Rằm tháng Giêng, hướng về nguồn cội...

Hôm nay (12-2), theo lịch âm là ngày Rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ, hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu, Tết Thượng nguyên, ngày lễ quan trọng trong phong tục của người Việt. Rằm tháng Giêng mang giá trị tâm linh, nhân văn, hướng con người đến những điều tốt đẹp, thiện lành theo giáo lý Phật giáo. Với người Việt, ngày Rằm tháng Giêng còn là dịp để mỗi người hướng về tổ tiên, cội nguồn với đạo lý 'uống nước nhớ nguồn'.

Vào ngày Rằm tháng Giêng, người dân thường lễ chùa cầu an hoặc các cơ sở tín ngưỡng thờ Mẫu như phủ Tây Hồ. Ảnh: Hoàng Lân

Vào ngày Rằm tháng Giêng, người dân thường lễ chùa cầu an hoặc các cơ sở tín ngưỡng thờ Mẫu như phủ Tây Hồ. Ảnh: Hoàng Lân

Nét đẹp trong văn hóa người Việt

Người xưa có câu “Lễ quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”, nhằm nói đến tầm quan trọng của ngày rằm đầu tiên trong năm với đời sống tâm linh và văn hóa truyền thống của người Việt. Rằm tháng Giêng là một ngày lễ quan trọng của Phật giáo, còn gọi là Ngày hội thánh Tăng. Vào ngày này, Đức Phật kêu gọi các đệ tử phụng sự nhân sinh vì mục đích mang lại phúc lợi và an lạc cho nhân loại. Cộng đồng Phật giáo thế giới cùng cam kết làm theo lời Phật, sống tốt đời đẹp đạo, hướng mỗi người làm việc thiện, tu nhân tích đức.

Tại Việt Nam, Rằm tháng Giêng có sự giao thoa giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa bản địa, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tạo nên nét văn hóa độc đáo, riêng biệt so với những quốc gia khác. Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, Việt Nam có sự tiếp biến và giao thoa văn hóa rất rõ nét, gắn kết triết lý của đạo Phật với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Điều đó cho thấy, người Việt luôn có tâm thức hướng về cội nguồn, tưởng nhớ đến bậc sinh thành với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Còn theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, nét đẹp trong văn hóa dân gian của người Việt là ngoài sự gắn kết các thành viên trong gia đình còn có tinh thần dân tộc. Trọng tâm của Rằm tháng Giêng là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng và phát triển cho đất nước, gia đình.

Vì sự giao thoa văn hóa độc đáo này nên vào ngày Rằm tháng Giêng, người Việt thường đến chùa làm lễ cầu an, mong những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình, đồng thời làm mâm cơm cúng gia tiên để cả gia đình đoàn viên, cùng tưởng nhớ ân đức tổ tiên, hướng về quê hương, nguồn cội. Mâm cơm cúng Rằm tháng Giêng cũng được thực hiện đa dạng tùy vào quan niệm, điều kiện của từng người, có gia đình làm mâm cúng mặn với đầy đủ các món ăn truyền thống như cỗ Tết, cũng có gia đình làm mâm cỗ chay. Dù là mâm cỗ cúng đơn giản hay cầu kỳ thì điều quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm, hướng thiện, cầu mong những điều tốt đẹp.

Giữ gìn, lan tỏa truyền thống tốt đẹp

Bên cạnh những giá trị tốt đẹp, theo thời gian, các nghi thức thực hiện trong ngày Rằm tháng Giêng cũng có sự thay đổi. Từng có thời gian, không ít cơ sở thờ tự lấy danh nghĩa cầu an, tổ chức thu tiền thực hiện các nghi thức dâng sao, giải hạn làm mất đi nét đẹp và ý nghĩa cầu an trong ngày Rằm tháng Giêng. Hay việc đốt nhiều vàng mã; phóng sinh không đúng quy định, quy chuẩn làm ảnh hưởng tới môi trường sinh thái.

Người dân và du khách đi lễ tại chùa Hương. Ảnh: Hoàng Lân

Người dân và du khách đi lễ tại chùa Hương. Ảnh: Hoàng Lân

Nhiều năm nay, với nỗ lực tuyên truyền cùng những biện pháp quản lý quyết liệt của các cấp chính quyền và cơ sở tôn giáo, hoạt động tín ngưỡng, lễ bái trong ngày Rằm tháng Giêng đã dần trở nên quy củ và văn minh hơn. Từ năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng cảnh tỉnh người dân, nghiêm cấm các cơ sở thờ tự tổ chức dâng sao giải hạn. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng nhiều lần khẳng định, giáo lý Phật giáo chỉ có lễ cầu an chứ không có dâng sao, giải hạn. Giáo hội không khuyến khích tổ chức dâng sao, giải hạn trong các cơ sở thờ tự.

Năm nay, chuẩn bị cho ngày Rằm tháng Giêng, nhiều cơ sở tôn giáo tại Hà Nội tổ chức trang trí không gian cảnh quan sạch, đẹp, văn minh, chuẩn bị các khóa lễ cầu an đúng truyền thống văn hóa. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra, giám sát tại nhiều cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn thành phố, như: Chùa Hương (huyện Mỹ Đức), đền Đức Thánh Cả (huyện Ứng Hòa), Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ), chùa Hà (quận Cầu Giấy)…

Theo ghi nhận, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đã thực hiện các quy định, hướng dẫn người dân thực hiện lễ bái văn minh. Thượng tọa Thích Minh Hiền, sư trụ trì chùa Hương (Mỹ Đức) cho biết, từ Tết Nguyên đán đến nay, chùa Hương tiếp đón hàng vạn người dân và du khách. Các điểm thờ tự tại chùa Hương đều có hướng dẫn về cách đặt lễ, hạn chế đốt hương, vàng mã, đặt tiền lẻ lên các ban thờ.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài cho biết, Sở đề nghị các địa phương thường xuyên tuyên truyền người dân ý nghĩa và nét đẹp trong hoạt động cầu an, không đặt tiền lẻ lên ban thờ, không đốt nhiều vàng mã; đề nghị các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng tổ chức các khóa lễ đúng truyền thống, đặt hòm công đức đúng quy định. “Nghi thức cầu an trong ngày Rằm tháng Giêng là nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Để nghi thức này diễn ra văn minh, an toàn và hiệu quả, cần sự chung tay của chính quyền địa phương, cơ sở thờ tự trong tuyên truyền, tổ chức cũng như ý thức của người dân”, ông Phạm Xuân Tài nói.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ram-thang-gieng-huong-ve-nguon-coi-692936.html