Rà soát thu nợ thuế, quy trách nhiệm người đứng đầu
Mặc dù nợ thuế đã giảm 4% so với cùng kỳ năm 2018 nhưng so với thời điểm cuối năm ngoái, nợ thuế vẫn tăng. 'Lãnh đạo Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục trưởng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu theo dõi sát sao tình hình nợ thuế của đơn vị để báo cáo', ông Đoàn Xuân Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) nói.
Báo cáo mới đây của Tổng cục Thuế cho hay: Tổng số tiền nợ thuế đến cuối tháng 8 năm 2019 là 82.770 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 43.659 tỷ đồng (chiếm 52,7% tổng số tiền thuế nợ); tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) là 39.111 tỷ đồng, chiếm 47,3% tổng số tiền nợ thuế.
Tính đến ngày 31/8, toàn hệ thống đã thu hồi được 22.117 tỷ đồng, trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ là 14.153 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 7.964 tỷ đồng. Kết quả trên đến nay đã góp phần làm giảm số tiền nợ thuế được 4% so với cùng kỳ năm 2018 nhưng so với thời điểm cuối năm 2018, nợ thuế vẫn tăng.
Theo ông Đoàn Xuân Toản, nguyên nhân là một số người nộp thuế trong quá trình sản xuất kinh doanh đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự giải thể, phá sản, bỏ địa chỉ kinh doanh…và bị tính thêm tiền phạt, tiền chậm nộp thuế 0,03%/ngày dẫn đến làm tăng số nợ thuế không còn khả năng thu hồi. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, không có đơn hàng, nguồn vốn mỏng, chủ yếu là vốn vay ngân hàng, lựa chọn ngành nghề không phù hợp với nhu cầu thị trường dẫn đến thua lỗ, mất khả năng thanh toán, không có khả năng để nộp thuế.
Tuy nhiên cũng có những nguyên nhân chủ quan là do một số người nộp thuế cố tình chây ỳ nợ thuế, chiếm dụng tiền thuế; các khoản nợ tiền sử dụng đất và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các dự án gặp vướng mắc kéo dài cũng dẫn đến số nợ thuế tăng
Để giảm nợ thuế, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cục trưởng các cục thuế, các chi cục trưởng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, không để nợ mới phát sinh.
Để tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, đảm bảo số nợ thuế dưới 5% tổng thu ngân sách, Bộ Tài chính đã có Chỉ thị số 04 chỉ đạo cơ quan thuế các cấp và gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp, tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi để giảm nợ thuế.
“Tổng cục Thuế đã thành lập đoàn công tác, tiến hành kiểm tra công tác quản lý nợ tại các đơn vị có số tiền nợ thuế lớn. Qua đó, đoàn rà soát tình hình nợ thực tế và tham mưu lãnh đạo Tổng cục Thuế có văn bản chỉ đạo các cục thuế phải đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định của pháp luật. Không chỉ giao nhiệm vụ cho các cục trưởng, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu lãnh đạo các cục thuế giao nhiệm vụ cho các chi cục trưởng, trưởng phòng và thậm chí từng công chức thuế phụ trách quản lý nợ cũng phải có định mức cụ thể”, ông Đoàn Xuân Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế nói.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế tiếp tục đánh giá, phân loại, chuẩn hóa dữ liệu nợ thuế, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp thu nợ phù hợp. Trong đó, thực hiện triệt để các biện pháp thu hồi nợ thuế của cơ quan quản lý thu như: trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.
Theo ông Đoàn Xuân Toản, đối với khoản nợ có khả năng thu hồi, Tổng cục Thuế đã rà soát lại toàn bộ khoản nợ này theo các khoản thu, sắc thuế, từng người nộp thuế cũng như nguyên nhân nợ thuế; đồng thời yêu cầu cục trưởng các cục thuế, các chi cục trưởng chi cục thuế phải xây dựng kế hoạch chi tiết làm việc với từng đơn vị, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí lãnh đạo, thậm chí đến từng cán bộ chuyên quản người nộp thuế để đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đọng.
“Chúng tôi yêu cầu cơ quan thuế định kỳ hàng tháng thống kê danh sách các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nợ thuế lớn trên địa bàn, đưa ra giải pháp thu nợ cụ thể đối với từng đối tượng, báo cáo UBND tỉnh, thành phố, ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách và thu hồi nợ thuế tỉnh, thành phố. Nếu đơn vị nào khó khăn không thực hiện nộp tiền nợ thuế thì phải báo cáo UBND tỉnh, thành phố để chỉ đạo đưa ra được các giải pháp thu hồi nợ đối với những đơn vị này", đại diện Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế nói.
Trước ngày 30/9 xử lý dứt điểm trường hợp nợ thuế trên 5 triệu đồng
“Qua theo dõi về tình hình thực hiện thu nợ thuế cho thấy, số nợ thuế từ đầu năm đến nay do Cục Thuế Hà Nội quản lý, mặc dù có tháng giảm, nhưng so với thời điểm 31/12/2018 có chiều hướng tăng. Chúng tôi đã yêu cầu các phòng, các chi cục thuế tập trung phân tích nguyên nhân cụ thể của từng đơn vị, đề xuất, tham mưu các giải pháp thực hiện để tăng cường xử lý dứt điểm các tồn tại; yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác cưỡng chế nợ thuế; thực hiện rà soát các trường hợp chưa cưỡng chế, kể cả các đơn vị nợ trên 5 triệu đồng, yêu cầu các phòng, các chi cục thuế hoàn thành việc cưỡng chế, điều chỉnh trước 30/9/2019”, Ông Mai Sơn – Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội chia sẻ.