Rà soát để tách bạch rõ hơn quy định về vận tải đường bộ

Để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, tiếp tục rà soát để tách bạch rõ hơn nữa các nội dung liên quan đến vận tải đường bộ được điều chỉnh trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật Đường bộ để điều chỉnh cho phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu điều hành phiên họp sáng 10.11

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu điều hành phiên họp sáng 10.11

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Sáu, sáng 10.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Sẽ không phải mang theo giấy phép lái xe nếu đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử

Tờ trình dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày.

Theo đó, dự thảo Luật gồm 9 chương, 81 điều, quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm: Quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Về phương tiện giao thông đường bộ, Bộ trưởng cho biết, tại dự thảo Luật có 16 điều, từ Điều 33 đến Điều 48 quy định về: điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ; cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký và biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ... Đồng thời, quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong: vận chuyển hàng hóa bằng xe ô tô; vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng...; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô tô đưa đón học sinh, xe quá khổ giới hạn của đường bộ...

Về quy định đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định mới phù hợp với xu hướng, tiến trình chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân, theo đó, đối với một trong các giấy tờ: giấy phép lái xe, chứng nhận đăng ký xe, chứng nhận kiểm định, chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, trong trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định thì không phải mang theo.

Dự thảo Luật không phân chia chi tiết các hạng giấy phép lái xe như Luật Giao thông đường bộ 2008, chỉ quy định nguyên tắc phân hạng giấy phép lái xe để bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp có sự thay đổi của các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Đồng thời, chuyển một số điều luật trong chương vận tải đường bộ liên quan đến bảo đảm trật tự, an toàn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông từ dự thảo Luật Đường bộ sang dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật.

Ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là cần thiết

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, sau 15 năm thực hiện cho thấy, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này.

Hơn nữa, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 điều chỉnh cả lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và lĩnh vực trật tư an toàn giao thông đường bộ, nên không bao quát hết các nội dung về lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ, dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước, phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Việc ban hành Luật này là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 23-CT/TW của Ban Bí thư và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, Chính phủ đã chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 7.2023 và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nêu rõ, dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ điều chỉnh về các vấn đề liên quan đến quy tắc giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; còn Luật Đường bộ điều chỉnh về các vấn đề quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và vận tải đường bộ.

Đối với lĩnh vực vận tải đường bộ, Luật này chỉ điều chỉnh đối với một số hoạt động liên quan đến trật tự an toàn giao thông trong hoạt động vận tải đường bộ, như quy định về nguyên tắc, điều kiện an toàn đối với người lái xe và phương tiện vận tải là phù hợp; còn Luật Đường bộ quy định các nội dung liên quan đến yếu tố kỹ thuật của vận tải đường bộ.

Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, tiếp tục rà soát để tách bạch rõ hơn nữa các nội dung liên quan đến vận tải đường bộ được điều chỉnh trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật Đường bộ để điều chỉnh cho phù hợp.

Các đại biểu dự phiên họp

Các đại biểu dự phiên họp

Về phương tiện giao thông đường bộ, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị, cân nhắc quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện “có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định” vì cho rằng việc áp dụng đối với mọi loại phương tiện giao thông cơ giới là rộng và khó bảo đảm tính khả thi.

Một số ý kiến cho rằng, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, tuy thời gian thực hiện thí điểm chưa nhiều, nhưng bước đầu đã chứng minh được tính hiệu quả, tính khả thi của chính sách mới này. Do đó, đề nghị sớm được quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp.

Một số ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung các quy định về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm tại Điều 42; sử dụng xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích để vận chuyển hàng hóa trên đường bộ tại điểm a khoản 3 Điều 47; quy định cụ thể về niên hạn sử dụng xe cơ giới theo nguyên tắc tính về thời gian sử dụng hoặc đến số lượng km nhất định (Điều 37)...

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/ra-soat-de-tach-bach-ro-hon-quy-dinh-ve-van-tai-duong-bo-i349522/