Rà soát trách nhiệm tại dự án hiện đại hóa trung tâm điều hành vận tải đường sắt
Dự án hiện đại hóa trung tâm điều hành vận tải đường sắt thực hiện kéo dài, qua nhiều thời kỳ và thay đổi chủ đầu tư.
Bộ GTVT vừa có thông báo kết luận cuộc họp của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy với Ban QLDA đường sắt, Tổng công ty Đường sắt VN và một số đơn vị liên quan về tình hình triển khai dự án hiện đại hóa trung tâm điều hành vận tải đường sắt.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu: Ban QLDA đường sắt, Cục QLXD&CLCTGT rà soát lại các quy định hợp đồng, báo cáo cụ thể một số nội dung chủ yếu của dự án như: quá trình đấu thầu; đánh giá hồ sơ dự thầu; ký kết hợp đồng; những khó khăn vướng mắc khi thực hiện việc chấm dứt hợp đồng, thu hồi bảo lãnh. Đồng thời báo cáo rõ thẩm quyền, ủy quyền của cơ quan thực hiện thu hồi bảo lãnh hợp đồng.
Do dự án có yếu tố nước ngoài nên Bộ GTVT sẽ tổ chức họp với Bộ Tư pháp, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền.
Theo Bộ GTVT, dự án hiện đại hóa trung tâm điều hành vận tải đường sắt quốc gia được Tổng công ty Vận tải đường sắt VN phê duyệt năm 2015 theo ủy quyền của Bộ GTVT, với tổng mức đầu tư 254 tỷ đồng, nhằm cung cấp hệ thống thiết bị phần cứng, phần mềm chuyên ngành điều hành vận tải, chuyển giao công nghệ…
Dự án sử dụng nguồn vốn vay được ký kết từ cuối năm 2006 giữa nhà tài trợ là Ngân hàng Tái thiết Đức (CHLB Đức), Bộ Tài chính và Tổng Công ty Đường sắt VN. Mục tiêu dự án hoàn thành chuyển giao toàn bộ hệ thống vào tháng 5/2017 song quá trình triển khai bị chậm tiến độ.
Thông báo kết luận nêu rõ, dự án có thời gian thực hiện kéo dài, qua nhiều thời kỳ và thay đổi chủ đầu tư và các cá nhân theo dõi, quản lý điều hành. Quá trình xử lý các vướng mắc tồn tại đã rất cẩn trọng, Bộ GTVT đã có văn bản không kéo dài thời gian thực hiện dự án sau ngày 31/3/2021 và giao Ban QLDA Đường sắt trên cơ sở hợp đồng đã ký triển khai các thủ tục về nghiệm thu công việc hoàn thành và chấm dứt các hợp đồng (hợp đồng EPC, hợp đồng tư vấn).
Theo báo cáo của Ban QLDA Đường sắt, quá trình thực hiện chấm dứt hợp đồng có thể xẩy ra tranh chấp và hệ lụy. Do đó, giải quyết triệt để, tối ưu việc chấm dứt hợp đồng, thu hồi bảo lãnh cần phải được đánh giá một cách cẩn trọng và có ý kiến tham vấn của các cấp, đơn vị liên quan. Đặc biệt, phải rà soát, đánh giá trách nhiệm của các bên liên quan theo quy định hợp đồng, quy định của pháp luật.