Rạch Tre mùa nước nổi

Hai năm qua, những con đường đất đỏ giúp giao thông thuận tiện, ấp Rạch Tre không còn bị cô lập vì mưa lũ như trước đây. Ông Phước nói: 'Mấy năm trước, mỗi mùa nước ngập lụt, xã gần như cử hết lực lượng xuống khu vực để cứu trợ và vận động đưa người dân đến nơi an toàn'.

Những cánh đồng ngập trắng nước.

Những cánh đồng ngập trắng nước.

Những năm gần đây, vào mùa nước nổi, người dân ở ấp Rạch Tre, xã Biên Giới, huyện Châu Thành không còn gặp trở ngại vì mưa lũ gây lụt lội.

Trong căn nhà nhỏ cặp bờ sông Vàm Cỏ Đông thuộc tổ 3, ấp Rạch Tre, vợ chồng anh Phan Thanh Tâm (37 tuổi), chị Nguyễn Thị Trinh (34 tuổi) đang chuẩn bị bữa cơm trưa sau một đêm dậy sớm đi cạo mủ cao su. Căn bếp nhỏ thơm lừng mùi cá đồng kho nước mắm. Anh Tâm nói, mớ cá này do anh đặt dớn ngoài ruộng, đỡ được một ít tiền chợ.

Vợ chồng anh Tâm làm nghề cạo mủ cao su, những ngày mưa gió thất thường thì thất nghiệp. Năm nay, công việc lại bị gián đoạn một thời gian vì dịch bệnh nên không tích lũy được gì chuẩn bị cho mùa nước nổi. Vừa nấu cơm, vợ chồng anh ôn lại chuyện những mùa lũ trước.

Căn nhà nhỏ này nằm ở điểm giao cạnh bờ sông nên bị trũng. Vào những mùa lũ trước, nơi đây thường chìm sâu trong nước. Trước năm 2016, căn nhà vách đất nhỏ là tổ ấm của gia đình anh Tâm.

Mỗi mùa lũ, nước sông lên cao, ngập hơn cả mét trong nhà, các con anh Tâm phải qua nhà ngoại ở tạm. Chị Trinh nhớ lại: “Có lúc đang yên, tàu chạy ngang tạo sóng là lại phải đi gom đồ vì bị đánh trôi khắp nhà. Thời đó, chỉ lúc đi ngủ mới thấy người khô ráo thôi”.

Sau mỗi mùa nước nổi, anh Tâm lại cặm cụi trát lại vách nhà bị vỡ do thấm nước. Sau mùa lũ năm 2016, chính quyền địa phương xây cho vợ chồng anh Tâm căn nhà đại đoàn kết, hỗ trợ công trình lọc nước, từ đó cả nhà yên tâm khi mỗi mùa nước về.

Bà Thiểu chèo xuồng trên con sông trước nhà.

Bà Thiểu chèo xuồng trên con sông trước nhà.

Mấy năm qua, cuộc sống đỡ vất vả khi nước không lên cao, các con của anh chị đi học thuận tiện hơn vì không phải qua những chuyến phà mùa nước nổi. Mái nhà bên sông vững vàng qua những mùa lũ, quanh nhà, rau xanh được trồng thường hơn so với trước đây. Nhưng với anh chị, ký ức về bao mùa lũ và những ngày co ro trong biển nước vẫn còn mãi.

Ở khu vực khác thuộc tổ 2, ấp Rạch Tre, ven sông Vàm Cỏ Đông, những sân nhà mùa này vẫn khô ráo vì nước sông không lên cao, mấy thửa ruộng xung quanh bị ngập trắng xóa. Sáng, ông Dương Văn Nam, 58 tuổi, tranh thủ ra ruộng cách nhà không xa để dỡ dớn đặt hôm trước.

Vừa đi, ông Nam chỉ những khoảnh ruộng của mình bị ngập nước, không sản xuất lúa được. Mớ cá từ đồng ruộng trở thành thức ăn chính cho buổi cơm trưa của gia đình. Ông Nam nói rằng, mùa này không làm ruộng nên tập trung chăn nuôi, rảnh thì đi ra đồng đặt cá để có thức ăn cho gia đình, hôm nào cá nhiều sẽ mang ra chợ sang lại, mỗi ký cá được 50.000 đồng trở lên.

Ông Nam nói: “Ở đây, mỗi ngày đều có cá đồng, quanh nhà trồng ít rau nên gia đình ít khi ra chợ”. Trong sân nhà, những chiếc máy cày, máy xới nằm yên chờ qua mùa nước. Theo ông Nam, năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, giá lúa thấp hơn so với các năm, cuộc sống không quá khó khăn nhưng không thoải mái như những năm trước. Người nông dân này chia sẻ: năm nay nước dâng lên thấp, ruộng không có nhiều cá và sẽ ít phù sa cho vụ lúa sau.

Cách nhà ông Nam không xa là căn nhà của bà Nguyễn Thị Thiểu, 71 tuổi. Bà Thiểu có gần 50 năm sinh sống ở nơi này nên khá quen với cảnh lụt lội vào mùa nước nổi. Vài năm trở lại đây, vào mùa lũ, nước không dâng cao nữa.

Nhìn con đường đất đỏ rộng thênh thang thuận tiện cho việc đi lại của người dân, bà Thiểu vui vẻ chia sẻ: “Giao thông thuận tiện vẫn tốt hơn chứ, tụi trẻ có thể tự do đi học, không phải chờ những chuyến phà”.

Con đường qua ấp Rạch Tre nay cao ráo, không bị chìm trong nước như mùa nước lên của những năm về trước.

Theo ông Lê Văn Phước- Phó Chủ tịch UBND xã Biên Giới, trên địa bàn xã (chủ yếu tại hai ấp Rạch Tre và Tân Định) có gần 500 ha đất ruộng bị ngập nước, người dân không thể sản xuất. Hai năm qua, những con đường đất đỏ giúp giao thông thuận tiện, ấp Rạch Tre không còn bị cô lập vì mưa lũ như trước đây. Ông Phước nói: “Mấy năm trước, mỗi mùa nước ngập lụt, xã gần như cử hết lực lượng xuống khu vực để cứu trợ và vận động đưa người dân đến nơi an toàn”.

Đến nay, hương lộ 12 nối liền từ ấp Bến Cầu đến ấp Rạch Tre được thi công cao ráo, thuận lợi cho việc giao thương của người dân. Năm 2021, ấp Rạch Tre không còn là vùng đặc biệt khó khăn trong nước. Xã đang xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên, đời sống người dân trong khu vực còn nhiều khó khăn vì không thể sản xuất nông nghiệp vào mùa nước lên. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh, những người làm công nhân thất nghiệp, không có thu nhập; gần 100 học sinh ở đây thì không có phương tiện để học trực tuyến.

Vi Xuân

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/rach-tre-mua-nuoc-noi-a138911.html