát để từng bước giải phóng diện tích mặt nước bị chiếm dụng, vây nuôi trái quy định trên đầm phá.
“Sau khi giải tỏa lưới vây, giải phóng mặt nước đầm phá, chính quyền địa phương sẽ tiến hành kiểm tra thường xuyên mỗi tuần nhằm phát hiện kịp thời và cương quyết xử lý cưỡng chế, tháo dỡ trộ sáo của những ngư dân tái vi phạm”, ông Nguyễn Văn Chính cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Chính, UBND huyện Phú Vang đã có phương án sắp xếp, quản lý các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản trên vùng đầm phá toàn huyện, nhằm bảo vệ hệ sinh thái, khơi thông luồng lạch, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, trả lại môi trường phát triển thủy sản tự nhiên, bảo vệ tài nguyên môi trường theo hướng bền vững, hiệu quả.
Ngọc Văn