Rào cản chuyển đổi số trong dạy và học nghề trực tuyến
Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp không đơn giản chỉ là chuyển đổi từ học trực tiếp sang học trực tuyến mà đó còn là sự chuyển đổi trong nhận thức, cách làm trên phương diện công nghệ số và môi trường số, tận dụng công nghệ số để thay đổi cách dạy, cách học.
Ngày 30/11, Tiểu ban Giáo dục Nghề nghiệp (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) đã tổ chức hội nghị trực tuyến tọa đàm khoa học “Thực trạng và giải pháp đào tạo trực tuyến đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp”.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Minh Anh
Phải làm cách mạng tư duy chuyển đối số trong dạy học trực tuyến
Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, dạy học trực tuyến đang là một hướng đi trong chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người học và thích ứng được điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, việc dạy vào học trực tuyến đang gặp phải nhiều vấn đề. Ví dụ hoạt động đào tạo còn mang tính 1 chiều. Hiện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã bước đầu áp dụng công nghệ và học liệu số trong việc dạy học. Đặc biệt là các khối ngành kỹ thuật, có một số ngành như cơ điện, ô tô... ứng dụng các chương trình mô phỏng và học liệu điện tử của các hãng lớn (Daikin, Electrolux ...), hoặc được tài trợ (chương trình cơ điện lạnh do Úc tài trợ của trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội) vào dạy học…
Để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả cao, theo ông Bình cần xây dựng hệ sinh thái số và quan tâm tới tất cả 6 khía cạnh: thể chế hành lang pháp lý; chương trình nội dung đào tạo; phương pháp dạy và học; hạ tầng số nền tảng số và học liệu số; nhà giáo và học sinh sinh viên; quản trị và quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Mới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tiến hành 2 cuộc điều tra (đối với 997 cán bộ quản lý các cấp, 2108 nhà giáo, 16.671 học sinh sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 138 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp). Kết quả cho thấy, nhận thức về chuyển đổi số chưa đồng bộ. Hầu hết các đơn vị chưa đồng bộ, chưa quan tâm tới cấu phần về phương pháp và cấu trình. Vấn đề hạ tầng nền tảng “trăm hoa đua nở”, mỗi trường có một hạ tầng, một nền tảng số mà chưa có sự liên kết, kết nối trong hệ thống; tính ưu việt của chuyển đổi số là chia sẻ và kết nối không được phát huy.
Nhiều chuyên gia giáo dục nghề nghiệp cho rằng, hiện nay việc dạy và học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ yếu chỉ dừng lại ở mức một chiều, tức là giáo viên sử dụng công nghệ và học liệu để trình diễn cho học viên xem.
Kết quả khảo sát online của Tiểu ban Giáo dục Nghề nghiệp cũng cho thấy, có 87,8% giáo viên áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào giờ dạy lý thuyết, 70,7% vào giờ dạy thực hành. Tuy nhiên, có đến 80% giải pháp đưa ra là sử dụng thiết bị và phần mềm trình chiếu, demo video, hình ảnh, phần mềm... Như vậy, tính mở và linh hoạt của các chương trình đào tạo chưa cao, dẫn đến hạn chế trong việc cập nhật nội dung đào tạo hiệu quả và kịp thời.
Năng lực của nhà giáo dạy trực tuyến ở mức trung bình yếu
Theo PGS. TS Bùi Văn Hồng - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Sư phạm Kỹ thuật (TP. Hồ Chí Minh) thì năng lực của nhà giáo là yếu tố quyết định đến sự thành công của dạy học trực tuyến.
"Dạy học trực tuyến là 1 trong 6 thành phần về chuyển đổi số. Thế nhưng hiện nay, phần lớn năng lực nhà giáo đang ở mức Trung bình và yếu. Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN tiếp cận chậm và lúng túng, chưa hiểu đúng về giáo dục trực tiếp. Nhiều nhà giáo chưa biết thiết kế và cấu trúc khóa học trên hệ thống quản lý học tập trực tuyến” – ông Hồng nói.
Bên cạnh đó, theo ông, các nhà giáo cũng thiếu một loạt các kỹ năng như: ứng dụng thông tin, kĩ năng phương pháp giảng dạy mới; quản trị học liệu.
PGS TS Lưu Bích Ngọc - Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, cần phải đầu tư các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ảo, vì riêng đối với việc đào tạo nghề thì thực hành là vô cùng quan trọng. Chỉ có các xưởng thực hành ảo mới có thể đáp ứng được sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay và giúp quá trình học và giảng dạy thuận tiện hơn.
Ngoài vấn đề hạ tầng, để nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến, năng lực dạy học trực tuyến của nhà giáo là yếu tố quan trọng, cốt lõi quyết định đến hiệu quả dạy học trực tuyến.
Tuy nhiên, đối với nhà giáo hiện nay, phần lớn đều xem dạy học trực tuyến là hình thức dạy học hoàn toàn mới và chưa có kinh nghiệm thực tiễn, nên gặp nhiều lúng túng khi thực hiện. Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác các nền tảng công nghệ số trong dạy học trực tuyến của nhà giáo còn nhiều hạn chế. Phần lớn nhà giáo còn gặp nhiều khó khăn trong lựa chọn và xây dựng học liệu số, tổ chức hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá trong môi trường dạy học trực tuyến.
Kết thúc tọa đàm, ông Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng, cần thống nhất lại cách hiểu, nhận thức và cả cách làm trong việc đào tạo trực tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.