Rà soát bất cập trong chính sách nhà ở xã hội để có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, rất băn khoăn khi hiện nay đang thiếu nhà ở xã hội dành cho đúng đối tượng được mua; trong khi đó, nhiều trường hợp nhà ở xã hội lại đến tay đối tượng khác.
Đại biểu đề nghị cần rà soát hành lang pháp lý làm sao cho thực sự chặt chẽ, xem chế tài đã đủ mạnh hay chưa và công tác hậu kiểm như thế nào?
Khoanh vùng những nội dung trọng tâm để giám sát
Sau 23 ngày làm việc, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã ghi dấu ấn với không khí làm việc rất sôi nổi, dân chủ và đoàn kết trên tinh thần trách nhiệm cao nhất. Một trong những nội dung quan trọng được cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm, đó là tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội để thực hiện trong năm 2024 đối với “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Trao đổi bên lề kỳ họp xung quanh nội dung này, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An (Đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai) nhìn nhận: Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết Giám sát trên đã thể hiện Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ quan tâm đến sự phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân. Thông qua hoạt động giám sát sẽ là sự tư vấn, góp ý, điều chỉnh những nội dung còn chưa phù hợp cũng như phát hiện những vấn đề còn bất cập để có sự chỉ đạo kịp thời.
“Tôi cho rằng, trong việc thực hiện chuyên đề giám sát này, những vấn đề nào mà người dân, thị trường đang yêu cầu làm rõ, giải quyết thì cần được triển khai. Đặc biệt là việc cân đối trong các phân khúc, điều tiết thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội cho người dân; đồng thời tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đồng bộ, tránh tạo sự xung đột về bất động sản và điều tiết được nhà ở để phục vụ cho các tầng lớp nhân dân một cách phổ quát. Ngoài ra, việc thực hiện chuyên đề giám sát còn là phát hiện, xử lý những sai phạm liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và nhà ở”, Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An nói.
Để công tác giám sát chuyên đề trên thực sự hiệu quả, Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, Đoàn giám sát cần có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương, Bộ, ngành và từng đối tượng chịu sự tác động của sự giám sát để triển khai công việc. Trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, đề xuất của nhân dân với những vấn đề nổi cộm đang diễn ra, Đoàn giám sát nên khoanh vùng những nội dung trọng tâm để giám sát, tránh dàn trải.
“Trong quá trình giám sát, nếu thấy có những vấn đề, hoạt động nào bất cập thì cần đề nghị các địa phương, cơ quan chức năng làm rõ để có những giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả”, Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An bày tỏ quan điểm.
Thủ tục về chính sách nhà ở xã hội còn rườm rà, bất cập
Cũng bày tỏ băn khoăn về chính sách nhà ở xã hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận, nhà ở xã hội hiện nay đang thiếu nhưng cung chưa gặp cầu. Số lượng người dân đủ điều kiện đăng ký để mua được nhà ở xã hội với bên chủ đầu tư thì vẫn “chưa gặp được nhau”.
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga: Vấn đề trên là do vướng mắc liên quan đến thủ tục hiện nay vẫn còn rất rườm rà, tốn nhiều thời gian, cho nên khi triển khai được nhà ở xã hội thì riêng khâu thủ tục để tính giá đất, chúng ta giao đất không thu tiền sử dụng đất cho chủ đầu tư cũng rất lâu.
Nguyên nhân thứ hai, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, khi xây xong nhà ở xã hội, khâu xét duyệt liên quan đến rất nhiều các cơ quan khác nhau. “Tôi lấy ví dụ như Sở Xây dựng là đầu mối nhưng chúng ta lại phải rà soát xem đối tượng muốn mua nhà ở xã hội có phải là đối tượng có thuế thu nhập phát sinh hay không, vấn đề này lại liên quan đến cơ quan thuế. Thậm chí đối tượng là công nhân từ các địa phương khác đến thì khâu xét duyệt quá lâu. Chính vì vậy, về phía chủ đầu tư, họ cũng mất rất nhiều thời gian để thu hồi được vốn khi mà chưa bàn giao được nhà cho người lao động. Còn với người lao động là đối tượng được mua nhà ở xã hội, họ có nhu cầu rất cấp thiết về nhà ở nhưng quá trình phê duyệt hồ sơ quá lâu khiến cho cả hai bên cung - cầu đều chưa gặp nhau và cả hai bên đều có những khó khăn, vướng mắc”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Với những vấn đề nêu trên, Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, tính toán để đơn giản hóa hơn các thủ tục hành chính và khâu xét duyệt vẫn đảm bảo được sự chặt chẽ, chính xác về đối tượng; cần rà soát để sớm liên thông dữ liệu giữa các ngành để xét duyệt được nhanh hơn.
“Tôi tin chắc rằng nếu như chúng ta có một cuộc tổng điều tra với những căn nhà ở xã hội đã bàn giao bây giờ thì số lượng người ở không đúng đối tượng rất nhiều. Thậm chí tôi biết rằng có những khu nhà ở xã hội mà chưa hoàn thiện, chưa bàn giao hết nhưng đã có rao bán rất nhiều ở trên các trang mạng xã hội, và những đối tượng rao bán nhà ở xã hội thì hoàn toàn không phải là đối tượng được mua nhà ở xã hội.
Vấn đề này khiến tôi rất băn khoăn là công tác quản lý của chúng ta như thế nào khi chúng ta rất thiếu nhà ở xã hội dành cho những đối tượng được mua nhà ở xã hội nhưng với những đối tượng đấy, có khi nhà ở xã hội lại không đến tay họ mà những đối tượng mua lại là đối tượng khác. Tôi đề nghị cần rà soát hành lang pháp lý làm sao cho thực sự chặt chẽ, xem chế tài đã đủ mạnh hay chưa và công tác hậu kiểm như thế nào? Quy định về công tác xét duyệt hồ sơ đã có nhưng chúng ta tiến hành ra sao? Tôi cho rằng, đây là những vấn đề cần được xem xét tổng thể”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Làm rõ các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản
Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa công bố Nghị quyết số 95/2023/QH15 của Quốc hội về thành lập Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Đoàn Giám sát do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn.
Phạm vi giám sát của chuyên đề này là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ ngày 1/7/2015 đến hết ngày 31/12/2023 trên phạm vi cả nước. Đoàn giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát tại phiên họp tháng 9/2024, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8.
Nội dung giám sát là việc ban hành chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023; trong đó tập trung vào việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.
Đối với thị trường bất động sản: Làm rõ các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản; tình hình xử lý các sai phạm trong lĩnh vực bất động sản; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế xuất phát từ thể chế, quy định pháp luật và việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, nhà ở, đô thị, xây dựng, nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp…
Đối với phát triển nhà ở xã hội: Chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội; việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội; loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội; việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; quản lý, vận hành nhà ở xã hội.