Rà soát bố trí giáo viên dạy các môn học mới phù hợp

Đây là một trong những nhân tố quyết định thành công của việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Nhấn mạnh điều này tại cuộc làm việc với UBND TP. Hà Nội, các thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Hà Nội cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, quan tâm tới nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên; rà soát, đánh giá thực trạng để bố trí giáo viên dạy các môn học mới phù hợp.

Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của UBTVQH phát biểu tại cuộc làm việc với UBND TP. Hà Nội ngày 23.3.2023. Ảnh: Thanh Chi

Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó trưởng đoàn thường trực Đoàn giám sát của UBTVQH phát biểu tại cuộc làm việc với UBND TP. Hà Nội ngày 23.3.2023. Ảnh: Thanh Chi

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn, chủ trì làm việc với UBND TP. Hà Nội.

Nghiên cứu quy định tỷ lệ trường học, biên chế giáo viên theo tình hình dân cư

Theo Báo cáo của UBND TP. Hà Nội, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính hướng dẫn UBND quận, huyện, thị xã rà soát số liệu thống kê, báo cáo và đề xuất kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS tính từ năm 2020. Từ đó, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 2021 - 2026. Theo đó, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch thực hiện theo lộ trình; Sở Nội vụ tổng hợp, báo cáo UBND thành phố phê duyệt theo quy định.

UBND TP. Hà Nội cũng chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các kỳ tuyển dụng viên chức giáo viên đối với 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn; yêu cầu đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý tích cực tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng; tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn và bồi dưỡng chính trị hàng năm; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý và dạy học.

Báo cáo thêm tại cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, nhằm giải quyết tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị dạy học trên địa bàn, Ban Chấp hành Đảng bộ, HĐND thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch nhằm triển khai Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Khẳng định thêm quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc triển khai Chương trình, ông Đinh Tiến Dũng nêu rõ: “Tới đây, cần thiết thì chúng tôi sẽ ban hành Chỉ thị riêng của Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhằm tập trung giải quyết những tồn tại, hạn chế hiện nay trong lĩnh vực này”.

Trước tình trạng thiếu giáo viên trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, thành phố đang triển khai xây dựng cơ chế định mức, định giá dịch vụ giáo dục đào tạo và cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên. “Khi ra được giá rồi, chúng tôi sẽ chuyển những trường công lập hiện đang nhận kinh phí do ngân sách nhà nước cấp sang cơ chế đặt hàng, từ cơ chế đặt hàng chuyển sang cơ chế tự chủ… Để cùng với đó, vấn đề thiếu giáo viên do giảm biên chế hưởng lương ngân sách Nhà nước cũng sẽ được giải quyết”, ông Đinh Tiến Dũng cho biết.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng kiến nghị, với đặc thù của thành phố là quy mô dân số lớn, đặc điểm dân số tự nhiên tăng nhanh, cần nghiên cứu quy định tỷ lệ trường học, biên chế giáo viên theo tình hình dân cư thay vì theo đơn vị hành chính như hiện này. Mặt khác, cần tăng cường ứng dụng phương thức dạy và học trực tuyến nhằm góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.

Rà soát, đánh giá thực trạng để bố trí giáo viên dạy các môn học mới phù hợp

Đội ngũ giáo viên là nhân tố rất quan trọng quyết định hiệu quả thực hiện Chương trình. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng nêu rõ, Báo cáo của UBND TP. Hà Nội đã nêu được số lượng giáo viên chung của các cấp học, nhưng chưa phản ánh được cơ cấu giáo viên theo môn học và theo độ tuổi. Mặc dù lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo rà soát, giao chỉ tiêu, thực hiện tốt việc tuyển dụng, sắp xếp đội ngũ giáo viên để thực hiện Chương trình, song qua thực tế giám sát và làm việc với các cơ sở giáo dục trên địa bàn, Đoàn giám sát thấy rằng, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt là thiếu giáo viên ở nhiều môn học mới, môn học tích hợp gây khó khăn cho cơ sở giáo dục và gây áp lực lên đội ngũ giáo viên, phần nào làm ảnh hưởng tới chất lượng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Qua giám sát cũng cho thấy, có huyện trên địa bàn, tỷ lệ giáo viên tiểu học đạt trình độ chuẩn đào tạo của thành phố thấp so với mức bình quân chung của cả nước. Nêu vấn đề này, thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị, báo cáo cần bổ sung số liệu cụ thể hơn về cơ cấu giáo viên theo môn học, cấp học, độ tuổi; cung cấp thêm thông tin cụ thể hơn về tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở các môn học mới, môn học tích hợp.

Quan tâm đến việc thành phố đang triển khai giải pháp đặt hàng đào tạo giáo viên nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa cũng đặt câu hỏi, chính quyền thành phố có chính sách tuyển dụng như thế nào đối với lực lượng giáo viên được đào tạo theo đơn đặt hàng trong thời gian tới? Bởi lẽ, trong những năm tới, những giáo viên được đào tạo theo đơn đặt hàng sẽ tốt nghiệp, ra trường nhưng nếu thành phố không có chính sách tuyển thẳng những giáo viên này mà vẫn tuyển dụng thông qua các kỳ thi công chức, viên chức thì vẫn có khả năng những giáo viên này không được tuyển dụng.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, UBND TP. Hà Nội tiếp thu tối đa các ý kiến, vấn đề được các thành viên Đoàn giám sát nêu và hoàn thiện báo cáo bổ sung gửi Đoàn giám sát trong thời gian sớm nhất. UBND thành phố cần quan tâm chỉ đạo rà soát, đánh giá quy hoạch cơ sở giáo dục trên địa bàn để xem xét, điều chỉnh từng bước đáp ứng nhu cầu người học; tăng cường đầu tư, phát triển các cơ sở giáo dục công lập, khuyến khích phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế. Nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Hà Nội cần tiếp tục tập trung chỉ đạo, quan tâm tới nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên; rà soát, đánh giá thực trạng để bố trí giáo viên dạy các môn học mới phù hợp. Cần phát huy sự chủ động của cơ sở giáo dục và nhà giáo trong xây dựng kế hoạch dạy học, đổi mới phương pháp giáo dục và đánh giá chất lượng giáo dục để đạt được mục tiêu đề ra.

Ngọc Khánh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/ra-soat-bo-tri-giao-vien-day-cac-mon-hoc-moi-phu-hop-i324100/