Rà soát mức độ sẵn sàng thực hiện quy định về chống phá rừng của ngành cà phê và gỗ ở Việt Nam
Ngày 30/7, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức Hội thảo rà soát mức độ sẵn sàng thực hiện quy định về chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) cho ngành cà phê và gỗ ở Việt Nam.
Hội thảo nhằm cập nhật những thông tin mới nhất về EUDR và thảo luận về kết quả rà soát, đánh giá mức độ sẵn sàng thực hiện EUDR được tiến hành ở cả cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Quy định EUDR có hiệu lực vào ngày 29/6/2023, đã quy định các sản phẩm được đưa vào hoặc xuất khẩu từ thị trường châu Âu phải truy xuất được nguồn gốc, không phá rừng và được sản xuất hợp pháp. Các doanh nghiệp lớn nhập khẩu các mặt hàng này vào châu Âu phải tuân thủ EUDR từ ngày 30/12/2024, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải tuân thủ từ ngày 30/6/2025.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các bên liên quan tại Việt Nam đã chủ động thích ứng với EUDR thông qua xây dựng và ban hành Khung Kế hoạch Hành động nhằm tuân thủ quy định này. Khung hành động này cung cấp hướng dẫn toàn diện cho các tổ chức cấp quốc gia và cấp tỉnh, đảm bảo các hành động thiết thực được thực hiện để hỗ trợ các quy trình thẩm định.
Ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, cho biết: Thứ nhất, Việt Nam cần thiết lập các giao thức rõ ràng về cách Chính phủ sẽ chia sẻ dữ liệu và bản đồ với các bên, bao gồm các nền tảng sẽ được sử dụng và các loại dữ liệu có thể được chia sẻ. Thứ hai, Việt Nam cần phát triển các phương pháp phân tích định nghĩa rừng, không mất rừng và phân tích rủi ro. Thứ ba, việc phân tích tính hợp pháp cũng quan trọng không kém. Cuối cùng phải tập trung vào việc hỗ trợ các hộ dân đang đối mặt với nhiều thách thức. Cung cấp cho các hộ dân nguồn lực và kiến thức cần thiết để tuân thủ các tiêu chuẩn EUDR mà không ảnh hưởng quá mức đến sinh kế của họ.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho rằng, ngành gỗ và cà phê cùng với cao su là 3 ngành hàng của Việt Nam bị tác động lớn nhất bởi quy định của EUDR. Để thực thi EUDR tại Việt Nam, ngoài các quy định chính sách về đất đai, về phát triển nông, lâm nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu đòi hỏi năng lực quản lý và cách tiếp cận liên ngành và đồng bộ của các cơ quan quản lý, các bên liên quan cũng như sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng và các nông hộ, cộng đồng.
Ngày 12/6/2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1235 thành lập nhóm công tác chung thích ứng EUDR, bao gồm tất cả các ngành nghề liên quan, đồng thời giao Cục Lâm nghiệp chủ trì thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến gỗ và bản đồ ranh giới rừng.
Trong quy định của EUDR, 7 nhóm mặt hàng bị ảnh hưởng nhưng tại Việt Nam chủ yếu có 3, gồm gỗ và sản phẩm gỗ, cao su và cà phê. Các sản phẩm được sản xuất thuộc nhóm ngành hàng này phải tuân thủ 3 điều kiện: không gây mất rừng so với hiện trạng ở thời điểm 31/12/2020, chứng minh được pháp lý của việc sản xuất theo quy định của nước nhập khẩu, đồng thời có báo cáo giám định về tính hợp pháp này. Tính hợp pháp cần được chứng minh trong toàn chuỗi, từ khâu nguyên liệu, chế biến đến xuất khẩu.
Có 4 yêu cầu cơ bản mà doanh nghiệp phải tuân thủ theo EUDR, gồm có vị trí tọa độ thửa đất canh tác, có bản đồ ranh giới rừng tại thời điểm 31/12/2020 và thời điểm đánh giá (rừng định nghĩa theo FAO), kiểm tra dữ liệu bằng ảnh vệ tinh đa thời gian (không gian) và truy xuất sản phẩm hàng hóa đến vị trí địa lý lô canh tác (thông tin gồm chủ sản xuất, năng suất, sản lượng, chủng loại sản phẩm…).
Với vai trò là nền tảng để đánh giá EUDR cho các ngành hàng, lĩnh vực lâm nghiệp đã cung cấp thông tin đầu vào để EU phân loại quốc gia theo rủi ro thông qua kết quả quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, cũng như thực hiện các cam kết quốc tế về rừng (FCPF, LEAF/Emergent), Tuyên bố Glasgow, VPA/FLEGT…Đồng thời, lĩnh vực lâm nghiệp cam kết cung cấp cơ sở dữ liệu về ranh giới rừng để phục vụ truy xuất nguồn gốc.