Rà soát, có giải pháp phù hợp cho Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ chiều nay, 27.10, ĐBQH các tỉnh Hà Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai cho rằng: Cần rà soát, có giải pháp phù hợp, đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi, hiệu quả của việc điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 6 (Hà Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai)

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 6 (Hà Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai)

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều nhất trí với việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo đại biểu Phạm Thúy Chinh (Hà Giang): Việc điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện Dự án đến năm 2024 là cần thiết, song đề nghị Chính phủ cần rà soát lại nội dung kéo dài thời gian giải ngân vốn để đề xuất phương án xử lý phù hợp, đúng quy định Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước. Trường hợp Dự án cần bố trí nguồn vốn để tiếp tục triển khai thực hiện thì đề nghị Chính phủ lập và trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương hằng năm để bố trí vốn cho Dự án.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) phát biểu

Đại biểu Quốc hội Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) phát biểu

Cho ý kiến vào nội dung này, một số đại biểu đề nghị đánh giá việc điều chỉnh về thời gian chuẩn bị và thực hiện Dự án “đến hết năm 2024” thay vì hoàn thành trước năm 2021 có ảnh hưởng như thế nào đến thời gian và lộ trình thực hiện giai đoạn 1 của Dự án được nêu tại khoản 6 của Nghị quyết số 94/2015/QH13.

Liên quan Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành nghị quyết này, nhằm bảo đảm thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực, nhất là các nguồn lực ngoài nhà nước.

Về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm tại Điều 3, dự thảo Nghị quyết, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) cho rằng: Trong dự thảo Nghị quyết quy định 4 tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm với 4 nhóm chính sách. Tuy nhiên, tờ trình của Chính phủ chưa đề cập nhiều đến một số yếu tố khách quan có tác động lớn đến việc đầu tư xây dựng các dự án như, các tác động của địa chất, địa hình, thiên tai; công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng, nhất là hiện nay Quốc hội đang xem xét, sửa đổi Luật Đất đai. Do đó, cần xem xét bổ sung tiêu chí về phương án thu hồi đất bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dự án và yêu cầu phải có đánh giá về thuận lợi khó khăn nhất là yếu tố ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng. Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm thực hiện trong công tác này của cơ quan được giao chủ quản thực hiện đầu tư dự án và địa phương không được giao chủ quản dự án.

Nhất trí với nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn cơ quan chủ quản đầu tư tại Điểm c, Khoản 2 Điều 6 Dự thảo nghị quyết, song đại biểu Tráng A Dương đề nghị cần làm rõ hơn việc dùng ngân sách địa phương này bố trí cho địa phương khác. Đại biểu đặt câu hỏi về nội dung này đây có phải là quy định bắt buộc thực hiện hay không bắt buộc; phạm vi hỗ trợ chỉ trong các hạng mục công trình giáp ranh giữa các địa phương hay theo toàn bộ dự án. Đại biểu cho rằng, chỉ nên thí điểm hỗ trợ trong các hạng mục công trình giáp ranh giữa các địa phương như: Cầu, hầm và tính theo chi phí xây lắp, thiết kế không bao gồm chi phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng do mỗi địa phương tự chịu trách nhiệm thực hiện.

Đối với nội dung cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sảm làm vật liệu xây dựng thông thường được quy định tại Điều 7 của Dự thảo nghị quyết, đại biểu Tráng A Dương đề nghị cần có quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý, giám sát, cơ quan chủ quản đầu tư hay chính quyền địa phương nơi có mỏ khai thác khoáng sản nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ, tránh tiêu cực, trục lợi, thất thoát, lãng phí.

Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) phát biểu

Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) phát biểu

Đồng quan điểm trên, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đề nghị: tại Điều 7 cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để có các giải pháp phù hợp hơn nữa nhằm bảo đảm tiến độ cho các dự án. Dẫn chứng cụ thể, đại biểu cho biết: Hiện Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188km đã khởi công, nhưng nhiều tháng qua máy móc vẫn nằm chờ do thiếu cát để thi công. Trước mắt để khắc phục tình trạng này, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng cùng UBND các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long để xác định trữ lượng các mỏ vật liệu thông thường. Từ đó, điều tiết cho các phương khan hiếm hoặc không có nguồn vật liệu để các tỉnh làm cơ sở tính toán lập dự toán xây dựng và triển khai dự án…

TRỌNG HIẾU

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/ra-soat-co-giai-phap-phu-hop-cho-du-an-thu-hoi-dat-boi-thuong-ho-tro-tai-dinh-cu-cang-hang-khong-quoc-te-long-thanh-i347877/