Rà soát, sửa đổi Luật Hóa chất 2007: Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý và tạo môi trường đầu tư, sản xuất sản phẩm hóa chất thuận lợi hơn, trong năm 2021, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) sẽ lấy ý kiến đóng góp, đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Hóa chất 2007 và các văn bản dưới Luật.

Sau gần 13 năm thi hành, Luật Hóa chất 2007 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008) đã góp phần quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động hóa chất. Tuy nhiên, Luật Hóa chất cũng bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi của công tác quản lý nhà nước. Vì vậy, để phát huy vai trò của ngành công nghiệp nền tảng, đáp ứng được đòi hỏi của công tác quản lý nhà nước trong tình hình hiện nay, việc rà soát và sửa đổi Luật Hóa chất 2007 là hết sức cần thiết.

Theo Cục Hóa chất, thời gian qua, ngành hóa chất đã phát triển nhanh chóng và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ phát triển trung bình của ngành hóa chất là 12% (giai đoạn 1990 – 2010), 10% (giai đoạn 2010-2020). Ngành hóa chất và chuỗi cung ứng trực tiếp liên quan đóng góp khoảng 11,2% giá trị sản lượng công nghiệp quốc gia và tạo việc làm cho khoảng 10% lực lượng lao động của toàn ngành công nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thanh – Cục trưởng Cục Hóa chất - cho biết, Luật Hóa chất 2007 đã góp phần quan trọng, tạo khung khổ pháp lý cho hoạt động hóa chất. So với các quốc gia trong ASEAN, hệ thống pháp luật quản lý hóa chất của Việt Nam tương đối hoàn chỉnh, bài bản, trong đó Bộ luật về hóa chất rất tiến bộ. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của ngành hóa chất đã khiến chính sách bộc lộ những hạn chế. Cùng với quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng, các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm chưa đầy đủ; nhận thức yếu kém của nhiều tổ chức, cá nhân về rủi ro đối với sức khỏe và môi trường của hóa chất, đã dẫn đến việc Việt Nam phải đối diện với sự gia tăng đáng kể về ô nhiễm môi trường, cũng như nguy cơ về tràn đổ và rò rỉ liên quan đến hóa chất...

Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất

Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất

Bên cạnh đó, thông tin về quản lý hóa chất còn yếu kém cũng là một yếu tố cần phải sớm được cải thiện trong Luật Hóa chất.

Trước những vấn đề đang đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất, cụ thể là những quy định của Luật Hóa chất 2007 chưa sát và phù hợp với thực tế. Vì thế, tới đây, các cơ chế, chính sách phải thể hiện rõ mục tiêu xây dựng nền công nghiệp hóa chất thân thiện hơn với môi trường, thu hút được nhà đầu tư lớn, nhưng đồng thời phải theo hướng bền vững, tránh rủi ro.

Cục Hóa chất đang rà soát lại phân công, phân cấp giữa các bộ, ngành ở trung ương với các cơ quan địa phương trong việc quản lý hóa chất theo thể chế phù hợp, hiệu lực, hiệu quả và tránh chồng chéo; giảm thiểu thủ tục hành chính với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu khi tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), với vai trò là sản phẩm trung gian cho các ngành công nghiệp, việc thu hút nhà đầu tư lớn nước ngoài rất quan trọng. Tuy nhiên, để thu hút được vốn FDI vào ngành hóa chất, cần có chính sách phù hợp, trong đó quan trọng nhất Luật Hóa chất phải mang tính định hướng, dẫn dắt.

Cục Hóa chất sẽ tiếp tục đánh giá, rà soát Luật Hóa chất 2007, tiếp thu, đẩy nhanh việc sửa đổi Luật và các văn bản dưới Luật phù hợp bối cảnh của Việt Nam, cũng như thông lệ, xu hướng quốc tế.

Anh Việt

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ra-soat-sua-doi-luat-hoa-chat-2007-dap-ung-yeu-cau-thuc-tien-153231.html