Rác thải bủa vây hồ cấp nước nhà máy xử lý nước sinh hoạt cho Đà Lạt

Khu vực hồ Đankia, địa bàn huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, nguồn cấp nước của nhà máy xử lý nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương, đang bị bủa vây bởi các loại rác thải hữu cơ và rác thải nông nghiệp, nhất là sau những cơn mưa lớn.

Rác thải tràn về khu vực nhà máy xử lý nước trên hồ Đankia.

Rác thải tràn về khu vực nhà máy xử lý nước trên hồ Đankia.

Ghi nhận vào ngày 20/8, tại khu vực đầu nguồn, cách nhà máy nước Đankia 1 khoảng 200m, rác thải tràn ngập ven hồ, nguồn nước đục ngầu, váng bẩn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt và một phần huyện Lạc Dương suốt vài tuần qua.

Phần lớn là vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, rác thải hữu cơ do hoạt động sản xuất nông nghiệp thải ra.

Phần lớn là vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, rác thải hữu cơ do hoạt động sản xuất nông nghiệp thải ra.

Hồ Đan Kia là hồ chứa nước chính cung cấp cho Đà Lạt và một phần huyện Lạc Dương. Tình trạng rác thải tràn ngập đang khiến đơn vị xử lý nước sạch ở hồ này lo lắng không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn đe dọa đến chất lượng nguồn nước.

Bể lắng xử lý tại nhà máy nước Đanka 1.

Bể lắng xử lý tại nhà máy nước Đanka 1.

Ông Huỳnh Văn Dũng, Giám đốc Nhà máy nước Đankia 1, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Lâm Đồng cho biết, rác thải tràn về sau mỗi cơn mưa lớn đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhà máy và nguồn cung cấp nước sinh hoạt, nhưng vẫn chưa có phương án xử lý triệt để.

Rác thải tràn về sau mỗi cơn mưa lớn gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhà máy và nguồn cung cấp nước sinh hoạt.

Rác thải tràn về sau mỗi cơn mưa lớn gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhà máy và nguồn cung cấp nước sinh hoạt.

Mỗi ngày, nhà máy nước Đan Kia 1 cung cấp khoảng 30 nghìn m2 nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt, chiếm gần 50% lượng nước sinh hoạt.

Công ty cổ phần Cấp thoát nước Lâm Đồng đang lo lắng về tác động tiêu cực lên việc cung cấp nước sinh hoạt, do tình trạng rác thải không kiểm soát được. Ông Huỳnh Văn Dũng thông tin thêm, hiện nhà máy buộc phải sử dụng nhiều hóa chất để xử lý nước và có những lần phải tạm dừng hoạt động để ổn định chất lượng nước đầu nguồn.

Những thời điểm nguồn nước quá đục, nhà máy nước Đankia 1 buộc phải sử dụng hóa chất để xử lý hoặc tạm ngừng hoạt động để điều hòa lại nguồn nước.

Những thời điểm nguồn nước quá đục, nhà máy nước Đankia 1 buộc phải sử dụng hóa chất để xử lý hoặc tạm ngừng hoạt động để điều hòa lại nguồn nước.

Để giải quyết tình trạng này, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Lâm Đồng đã đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp xử lý rác thải và đưa ra phương án ngăn chặn ô nhiễm tái diễn.

Khu vực bể lắng tại nhà máy nước Đankia 1 nhìn ra hồ Đankia.

Khu vực bể lắng tại nhà máy nước Đankia 1 nhìn ra hồ Đankia.

Trong văn bản Công ty cổ phần Cấp thoát nước Lâm Đồng gửi đơn vị chức năng tỉnh Lâm Đồng, nêu: “Với tình trạng bùn đất và rác thải như hiện nay, công tác vận hành nhà máy (nhà máy nước Đankia 1) sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng đến việc cấp nước liên tục cho thành phố Đà Lạt, nếu tình trạng ô nhiễm không được cải thiện”.

Phía bên kia hồ Đankia là những khu vườn sản xuất nông nghiệp.

Phía bên kia hồ Đankia là những khu vườn sản xuất nông nghiệp.

Hồ Đankia cung cấp khoảng 60 nghìn m3 nước sinh hoạt cho hai nhà máy xử lý nước để cấp nước cho thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương. Đồng thời, cung cấp nước sản xuất nông nghiệp cho khu vực chung quanh.

BẢO VĂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/rac-thai-bua-vay-ho-cap-nuoc-nha-may-xu-ly-nuoc-sinh-hoat-cho-da-lat-post825837.html