Rắn thần Naga trong văn hóa Phật giáo

Rắn thần Naga vốn là một loài quái vật hung dữ, độc hại, nhưng nhờ oai đức cảm hóa của Đức Phật mà trở thành một hộ pháp hướng thiện.

Trong cuốn Biểu tượng thần thoại về Chư thiên & Linh vật Phật giáo, nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình đã nêu một tập hợp các chư thiên (một loại chúng sinh hoặc các vị thần/ thần linh sống trong sáu cõi luân hồi) liên quan đến các yếu tố đất, nước, lửa, gió. Đồng thời, tác giả cho biết quá trình chuyển hóa của các chư thiên này có gốc từ Hindu, Bà la môn, Ấn giáo sang Phật giáo.

Từ linh vật á thần gốc Hindu giáo...

Trong các chư thiên liên quan đến yếu tố nước, rắn thần Naga - có hình dáng của một con rắn mang bành lớn, thường xuất hiện với một cái đầu hay nhiều đầu - vốn là một loài quái vật hung dữ, độc hại, nhưng nhờ ảnh hưởng của Đức Phật mà Naga được cải hóa, trở thành một loại chúng sinh Hộ pháp và hướng thiện - linh vật bảo hộ Phật pháp.

Theo tác giả sách Biểu tượng thần thoại về Chư thiên & Linh vật Phật giáo, Naga (gốc tiếng Phạn) vốn là một linh vật á thần, gốc Hindu giáo có hình tướng mặt người thân rắn, với cổ bành của loài rắn hổ mang.

Theo truyền thống Hindu giáo, Naga là con của Kadru, vợ của ẩn sĩ Kasyapa. Kadru đã sinh ra đông đảo con rắn, nhằm mục đích tạo nên cộng đồng dân cư cho cõi Patala, tức cõi âm, dưới mặt đất - một cảnh giới tráng lệ gọi là Naga-loka đặt dưới sự thống trị của các Naga Chúa.

Theo truyền thống Hindu giáo, bắt nguồn từ sử thi Mahabharata, kẻ thù truyền kiếp của loài Naga là loài chim Garuda (thường được gọi là chim cánh vàng/ kim sí điểu trong kinh văn Phật giáo).

Theo Phật giáo Kim cương thừa Tây Tạng - thừa hưởng biểu trưng Naga từ di sản cổ của Ấn Độ được tích hợp vào Phật giáo thời sơ kỳ - Naga là những linh vật hạ giới, dưới đất và dưới biển, đặc biệt là thủy giới của sông hồ, ao giếng và biển cả.

Còn Phật giáo Đại thừa cũng tiếp nhận ý nghĩa những biểu trưng Naga nguyên mẫu, song trong ngữ cảnh văn hóa Hán, Naga (phiên âm là Na-già) được đồng nhất với rồng/long. Theo đó, Nagaraja được gọi phổ biến là Long vương. Hình tượng Long vương được thờ ở chùa phổ biến là đầu rồng, thân người với trang phục hoàng bào, đội mũ bình thiên.

 Sách Biểu tường thần thoại về Chư thiên & Linh vật Phật giáo. Ảnh: Q.M.

Sách Biểu tường thần thoại về Chư thiên & Linh vật Phật giáo. Ảnh: Q.M.

...Đến các Phật thoại về Naga

Naga xuất hiện phổ biến trong nhiều Phật thoại và đa phần gắn liền với Đức Phật lịch sử. Theo kinh Maha sát đầu và đồ hình khắc trên đá về đề tài vườn Lộc Uyển (ở Ấn Độ) thì lúc Đức Phật giáng sinh, Trời Đế Thích, Phạm vương và Long vương dùng nước thơm tắm gội cho Phật.

Đó là căn cứ khởi phát cho tập tục dùng nước thơm tắm gội cho tượng Phật đản sanh vào lễ Phật đản hàng năm - gọi là Quán Phật hội (hay Phật sanh hội, Dục Phật hội...) phổ biến trong hầu hết cộng đồng tín đồ Phật giáo.

Cũng có thuyết cho rằng, lúc Phật giáng sinh có chín con rồng hoặc con rồng chín đầu phun nước thơm tắm cho Đức Phật. Đây là cơ sở của các quần tượng Cửu Long hay các tranh vẽ Cửu Long phúng thủy.

Phật thoại cũng có câu chuyện rắn thần Naga Mucalinda che chở cho Đức Phật. Truyện kể: Vào tuần thứ sáu, sau khi thành đạo, từ cây Ajapala Đức Phật sang cây Mucalinda và ngự tại đây một tuần lễ để chứng nghiệm quả vị giải thoát. Bỗng nhiên có một trận mưa to kéo đến. Trời sẫm tối dưới lớp mây đen nghịt và gió lạnh thổi vùn vụt suốt nhiều ngày.

Vào lúc ấy, mãng xà vương Mucalinda, từ ổ chui ra, uốn mình quấn quanh Đức Phật bảy vòng và khum đầu to che trên đầu Ngài. Nhờ vậy mà mưa to gió lớn không động đến thân Đức Phật. Đến cuối ngày thứ bảy, thấy trời quang mây tạnh trở lại, Mucalinda tháo mình trở ra và bỏ hình rắn, hiện thành một thanh niên, chắp tay đứng trước mặt Đức Phật.

 Tranh rắn thần Naga Mucalinda che chở cho Đức Phật tại Chánh điện chùa Mỹ Á, Tri Tôn, An Giang. Nguồn: Sách Tranh tường Khmer Nam Bộ - Huỳnh Thanh Bình.

Tranh rắn thần Naga Mucalinda che chở cho Đức Phật tại Chánh điện chùa Mỹ Á, Tri Tôn, An Giang. Nguồn: Sách Tranh tường Khmer Nam Bộ - Huỳnh Thanh Bình.

Trong kinh văn Phật giáo, các motif Naga thuộc truyền thống Hindu được tiếp nhận và biến cải ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, sự thống thuộc Naga vào Bát bộ chúng/ Thiên long bát bộ - các vị thần bảo hộ Phật pháp là có phần hoàn bị.

Đức Phật đã dùng oai đức cảm hóa cả 8 bộ chúng [Thiên (Deva/ Trời), Long (Naga/ Rồng), Dạ-xoa (Yaksa/ quỷ/chằn), Càn-thát-bà (Gandhava/ Hương thần/ Nhạc thần), Atula (Asura), Ca-lâu-la (Garuda/ Kim xí điểu), Khẩn-na-la (Kimnara/ Phi nhân/ Ca nhân), Ma hầu La-già (Mahoraga/ Đại mãng thần)] quy y trở thành quyến thuộc của Phật, ở cõi thọ dụng của chư Phật, hộ trì Phật và Phật pháp.

Ở tập hợp Bát bộ này, có hai loại rắn khác biệt: Naga và Mahoraga. Mahoraga trong truyền thống Hindu được hiểu là loài rắn lớn (Maha+uraga), tức “Đại mãng thần”, được đồng nhất với rắn chúa Sesha hay chỉ chung bất cứ loại rắn to lớn nào đó.

Còn trong ngữ cảnh văn hóa Phật giáo, Mahoraga được xác định là “vị thần đầu người mình rắn, một trong Thiên long bát bộ” và được Hán dịch là “Đại mãng thần” (thần rắn lớn), song cũng gọi là “Đại hung hành”, “Đại phúc hành” hay “Đại hung phúc hành”, tức vị rắn thần có cả thuộc tính tốt/ phúc và xấu/ hung.

Đối với loài chúng sinh này trong kinh tạng ghi rõ ràng Naga/ long, một trong Bát bộ chúng thường hiện đến nghe Phật giảng kinh Đại thừa. Cụ thể, khi Phật giảng kinh Diệu pháp liên hoa, có tám vị Long vương (Nagaraja) dắt theo quyến thuộc đến hầu để nghe kinh. Đó là các Long vương Nanda (Nan-đà), Upananda (Bạt-nan-đà), Sagara (Ta-già-la), Vasuki (Hòa-ta-kiết), Takchaka (Đức-xoa-na), Avravotapta (A-na-bà-đạt-đa), Manasvin (Ma-na-tư) và Utpala (Ưu-bát-la).

Mặc dù là loại chúng sanh hộ pháp và hướng thiện, thường hiện đến dự pháp hội để nghe Phật giảng kinh, song Naga không được coi là loại chúng sinh hội đủ phẩm chất như con người.

Trong luật tạng, có tích kể về một con Naga/ rồng muốn mau tiến bộ trên đường tu học đã hóa thành một chàng trai tráng đến trước Tăng-già xin thọ giới xuất gia. Khi đã được thọ giới, Naga về tăng phòng ngủ lại hoàn hình thành Naga khiến chư Tăng hốt hoảng. Do vậy, chư Tăng nghị hội trục xuất vị Tăng sĩ gốc Naga này với lý do Naga chưa đủ sức tiến hóa để thọ giới Tỳ-kheo, tức phải sanh lên làm người, có đủ căn cơ tốt mới được làm Tỳ-kheo

Tuy nhiên, bất cứ loài chúng sanh nào có được chí nguyện tu đạo thì sẽ đạt được sự chuyển thân hầu đạt được quả vị giác ngộ. Trong văn liệu Nam truyền có một kết thúc có hậu: Để sách tấn vị tu sĩ gốc Naga bị trục xuất khỏi Tăng-già, Đức Phật đã hứa với Naga rằng: Các trai trẻ xuất gia, trong giai đoạn bắt đầu từ lúc cạo đầu đến lúc được chư Tăng chính thức đồng ý được thọ giới được gọi là Naga.

Tóm lại, rắn thần Naga là một ví dụ điển hình cho quá trình tu tập, cải hóa của Phật giáo. Câu chuyện về rắn thần còn cho chúng ta thấy, dù bất cứ loài chúng sanh nào, kể cả loài hung dữ và độc hại, nếu biết phát khởi thiện tâm và chí nguyện theo thiện đạo thì chắc chắn sẽ đạt được giác ngộ.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/ran-than-naga-trong-van-hoa-phat-giao-post1478037.html